“Nếu chú trọng đào tạo tiếng Anh và kỹ năng phục vụ, lĩnh vực nhà hàng – khách sạn ở Việt Nam sẽ hội nhập tốt hơn với thế giới”.
“Nếu chú trọng đào tạo tiếng Anh và kỹ năng phục vụ, lĩnh vực nhà hàng – khách sạn ở Việt Nam sẽ hội nhập tốt hơn với thế giới”, là nhận định của Tiến sĩ Neal Bermas – Giáo sư tại Đại học New York (trường được xếp thứ tự số 32 trong bảng National Universities) và Viện Giáo dục về Ẩm thực New York (New York Institute of Culinary Education).
Ông đồng thời là sáng lập viên của Streets International – Tổ chức chuyên hỗ trợ đào tạo ngành nhà hàng – khách sạn cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn khu vực Đông Nam Á. Tiến sĩ Neal Bermas đã chia sẻ xu hướng phát triển của lĩnh vực nhà hàng – khách sạn:
* Ông nhận xét thế nào về ngành nhà hàng – khách sạn tại Việt Nam?
– Lĩnh vực này có những bước tiến bộ rõ rệt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Tôi mong Việt Nam sẽ có chủ trương, định hướng chung để cơ sở hạ tầng, giáo dục và điều kiện pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển đầy tiềm năng của ngành này.
Dù cơ sở hạ tầng và các tiêu chuẩn chưa được nâng cao, nhưng đây lại là cơ hội tuyệt vời cho các nhà quản trị, những người có thể thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cũng như phát triển ở thị trường Việt Nam.
Với các bạn sinh viên, những người sẵn sàng theo đuổi và có thể theo học chương trình đào tạo chất lượng cao về ngôn ngữ và kỹ năng ngành nhà hàng – khách sạn, sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt.
* Đánh giá của ông về chất lượng nguồn nhân lực ngành này tại Việt Nam?
– Lực lượng lao động tại Việt Nam trẻ, tràn đầy năng lượng và rất có tiềm năng. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục cần phải có đầu tư toàn diện hơn để đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Một khi nhân lực có đầy đủ các kỹ năng cần thiết, sẵn sàng làm việc trong thị trường quốc tế sẽ có nhiều lợi thế hơn trong phát triển sự nghiệp.
Hiện ở Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo ngành này nhưng hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc đào tạo tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp chưa được chú trọng đúng mức. Những yêu cầu này đang được một số trung tâm cải thiện để đáp ứng nhu cầu quốc tế hóa bằng việc đầu tư đội ngũ giảng viên và hợp tác với các trường ở nước ngoài.
* Chất lượng đào tạo trong nước còn hạn chế, trong khi chi phí du học ở nước ngoài lại quá sức với nhiều người. Vậy làm cách nào để dung hòa 2 yếu tố này?
– Bạn có thể chọn một ngôi trường tốt với chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện trên thế giới có rất nhiều trường đào tạo tốt ngành này, nhưng không phải ai cũng có thể trang trải khoản chi phí lớn cho việc du học. Do vậy, theo tôi, các bạn có thể lựa chọn theo học ở trường có chương trình học liên kết với trường đạt chuẩn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, trước khi lựa chọn, bạn phải xác định rõ đam mê của mình. Ngành nào cũng vậy, luôn có những thú vị và khó khăn nhất định, nhất là đối với những ngành mang tính phục vụ cao, bạn cần phải có tình yêu thật sự mới theo đuổi được. Lúc đó, khi làm việc, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyệt với nụ cười và trải nghiệm hài lòng của khách hàng.
* Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình sau nhiều năm giảng dạy?
– Chúng tôi gọi học viên của mình là những thực tập sinh và cửa hàng là nơi để họ học nghề. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã trở lại làm việc tại chính cửa hàng đó. Sau thời gian gắn bó, họ có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Đó là thành quả đáng tự hào nhất với tôi – những người làm công tác giảng dạy cho các thế hệ trẻ.
Tôi đã từng nhiều lần tham gia các khóa hỗ trợ đào tạo cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, kéo dài 18 tháng. Đây là dịp đáng nhớ. Tôi luôn cảm thấy xúc động mỗi khi nghe học viên của mình kể về câu chuyện của họ. Sắp tới, chúng tôi sẽ có khóa đào tạo thứ 8 tại Việt Nam.
Từ khi đến thăm những trung tâm nuôi trẻ mồ côi – nơi các thực tập sinh của chúng tôi sống, tôi hiểu hơn về những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống. Sau 18 tháng tham gia khóa học, tôi không khỏi vui mừng khi thấy các em đứng trên sân khấu, nhận chứng chỉ ngành nhà hàng – khách sạn, nói được tiếng Anh, tự tin và mỉm cười, sớm bắt đầu sự nghiệp tại các khách sạn và resort quốc tế để bắt đầu cuộc sống độc lập, tự nuôi sống bản thân.
Theo: (Giaoduc/VNN)