Thương mại điện tử

(hieuhoc_hieuhoc) Thương mại điện tử đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, mở ra cho doanh nghiệp phương thức kinh doanh mới. Mục tiêu đến năm 2015, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

Là một người làm Marketing trong thời đại ngày nay, chắc không ai có thể thờ ơ với những biến đổi mạnh mẽ của môi trường Internet.

Với chiếc máy tính hoặc điện thoại có kết nối Internet, người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm mong muốn. Trong khi đó, thống kê của Google Ad planner, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã lên 31 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2009. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Và để đáp ứng thị trường này, ngành Thương mại điện tử rất cần những người có kiến thức và những trải nghiệm hữu ích cho việc khai thác Internet hiệu quả phục vụ cho thương mại.

Hy vọng sẽ sớm xuất hiện một thế hệ sinh viên tân tiến – những bạn trẻ lớn lên cùng công nghệ và thế giới thương mại. Các bạn chính là những người sẽ cung cấp ý tưởng, giải pháp thương mại cho các ngành kinh doanh mới.

Điều tuyệt vời của Thương Mại điện tử là doanh nhân không cần có kinh nghiệm lâu năm mà chỉ phải nắm một vài nguyên tắc cơ bản. Thương mại điện tử còn là con đường hai chiều, doanh nghiệp không quảng cáo sản phẩm đơn phương mà đối thoại và liên kết đa phương.

Ngày 12 tháng 07 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/2010/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Phát triển Thương mại Điện tử giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, đến năm 2015, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ nay đến 2015, thương mại điện tử phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể sau:

* Thứ nhất, tất cả các doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó 100% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng (gọi tắt là website thương mại điện tử) để mua bán các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 5% doanh nghiệp tham gia các mạng kinh doanh điện tử theo mô hình trao đổi chứng từ điện tử dựa trên chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử; 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến đối với những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trên thị trường thế giới; hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong nước và khu vực.

* Thứ hai, tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 45% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

* Thứ ba, bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng, trong đó 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

* Thứ tư, phấn đấu phần lớn các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh được cung cấp trực tuyến, trong đó: Cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên 80% dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu trước năm 2013, 40% đạt mức độ 4 vào năm 2015; Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên thủ tục hải quan điện tử trước năm 2013; Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên các dịch vụ liên quan đến thuế, bao gồm khai nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trước năm 2013; cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư nước ngoài trước năm 2013, bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 50% các dịch vụ công liên quan tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh trước năm 2014, đến hết năm 2015 có 20% đạt mức độ 4.

Trích: Quyết định số 1073/2010/QĐ -TTg ngày 12/07/2010

oOo

Một nghề mới hấp dẫn: Dịch vụ mặc cả trực tuyến

Ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới xuất hiện dịch vụ mặc cả trực tuyến cho phép người tiêu dùng mua hàng giá rẻ hơn nhiều lần so với con số niêm yết trên các website.

Một cá nhân hay tổ chức trung gian làm dịch vụ mặc cả sẽ đứng ra thương lượng với trang web bán hàng và đưa ra mức giá rẻ hơn. Khi công việc hoàn thành, người dùng chỉ phải trả cho họ một ít tiền phí. Ngoài ra, họ có thể giới thiệu cho khách hàng một địa chỉ tin cậy khác có giá rẻ hơn (bởi khách hàng không đủ kinh nghiệm và thời gian tìm kiếm)

“Tôi nghĩ 30 USD cho một đôi giày có giá 40 USD ở trên mạng là hợp lý. Tuy nhiên, dịch vụ này cho phép tôi có thể mua sản phẩm với giá chỉ 26 USD trong vòng nửa tiếng”, một khách hàng cho biết.

Để hoàn thành giao dịch, họ phải trả thêm 2,0 USD phí mặc cả và tổng số tiền để mua đôi giày (giá niêm yết 40 USD) chỉ là 28 USD.

Theo thống kê, tổng giá trị giao dịch mua bán trực tuyến ở Trung Quốc đã tăng lên con số hơn 85 tỷ USD trong năm 2009 và sẽ tăng gấp đôi trong vòng nhiều năm nữa. Cũng tại quốc gia này, nghề mặc cả trực tuyến đang trở nên sôi động và nhiều người có thể kiếm cả ngàn USD mỗi tháng.

Thương Tín tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Bán hàng trực tuyến - Mảnh đất sơ khai nhưng rất màu mỡ

(hieuhoc_hieuhoc.com): Nếu marketing trực tuyến đem đến những hợp đồng "béo bở" không kém gì marketing truyền thống thì nghề bán hàng trực tuyến (e-sales) cũng mang đến thu nhập trực tiếp nhiều tương đương nghề bán hàng (sales) truyền thống và tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp non trẻ.

Công nghệ thông tin: Những yêu cầu và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Công nghệ thông tin hiện là một ngành còn có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng rất nhiều yêu cầu thử thách. Thật sự công nghệ thông tin là một ngành đòi hỏi chất xám và sự kiên trì, phải có tư duy tốt, tư duy suy luận và giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo chứ không chỉ thuần túy là giỏi toán nếu muốn vươn cao trở thành chuyên viên lành nghề trong ngành công nghệ thông tin.  

Cùng chuyên mục