Mọi điều bạn làm hàng ngày đều quan trọng. Thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn thành công hay không thành công trong cuộc đời.
Nhận định trên được Thomas C. Corley, người đã dành ra 5 năm nghiên cứu thói quen hàng ngày của 177 triệu phú tự thân, đưa ra. Ông cũng là tác giả cuốn sách bán chạy “Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals” (Tạm dịch: Thói quen Giàu có: Những thói quen hằng ngày làm nên thành công của người giàu).
Thói quen có thể cản trở bạn trở nên giàu có hoặc có thể “biến” bạn từ một người bình thường thành người có tài trị giá 7 con số. Dưới đây là những thói quen “5 phút” của các triệu phú tự thân mà bạn có thể bắt đầu học hỏi và tạo dựng ngay hôm nay.
Viết ra những mục đích cụ thể về tiền bạc
Nếu bạn muốn tích lũy sự giàu có, bạn cần hành động. Hãy bắt đầu bằng việc viết ra những mục tiêu cụ thể về thu nhập hàng năm và giá trị ròng, triệu phú tự thân T. Harv Eker viết trong cuốn “Bí mật Tuy duy Triệu phú” (Secrets of the Millionaire Mind).
“Ý định của bạn cần phải là tạo ra sự giàu có chứ không phải sự thông thường”, Eker giải thích, do vậy, tuy bạn phải thực tế khi đề ra khung thời gian để đạt mục tiêu, song đừng sợ phải nghĩ lớn và thử thách bản thân.
“Lý do số 1 khiến mọi người không có được cái họ muốn là họ không biết họ muốn gì. Người giàu biết rõ rằng họ mong muốn sự giàu có”, Eker viết.
Gửi thiệp cảm ơn
“Nói cảm ơn là sự phản ánh tính cách của bạn. Đừng thể hiện điều đó qua Facebook, Tweet hay Instagram. Hãy gửi bức thiệp cảm ơn”, Corley viết.
Người giàu viết thiệp cảm ơn vào thời điểm nào và bạn? Khi một ai đó nhớ ngày sinh nhật của bạn, giới thiệu cho bạn một khách hàng, giới thiệu bạn với một mối liên lạc quan trọng hay giúp bạn hoặc gia đình bạn một việc gì đó.
Tìm kiếm ý kiến phản hồi
“Lo sợ bị chỉ trích, phê bình là lý do chúng ta không tìm kiếm phản hồi từ những người khác. Nhưng ý kiến phản hồi đóng vai trò quan trọng để biết rõ những gì đang hoạt động hiệu quả và những gì không. Ý kiến phản hồi giúp bạn hiểu rõ liệu bạn có đi đúng đường và đúng hướng hay không. Tìm kiếm sự phê bình, dù tốt hay xấu, là yếu tố quan trọng để học hỏi và phát triển”, Corley viết.
Bên cạnh đó, ý kiến phản hồi cho phép bạn thay đổi lộ trình và trải nghiệm với nghề nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh mới. “Những triệu phú tự thân thành công nhất thử nghiệm nhiều dự án và công việc kinh doanh mới trước khi họ “đặt cả 2 chân vào”. Ý kiến phản hồi cung cấp cho bạn thông tin cần thiết để thành công trong bất kỳ công việc nào”, Corley giải thích.
Lập danh sách “việc cần làm và không cần làm”
Người giàu thường lên danh sách “việc cần làm và không cần làm” – danh sách hàng ngày những gì bạn không bao giờ nên làm vì chúng tốn thời gian hoặc thói quen xấu.
Danh sách “việc cần làm và không cần làm” có thể bao gồm những việc như “Hôm nay, không xem TV nhiều hơn một giờ”, “Không thực hiện bất kỳ việc mua bán cảm tính nào trong ngày hôm nay” hay “Hôm nay không tán chuyện tầm phào”.
Corley giải thích “Chỉ riêng danh sách việc cần làm không giúp bạn thành công. Mặc dù đây là những việc quan trọng phải hoàn thành, song quan trọng không kém là phải tránh làm những việc vô bổ hoặc xóa sách lợi ích của danh sách những việc phải làm.
Thực hiện các cuộc gọi 5 phút
5 phút dành cho cuộc gọi điện thoại có thể là một thời gian dài.
Theo nghiên cứu của Corley, 80% người giàu thực hiện cuộc gọi chúc mừng sinh nhật, gọi điện chào hỏi và các sự kiện khác trong cuộc sống so với tương ứng 11%, 26% và 3% của người nghèo.
Corley nhấn mạnh những chi tiết nhỏ lại đóng vai trò quan trọng. Chúng cho phép bạn tạo dựng mối quan hệ với những người thành công khác – thói quan nền tảng của người giàu. “Hãy thu thập nhiều nhất thông tin có thể về các mối quan hệ của bạn. Bạn càng biết nhiều về những người bạn kết giao cùng, bạn càng có nhiều hơn ‘vũ khí’ để giúp bạn giao tiếp thành công hơn”, Corley viết.
Thay vì nói ‘hoặc’ hãy bắt đầu với “cả 2”
Eker viết “Hãy suy nghĩ thực tế và tạo ra cách thức có được ‘cả 2’. Bất kỳ khi nào giải phải thay thế được đưa ra cho bạn, hãy tự hỏi ‘Làm cách nào mình có được cả 2?'”.
Người giàu không bao giờ nói ‘hoặc cái này hoặc cái kia’ – họ nói ‘cả 2’ vì họ biết có thể thực hiện được.
Eker nhấn mạnh, không một lĩnh vực nào mà suy nghĩ ‘cả 2’ lại quan trọng hơn khi nói về tiền bạc. Người nghèo và tầng lớp trung lưu tin rằng họ phải lựa chọn giữa tiền và những khía cạnh khác của cuộc sống. Kết quả là hợp lý hóa một vị trí mà tiền bạc không quan trọng bằng những thứ khác.
Tự nói với mình rằng bạn xứng đáng giàu có
Steve Siebold, triệu phú tự thân, tác giả cuốn “Cách suy nghĩ của người giàu” (How Rich People Think) viết “Người bình thường tin rằng trở nên giàu có là đặc ân dành cho những người may mắn. Sự thật là bạn hoàn toàn có quyền trở nên giàu có nếu bạn sẵn lòng tạo ra giá trị lớn cho những người khác”.
Hãy bắt đầu tự hỏi “Tại sao không phải tôi”. Tiếp đến, bắt đầu nghĩ lớn. Người giàu thường đặt kỳ vọng cao. Tại sao không phải là 1 triệu USD?
NHẬT TRƯỜNG (Theo BI)/NCĐT