Ấn Độ có dân số khoảng 1,2 tỉ người nhưng chỉ một số ít người có khả năng đến những bệnh viện chất lượng hàng đầu. Bác sĩ Devi Shetty đã đưa ra mô hình bệnh viện mới để cắt giảm giá chi phí phẫu thuật cho những bệnh nhân nghèo.
Ông Shetty – một bác sĩ phẫu thuật tim hàng đầu Ấn Độ – mở Bệnh viện tim Narayana Hrudayalaya với 1.000 giường bệnh ở Bangalore, “thành phố sức khỏe” ở Ấn Độ, nơi tập trung nhiều bệnh viện cao cấp và chỉ những người giàu có mới có thể chi trả viện phí.
Một trong các bệnh nhân của bác sĩ Shetty lại là bé Shyla 2 tuổi, con gái của một nông dân nghèo. Người cha đã phải lặn lội đi xe buýt hơn 500km để đưa con đến bệnh viện này. Ông thật thà kể: “Tôi kiếm được 40 USD/tháng. Tôi còn không nuôi nổi tôi thì lấy đâu tiền để phẫu thuật cho con”. Thế nhưng, bé Shyla đã được phẫu thuật miễn phí tại bệnh viện của bác sĩ Shetty và hiện đã hồi phục.
Được hỏi lấy tiền đâu để thực hiện các ca phẫu thuật cho người nghèo, bác sĩ Shetty cho biết giải pháp cứu bệnh nhân nghèo là 40% bệnh nhân có bảo hiểm, có khả năng thanh toán viện phí (mức cao) và số đông bệnh nhân đến đây (theo kiểu “góp gió thành bão”). Bác sĩ Shetty cho biết nguồn thu này đã giúp giảm chi phí phẫu thuật xuống mức 2.000 USD mỗi ca phẫu thuật tim. Trong khi đó, chi phí cho những ca phẫu thuật phức tạp ở Mỹ lên đến 100.000 USD.
Bác sĩ Shetty giải thích: “Bệnh viện chúng tôi áp dụng một mô hình cán cân kinh tế mới. Thông thường tất cả những bệnh viện trên thế giới chỉ thực hiện 2-3 ca phẫu thuật tim mỗi ngày. Trong khi đó chúng tôi tiến hành 35 ca/ngày. Càng có nhiều ca phẫu thuật tim được thực hiện chi phí phẫu thuật càng giảm xuống”.
Mục tiêu của bác sĩ Shetty là giảm chi phí phẫu thuật tim xuống mức 800 USD/ca. “Điều này nằm trong tầm tay trong thời gian ngắn sắp tới – vị bác sĩ đầy lòng trắc ẩn này hào hứng – Đã 100 năm trôi qua kể từ ca phẫu thuật tim đầu tiên được tiến hành thành công. Tuy nhiên chỉ dưới 8% dân số thế giới có khả năng trả chi phí cho những cuộc phẫu thuật. Điều này thật vô lý. Chúng ta cần phải làm một điều gì đó để thay đổi thực tế và đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người”.
“Tại sao 750 triệu người Ấn Độ mua được điện thoại di động mà lại không có khả năng chi trả viện phí? Mỗi người Ấn Độ, châu Á và châu Phi đều có thể chi trả viện phí nếu tất cả bệnh viện có thể áp dụng mô hình này” – bác sĩ Shetty tự tin nhận định.
Tuy vậy, trong một hội nghị chính sách y tế cộng đồng, bác sĩ Shetty cũng kêu gọi Chính phủ Ấn Độ nên thiết lập hệ thống bảo hiểm y tế do chính phủ quản lý thay vì chỉ có vai trò cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Mô hình bệnh viện của bác sĩ Shetty là một ý tưởng hay nhưng chưa cân nhắc đến quy mô của đất nước và dân số Ấn Độ là quá lớn. Tuy nhiên, mô hình này cũng đáng khích lệ vì phần nào giúp các bệnh nhân nghèo có thể tiến hành những ca phẫu thuật tim với chi phí thấp” – theo ông Gulrez Shah Azhar, giảng viên Học viện Sức khỏe cộng đồng Ấn Độ ở Gandhinagar.
Ông Gulrez cho biết những “thành phố sức khỏe” chỉ dành cho những người giàu có và những khách du lịch nước ngoài chữa bệnh. “Thậm chí tôi còn không dám mơ đến chữa bệnh ở những thành phố sức khỏe này vì tôi không đủ tiền”.
Theo thống kê, 80% dịch vụ y tế ở Ấn Độ là các bệnh viện tư nhân, nhưng chỉ dưới 1% dân số Ấn Độ có khả năng trả viện phí ở những bệnh viện tư. Và vẫn còn 2 triệu người Ấn Độ cần phẫu thuật tim nhưng không có khả năng chi trả viện phí.
“Đối với người nghèo thì chi phí một ngày trong bệnh viện có thể tương đương một tháng lương của họ” – ông Gulrez nói.
Theo tờ Times of India, chi tiêu cho y tế của Chính phủ Ấn Độ ít hơn 1% GDP. Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố mục tiêu là tăng chi tiêu cho y tế đến 3%, nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Bác sĩ SHETTY phát biểu tại một hội nghị chính phủ về cải cách y tế ở New Delhi:
“Hiện tại, Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng ca phẫu thuật tim. Nhưng trong sáu năm nữa, Ấn Độ sẽ vượt gấp đôi những gì Mỹ có thể làm. Trong 10 năm nữa, hàng triệu người Ấn Độ ở các khu ổ chuột có thể không có nước sạch để uống nhưng có thể được chăm sóc y tế với những thiết bị công nghệ cao và chi phí thấp. Mỗi năm chúng ta đào tạo ra 32.000 bác sĩ, gấp đôi nước Anh là 15.000 bác sĩ/năm. Ấn Độ có nhiều trường đại học y khoa hơn cả nước Mỹ. Tôi tin là Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng”.
Theo: (Times of India, India Express, CNN)/(TTO)