Chúng ta có nhiều tiềm năng trong thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí điện. Ngành cơ khí điện lực đã khẳng định được năng lực của mình qua việc chế tạo và sản xuất với số lượng lớn các sản phẩm như cột thép, máy biến áp, thiết bị cơ khí thủy công… khi nhu cầu về điện ở Việt Nam ngày một tăng lên, đồng thời những thiết bị cơ khí điện mua ở nước ngoài thường có giá cao và đôi khi không đảm bảo chất lượng.
Việc công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV đầu tiên của Đông Nam Á đánh dấu một bước phát triển mới của ngành chế tạo cơ khí điện.
Tia Sáng đã có buổi trao đổi với kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt – người thiết kế chính công trình máy biến áp 500kV về tính ứng dụng của công trình và việc phát huy tiềm năng nghiên cứu khác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo điện.
– Xin bà cho biết ý nghĩa và sự cần thiết của máy biến áp 500 kV đối với Việt Nam?
Cùng với xây dựng các nguồn điện, việc xây dựng hệ thống truyền tải và phân phối điện là hết sức quan trọng bởi điện năng từ nguồn đến nơi tiêu thụ thường biến đổi qua nhiều cấp điện áp, vì thế máy biến áp là thiết bị chính trong hệ thống điện lưới Quốc gia.
Từ khi có hệ thống điện lưới 500kV, nước ta vẫn phải mua các máy biến áp của nước ngoài và thuê chuyên gia của họ lắp ráp, không chỉ tốn kém, mà đôi khi chất lượng không bảo đảm do không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Do vậy, việc chủ động chế tạo máy biến áp 500kV là một đòi hỏi cấp bách của ngành cơ khí chế tạo điện.
Đối với EEMC và bản thân tôi, việc thiết kế chế tạo thành công máy biến áp 500kV, giúp chúng tôi thêm tự tin rằng với sự trợ giúp về tài chính của Nhà nước, công ty có thể làm ra được những sản phẩm cơ khí điện công nghệ cao với chất lượng tốt, đem lại những giá trị gia tăng thiết thực cho ngành điện và nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế ngành cơ khí chế tạo.
– Hẳn bà và các cộng sự đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình chế tạo máy biến áp 500kV?
Để thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV, chúng tôi phải đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề như: điều kiện nhà xưởng, giải pháp công nghệ, phương thức vận chuyển, tính kinh tế vv..
Việc đầu tiên là phải nghiên cứu, lựa chọn tiêu chuẩn thiết kế. Các tiêu chuẩn kỹ thuật phải dựa trên cơ sở những thông số của máy biến áp mà các nước đã cung cấp cho ngành điện hiện nay. Một cỗ máy biến áp 500kV thông thường rất phức tạp, bao gồm nhiều chi tiết. Mỗi chi tiết đòi hỏi một bản vẽ riêng. Riêng phần lõi máy, tôi đã phải thiết kế trên 750 bản vẽ.
Trong quá trình thiết kế, chúng tôi phải bỏ ra hàng tháng trời để kiểm tra nghiêm ngặt mức độ tương ứng của các thiết bị trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào lắp ráp. Từ việc chế tạo bối dây, chế tạo vỏ đến công đoạn sấy máy đều được sử dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến.
Không chỉ đặt mục tiêu sản phẩm thiết kế đạt tiêu chuẩn đề ra, chúng tôi còn đòi hỏi máy biến áp 500kV phải phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiều sét, nhiều núi cao và biển của Việt Nam. Vì vậy, EEMC đã bỏ ra gần một trăm tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng với hệ thống lọc và sấy không khí, đầu tư trang thiết bị như đồ gá, giá đỡ, trụ chống, các dụng cụ thi công và công nghệ phù hợp để đáp ứng đủ chỉ tiêu kỹ thuật như về độ ẩm, môi trường không khí.
– Trong thành tựu công nghệ ở tầm khu vực này, phần chúng ta tự nghiên cứu chiếm tỷ trọng như thế nào? Những hỗ trợ và hợp tác quốc tế (nếu có) đóng vai trò gì?
Công trình này không phải là một sáng chế. Nó là sản phẩm do cán bộ, nhân viên kỹ thuật của EEMC với các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm thiết kế, chế tạo. Trước đó, chúng tôi đã cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao tới các trạm biến áp trong và ngoài nước để học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mua phần mềm thiết kế chế tạo máy biến áp rồi tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo sản phẩm máy biến áp 500kV “made in Vietnam” đầu tiên này. Sự hợp tác quốc tế ở đây chỉ dừng lại ở việc sau khi hoàn thành công trình, chúng tôi đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực máy biến áp của Nga sang kiểm định chất lượng trước khi đưa vào chạy thử nghiệm bởi Việt Nam chưa có chuyên gia kiểm định trong lĩnh vực này.
– Theo bà, máy biến áp 500kV của Việt Nam có những ưu/nhược điểm gì về chất lượng kỹ thuật so với những sản phẩm tương đương được thiết kế và sản xuất ở nước ngoài?
Máy biến áp 500kV của Việt Nam hoàn toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn IEC – 60076 (tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá chất lượng kỹ thuật của máy biến áp hiện nay). Cũng phải nói ngay rằng, chúng ta đi sau thế giới về việc chế tạo máy biến áp 500kV hơn 30 năm, trình độ công nghệ chưa cao nên chưa thể nghĩ tới việc chế tạo được loại máy ưu việt hơn các nước khác. Nhưng ở máy biến áp 500kV này, chúng tôi đã biết kết hợp những ưu điểm của nhiều loại máy khác nhau trên thế giới để chế tạo ra máy biến áp phù hợp nhất với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam chẳng hạn như hệ thống làm mát chia làm 2 dàn bố trí bên hông máy, có lắp bơm dầu và đồng hồ đo lưu lượng tản nhiệt, tạo ra kết cấu mới; vỏ nhiệt được thiết kế giúp tăng khả năng tiếp xúc dầu và không khí để giảm nhiệt nhanh. Đây là thiết kế khá sáng tạo mà nhiều loại máy tương đương ở một số nước chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, máy biến áp này có khối lượng lớn lên đến vài trăm tấn, nặng hơn rất nhiều so với máy biến áp của nước ngoài, do chúng ta không chủ động được vật liệu nhập ngoại trong việc thiết kế và chế tạo vỏ máy.
– Liệu thành công này sẽ tiếp tục mở ra triển vọng gì cho ngành cơ khí điện lực của Việt Nam?
Sau thành công của một công trình, chúng tôi hướng đến mục tiêu đầu tiên là tính ứng dụng của nó. Sau khi thử nghiệm thành công, máy sẽ được kéo đi vận hành tại Ninh Bình. Thời gian tới, tôi hi vọng chúng ta có thể sản xuất được nhiều máy biến áp 500kV thay thế việc mua loại thiết bị này ở nước ngoài với giá thành thường cao hơn khoảng 10%.Qua việc thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV, có thể khẳng định, chúng ta có nhiều tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu, cải tạo các loại thiết bị khác trong hệ thống truyền tải và phân phối điện như máy biến dòng, biến thế và các thiết bị điều khiển khác.
– Vậy theo bà cần có những giải pháp gì để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó?
Nhu cầu về điện ở Việt Nam ngày một tăng lên, đồng thời những thiết bị cơ khí điện mua ở nước ngoài thường có giá cao và đôi khi không đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh ấy, vượt qua những khó khăn và hạn chế, ngành cơ khí điện lực đã khẳng định được năng lực của mình qua việc chế tạo và sản xuất với số lượng lớn các sản phẩm như cột thép, máy biến áp, thiết bị cơ khí thủy công v.v… Chẳng hạn, một năm các cơ sở chế tạo máy biến áp có thể sản xuất được 40 – 50 máy biến áp 110kV và hàng chục máy biến áp 220kV. Tuy nhiên, đáng tiếc là con số đó vẫn chỉ đang ở dạng “tiềm năng” vì chúng ta hiện có khả năng đảm bảo tới gần 70% khối lượng sản xuất thiết bị cơ khí điện nhưng thực tế mới sản xuất chưa được 40%, phần còn lại đều phải đi nhập khẩu.
– Vì sao vậy?
Có rất nhiều công trình điện, đặc biệt là những công trình lấy từ nguồn vốn ODA, chủ đầu tư thường dành những gói thầu sản xuất thiết bị cho nước ngoài trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Điều đó dẫn đến tình trạng những cơ sở sản xuất các mặt hàng đó không có việc làm, công nhân nhiều khi phải nghỉ việc không lương. Ví dụ, Việt Nam đã sản xuất được máy biến áp 220kV từ khá lâu nhưng hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục mua loại máy này ở nước ngoài. Với các công trình do vốn trong nước, Nhà nước cần có chính sách bảo trợ mạnh mẽ hơn qua việc chỉ định thầu cho các cơ sở sản xuất thiết bị điện trong nước có mức giá phải chăng hơn giá mua của nước ngoài (với điều kiện Nhà nước giám sát chặt chẽ về chất lượng). Chỉ khi các nhà máy này xác nhận là không đáp ứng được các yêu cầu đó, thì Nhà nước mới cho phép mua của nước ngoài. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các hợp đồng chế tạo máy biến áp được thực hiện ở Việt Nam.
– Là người đã đảm nhiệm việc thiết kế, công nghệ chế tạo nhiều thiết bị điện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy bà đã được hưởng những quyền lợi gì từ những thành quả đó?
Hầu hết các công trình nghiên cứu của tôi là những sản phẩm lần đầu tiên nghiên cứu của Việt Nam, thậm chí như máy 500kV là sản phẩm đầu tiên của Đông Nam Á. Tất cả những sản phẩm đó có trị giá kinh tế lớn, đến hàng tỷ đồng (máy biến áp 110kV), hàng chục tỷ đồng (máy biến áp 220kV), lớn đến hàng trăm tỷ (máy 500kV). Đi kèm với giá trị công trình là trách nhiệm đè nặng lên những người làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, sau mỗi nghiên cứu, mặc dù biết sản phẩm đã qua được các hạng mục thử nghiệm nghiêm ngặt, nhưng bản thân chúng tôi luôn lo lắng khôn nguôi: không biết máy đóng điện, vận hành có tốt lành như thiết kế không? Như một bà mẹ mang nặng đứa con trong bụng, chỉ mong sinh ra được “vuông tròn” chứ lúc đó có ai nghĩ đến sau này nó báo đáp đâu? Cứ đóng điện xung kích thành công, vận hành tốt đã là niềm vui vô giá đối với chúng tôi rồi…
Xin trân trọng cảm ơn bà
Theo: (Tia Sáng/Bộ Khoa học và Công Nghệ)