Con cái thường hay nghĩ “Người già thường lo chuyện không đâu” rồi đâm khó chịu vì sự kỹ tính của cha mẹ già.
Đừng tưởng bở!
Bà Nguyễn Thị Thu năm nay 60 tuổi, ở chung nhà với con cháu tại quận 6. Tính bà hay quên, mỗi khi cần lấy vật gì bà đều phải tới lui, ra vô ba, bốn bận mới lấy được. Chuyện uống thuốc, có khi uống rồi bà lại tưởng chưa uống, con cháu phải thường xuyên “kèm cặp”. Mặc dù đã có tiền lãi hàng tháng của ngân hàng để tiêu xài nhưng bà vẫn yêu cầu các con mỗi tháng phải đưa bà “tiền trách nhiệm với gia đình”. Hai người con đầu mang tiền biếu mẹ đúng hẹn vào đầu mỗi tháng, riêng người con út thì “trả góp” trong tháng. Cuối tháng bà báo với con trai út: “Tháng này con đưa thiếu hai trăm ngàn”. Anh con trai cãi: “Con đưa đủ mà, má quên rồi!” Thế là, bà “chưng” ra cuốn sổ nhỏ: “Trong đây má có ghi đầy đủ con đưa tiền vào ngày nào đây nè”. Anh con trai thán phục: “Công nhận bà già lợi hại thiệt!”
Bà Huỳnh Thị Liên năm nay 75 tuổi, ở quận 11 còn “lợi hại” hơn. Bà ở chung nhà với vợ chồng con trai và mấy đứa cháu nội. Ban ngày, cả nhà đi vắng hết chỉ còn mỗi bà ở nhà. Hôm nọ, có hai thanh niên ăn mặc lịch sự đến nhà bà gọi cửa. Bà Liên ra mở cửa lớn, hỏi vọng ra sau cánh cửa rào: “Mấy chú tìm ai?” Họ chỉ vào bao hàng đang để trong góc nhà bảo: “Chị Ngọc, con dâu bác bảo tụi con ghé nhà lấy bao hàng gấp. Bác mở cửa cho tụi con vào nhà lấy hàng. Chị Ngọc đang đợi”. Bà Liên sốt sắng: “À, vậy hả? Để bác vô nhà tìm chìa khoá”. Bà vào nhà gọi điện cho con dâu rồi sau đó gọi… công an. Bà tủm tỉm: “Tưởng bà già này dễ gạt hả? Đừng tưởng bở nghe con!”
Khó tính hay cẩn thận?
Dường như chuyện kỹ tính thường xảy ra ở các cụ bà nhiều hơn. Chị Yến Như, giáo viên cấp 2 ở quận 12 kể, mẹ chị bình thường rất dễ tính nhưng lại khó khăn những chuyện gì đâu. Mặc dù đã 30 tuổi nhưng mỗi lần vào bếp chị lại bị mẹ “giám sát”. Nào là, phải móc sạch ruột cá, cạo vảy xong phải cạo dọc cho ra hết nhớt, không để lửa lớn… Học trò đến nhà học là bà lên lầu hỏi đứa nào đi xe màu gì rồi bà ngồi giữ xe miết mặc dù nhà đã khoá cổng.
Bà Hà Lệ Châu 70 tuổi có “tật” khám xét người giúp việc mỗi khi ra về. Con cái can ngăn thì bà nói: “Tụi bây không biết đề phòng gì hết. Thời buổi này không thể tin ai”. Cũng vì chuyện này mà gia đình bà phải nhiều phen vất vả tìm người giúp việc mới.
Còn như bà Lê Thị Phụng, 59 tuổi thì bắt con gái chỉ mặc áo có cổ. Cô gái cảm thấy vô lý bèn phản ứng: “Bây giờ là thời đại áo không dây rồi. Vậy mà má còn bắt mặc áo có cổ. Trời nóng như vầy nè, làm sao chịu nổi!” Bà trả lời: “Lúc trước bà ngoại tụi con còn không cho má uốn tóc nữa là. Vậy là tân tiến lắm rồi. ăn mặc hở hang chỉ tổ cho đen chứ ích gì”.
May mắn vì còn nghe tiếng mẹ
Chị Ngọc, con dâu bà Liên chia sẻ: “Nhiều lúc tôi nghĩ má lớn tuổi rồi lại có tính hay quên nên không giúp ích được gì. Lần này nhờ bà đề cao cảnh giác. Cũng may bà không bị nhóm người đó tổn hại. Rút kinh nghiệm sau vụ này, tôi không dám để bà ở nhà một mình nữa”.
Chuyện kỹ tính của người già còn thể hiện nỗi lo toan không ngừng của cha mẹ già dành cho con cái. Người già có những hy sinh thầm lặng, suy nghĩ sâu xa mà nhiều khi con cháu không thể hiểu được. Chẳng hạn như câu chuyện giữa hai người phụ nữ sau đây. Hai bà đều ngoài 60 tuổi, có gương mặt hao hao nhau, chắc họ là chị em. Hình như người chị đang mắc một chứng bệnh gì đó, bà nói: “Thôi già rồi, có giúp ích gì cho con cháu nữa đâu. Ai rồi cũng phải chết, đi chữa trị làm gì cho phiền con cháu”. Người em khuyên: “Chị nói vậy sao được. Mình sống là để cho con cháu vui. Mình làm chỗ dựa tinh thần cho tụi nó. Chị phải cố lên”.
Chị Như tâm sự: “Có mỗi một chuyện mà cứ bị mẹ nhắc nhở hoài. Dù sao tôi cũng là cô giáo có hàng trăm học sinh, vậy mà bị mẹ la như con nít. Bực mình lắm! Bà lại cứ lên xuống lầu “điểm danh” xe của học trò, tôi sợ bà mệt nhưng cản không được. Nhưng nghĩ lại thấy mình cũng còn may mắn vì còn được nghe tiếng mẹ mỗi ngày”.
Theo: (MINH CÚC – MINH HOẠ HỒNG NGUYÊN/SGTT)