Thương hiệu du lịch Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa dạng, vì thế hãy làm cho thế giới thấy được điều đó. Hãy làm cho thế giới thấy các bạn có một thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa phong phú, hãy làm cho du khách hiểu được đặc trưng “tiềm ẩn” bản địa, tạo nên sự đa dạng của du lịch Việt Nam, nhất là về văn hóa và thiên nhiên.

“Từ trước đến nay du lịch Việt Nam vẫn khai thác những gì sẵn có, thiếu tính chuyên nghiệp, tính cạnh tranh, thiếu bản sắc địa phương và đặc biệt là chưa động não để tạo ra những giá trị gia tăng mới theo chiều sâu”, TS. Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch cho hay.

Nhận xét này đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu điểm đến” do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.

Du khách vẫn chưa hài lòng sau khi đến

Trong phần trình bày của ông John Hummel – trưởng nhóm chuyên gia du lịch khu vực Châu Á, tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của thương hiệu du lịch Việt Nam.

Ông cho rằng 60% khách du lịch quốc tế được hỏi cho biết Việt Nam là điểm du lịch nên đến và tham quan.

Tuy nhiên, những rào cản cho phát triển du lịch Việt Nam đã được ông bày tỏ: “Làm sao cho đường xá, xe cộ đi lại dễ dàng hơn, điều phối giao thông tốt hơn; môi trường sạch hơn; ít người bán hàng rong hơn…”

Ông cũng chỉ ra những điểm mà du khách vẫn chưa hài lòng khi đến Việt Nam: Giá cả du lịch chưa phù hợp nên ảnh hưởng đến số ngày lưu trú của du khách; ô nhiễm rác, tiếng ồn; nhà chưa xây dựng chưa phù hợp với không gian; phục vụ chưa chuyên nghiệp…

“Việt Nam cần quảng bá thêm thông tin về du lịch cho thị trường nước ngoài”, ông John Hummel bày tỏ và đặt câu hỏi “khách nước ngoài sẽ biết thông tin về du lịch Việt Nam ở đâu nhiều nhất”? Câu trả lời của ông là: mạng internet.

Khách quốc tế biết nhiều đến Việt Nam qua Internet (ảnh Ngọc Hà)

“Việt Nam nên xây dựng những công cụ tìm kiếm trên mạng và tận dụng tốt lợi thế truyền miệng thông qua những du khách đã trải nghiệm”.

Xây dựng thương hiệu điểm đến có chất lượng.

Theo ông John Hummel thì Việt Nam nên nghiên cứu tốt hơn thị trường để phát hiện ra đặc thù của mỗi tỉnh. “Nghiên cứu ở Sapa thì du khách sẽ quan tâm đến thiên nhiên và văn hóa người dân tộc, muốn được thư giản thoải mái, vì vậy đây là điểm lợi thế mà vùng Tây Bắc nên tận dụng”, ông ví dụ.

“Tây Bắc nhiều con đường đẹp chưa có khách du lịch, vì vậy nên tận dụng, vì tôi tin sẽ có những con đường mang đến cho du khách cảm giác như đi trên mây”.

Bà Xu Fan – Nguyên phó Vụ trưởng Du lịch Trung Quốc, thì khuyên Việt Nam cần khai thác du lịch có chiều sâu, chất lượng cao. Nên khai thác du lịch điền viên, thôn giã vì Việt Nam có lợi thế là nước phát triển nông nghiệp.

Đối với bài toán logo và slogan cho phát triển du lịch, ông John Hummel cho rằng: Mỗi tỉnh nên xây dựng hình ảnh thương hiệu, với những chi tiết riêng trên thương hiệu, hãy điều tra thị trường rồi thể hiện trên cái logo và thảo luậnxem thương hiệu quốc gia có mâu thuẫn với tỉnh và khu vực không.

Các đại biểu đặt câu hỏi: Xây dựng cho mỗi tỉnh mỗi cái logo thì có nên quá nhiều logo thế không, nếu chưa nói logo các doanh nghiệp, vậy khi quảng bá ra nước ngoài thì phải làm như thế nào?

Ông John Hummel cho rằng: Khi quảng bá ra thế giới, Việt Nam có 7 vùng nên chúng ta nên có 7 cái logo cho 7 vùng. Chúng ta không quảng bá tất cả logo mà hãy dùng một logo điển hình nào đó. Mỗi khu vực có một đặc trưng riêng và hãy tận dụng nó để phát triển một cái logo chung và hãy để nó dưới logo của logo du lịch quốc gia.

Đèn lồng bên sông Hàn ở phố cổ Hội An (ảnh N.Hà).

Việt Nam là một quốc gia đa dạng, vì thế hãy làm cho thế giới thấy được điều đó. Hãy làm cho thế giới thấy các bạn có một thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa phong phú, hãy làm cho du khách hiểu được đặc trưng “tiềm ẩn” bản địa, tạo nên sự đa dạng của du lịch Việt Nam, nhất là về văn hóa và thiên nhiên.

Du lịch Việt Nam lấy cái gì làm đại diện du lịch? Việt Nam chưa có một logo đại diện tiêu biểu nhất, vịnh Hạ Long hay cái gì đây? Làm sao để có những câu slogan hay và ấn tượng như “Malaysia – đích thực châu Á”, hay “Ấn Độ những điều khó hình dung” – nhiều đại biểu tham gia đặt vấn đề.

Tầm nhìn nào cho 10 năm tới?

Bà Xu Fan cho biết tâm lý du lịch trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch như: du khách cần những hoạt động du lịch có sự trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, gói du lịch đa dạng, có nhiều lựa chọn, coi trọng sự an toàn và nhất là thích đặt dịch vụ trực tuyến qua mạng internet…

Trong bài trình bày của TS Hà Văn Siêu, ông đã khái quát bức tranh du lịch Việt Nam trong 5 năm qua và một số chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tổng cục Du lịch đang chờ Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2011-2020″ theo quan điểm phát triển bền vững theo hướng có chất lượng, có thương hiệu, chuyên nghiệp, hiện đại; khai thác có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm mọi nguồn lực và lợi thế quốc gia; phát huy tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa với vai trò động lực của các doanh nghiệp”.

Theo chiến lược này, mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 48 triệu lượt khách nội địa; thu nhập từ du lịch sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD, chiếm 6,5 đến 7% GDP; tạo ra hơn 3 triệu việc làm.

Đặc biệt, phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo: (Trần Đông/VEF)

Bài liên quan

Quảng cáo, tiếp thị du lịch & khách sạn trực tuyến

(hieuhoc_hieuhoc.com) Việt Nam đang tiếp tục là một trong các thị trường du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và thị trường này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, việc quảng cáo, tiếp thị du lịch trên Internet hiện nay còn hạn chế, chưa phát triển được tiềm năng của loại hình dịch vụ trực tuyến này.   

Quản trị Du Lịch và Khách Sạn

(Hiếu học) Quản trị Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng làm việc ở cương vị quản lý trong các lĩnh vực dịch vụ như giám đốc nhà hàng, khách sạn, giám đốc quan hệ khách hàng, giám đốc sales & marketing ngành dịch vụ, giám đốc sự kiện ngành dịch vụ…

Ngành khoa học dịch vụ

Khoa học dịch vụ là một ngành khoa học tổng hợp, ưu tiên phát triển nó sẽ đóng góp doanh thu không nhỏ cho các ngành khoa học. Năm 2011, thành phố sẽ tham gia hiệp hội Khoa học dịch vụ thế giới.

Cùng chuyên mục