Ngày 20-2, Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã họp bàn, gút lại phương hướng cho mùa tuyển sinh 2013.
So với năm 2012, mùa tuyển sinh 2013 có nhiều thay đổi về kỹ thuật, trong đó có cả những thay đổi gần như giống với quy định đã áp dụng trước năm 2012…
Nộp bản gốc kết quả thi để xét tuyển
Năm 2012, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra quy định thí sinh không đỗ vào trường đăng ký dự thi sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi và dùng vào việc xét tuyển không giới hạn nguyện vọng theo cách nộp bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả tùy theo yêu cầu của trường xét tuyển. Tuy nhiên năm nay bộ quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi.
Theo đó, các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0) để thí sinh đăng ký xét tuyển. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tuy các trường chỉ nhận bản gốc nhưng thí sinh có thể rút hồ sơ nộp sang trường khác xét tuyển nếu muốn thay đổi nguyện vọng.
Tuy nhiên, riêng với việc xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, ngoài phiếu báo điểm có đóng dấu đỏ, học sinh hoàn toàn có thể sử dụng bản sao hợp lệ giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký.
Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường phải đặt ra thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày. Thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20-8 và kết thúc ngày 30-10. Đặc biệt, đối với thí sinh dự thi liên thông ĐH, CĐ chính quy sẽ thi chung với ĐH, CĐ chính quy và nếu không trúng tuyển cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.
Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ 11-3
Bộ GD-ĐT quy định thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí đăng ký dự thi quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: theo hệ thống của sở GD-ĐT từ ngày 11-3 đến 11-4 và từ 12-4 đến 19-4 tại các trường tổ chức thi.
Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước
Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự do xác định điểm chuẩn, có thể điểm chuẩn đợt xét tuyển sau còn thấp hơn đợt trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay do không đặt ngưỡng cho việc xác định điểm chuẩn nên có hiện tượng trường tốp trên hạ điểm chuẩn mãi để tuyển đủ chỉ tiêu khiến nhiều SV đã trúng tuyển vào trường khác lại rút hồ sơ đăng ký xét tuyển, gây mất ổn định và khó khăn cho trường tốp dưới. “Trước năm 2012, bộ quy định điểm chuẩn đợt sau phải cao hơn đợt trước, còn năm 2013 các trường sẽ phải dự tính điểm chuẩn phù hợp, sao cho điểm chuẩn đợt sau ít nhất phải bằng điểm chuẩn của đợt trước đó” – ông Ga giải thích.
Theo PGS.TS Đặng Kim Vui – giám đốc ĐH Thái Nguyên, nếu các trường được phép hạ điểm chuẩn đợt sau thấp hơn đợt trước sẽ gây bất công cho thí sinh. “Có những thí sinh đăng ký xét tuyển đợt trước thừa điểm xét tuyển cho đợt sau nhưng đã bị gạt ngay từ đầu là vô lý. Các em lại phải chọn nguyện vọng khác, mặc dù đáng lý hoàn toàn đủ khả năng để trúng tuyển vào trường là không được” – PGS Vui nói.
Chấm thanh tra tối thiểu 5% bài thi tự luận
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, do năm 2012 bộ phát hiện một số trường còn sai sót, thiếu nghiêm túc trong chấm bài thi tự luận, có nơi không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài, nên bộ quyết định yêu cầu các trường thành lập ban chấm thanh tra tại trường để chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn thi tự luận. “Có ý kiến cho rằng việc chấm thanh tra nếu áp dụng sau khi việc chấm thi bình thường đã xong sẽ khiến việc công bố điểm thi có thể chậm trễ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định việc bổ sung ban chấm thanh tra sẽ không làm thay đổi tiến độ công bố kết quả thi” – ông Ga nói. Theo kế hoạch, trước ngày 31-7, các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh hoàn thành chấm thi, công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thời hạn này đối với các trường CĐ là trước ngày 5-8.
Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ tự quyết định việc chấm thanh tra cùng lúc với chấm thi hay nếu bài thi ít có thể chấm thi bình thường xong sẽ tổ chức chấm thanh tra. Căn cứ kết quả chấm thanh tra, tư vấn của ban chấm thanh tra, hội đồng tuyển sinh sẽ chỉ đạo công tác chấm thi kịp thời, đảm bảo việc chấm thi đúng đáp án, thang điểm của bộ và sự chính xác của kết quả thi.
Ngoài ra, sau khi có kết quả thi, hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chấm thẩm định, nếu phát hiện sai sót sẽ xử lý nghiêm.
Bổ sung ưu tiên xét tuyển cho học sinh 23 huyện nghèo
Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã thực hiện quy định ưu tiên xét tuyển cho học sinh 62 huyện nghèo theo quy định nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngày 5-2-2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung 23 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao được áp dụng các cơ chế, chính sách như 62 huyện nghèo đã xác định trước đó.
Do đó, từ năm 2013, ngoài 62 huyện nghèo sẽ có thêm học sinh 23 huyện nghèo được hưởng chính sách xét tuyển ưu tiên vào các trường ĐH.
Bộ GD-ĐT cũng thực hiện chính sách ưu tiên xét tuyển cho học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại ba khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm.
Theo TTO