Thời điểm ôn tập nước rút

Dù đề thi tốt nghiệp THPT thường không khó nhưng học lệch sẽ khiến một số môn thi trở thành gánh nặng cho học sinh. Khi chỉ còn 10 ngày nữa là học sinh phải thi môn đầu tiên, sắp xếp lại kiến thức theo một hệ thống là rất cần thiết, thời điểm này học sinh nên lưu tâm nhiều hơn tới những môn không thuộc khối thi của mình.

Ngày thi đầu tiên bao giờ cũng căng thẳng nhất (ảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010) – Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo các thầy cô có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi, để kết quả các môn thi tốt nghiệp trên trung bình không quá khó nếu học sinh biết sắp xếp thời gian và có cách ôn tập đúng. Thông thường học sinh mải tập trung học ba môn khối thi đại học, các môn khác bỏ bê.

Khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, trước áp lực ôn tập mà các trường đặt ra, nhiều môn học lúc đó mới được học sinh quan tâm. Do phải học một khối lượng kiến thức lớn trong một khoảng thời gian chỉ vài tháng, nhiều học sinh càng học càng thấy mông lung.

“Đây là thời điểm mà giáo viên các bộ môn đều rung chuông báo động để các em đừng vì quá mải mê ôn tập mà quên mất kỳ thi đã đến gần. Sắp xếp lại kiến thức theo một hệ thống, bao quát và làm chủ được nó để sử dụng hiệu quả khi bước vào phòng thi là việc các em phải làm vào lúc này”, thầy Phạm Văn Hoan, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội khuyên.

Cô giáo Phạm Hà Thanh, giáo viên môn Văn, trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông cho biết: “Kiến thức cần học cho mỗi tác phẩm có nhiều dạng đề đi kèm, bình quân khoảng 12 trang A4. Trong khi đó chương trình lớp 12 có khoảng 15 tác phẩm. Lúc này, nếu sa đà đọc kỹ một tập dày cộm các em dễ hoang mang. Thời gian để học kỹ từng ý đã qua rồi. Giờ là lúc học lược, học các ý chính trên sườn cơ bản”.

Còn theo thầy Nguyễn Quý Xuân, giáo viên Vật lý trường THPT Việt Đức, Hà Nội, thời điểm này học sinh nên lưu tâm nhiều hơn tới những môn không thuộc khối thi của mình.

Thầy Xuân nói: “Học sinh của tôi chủ yếu thi khối A. Lúc này các em đều đã ôn được kha khá không chỉ môn Lý mà cả môn Toán. Vì thế với kỳ thi tốt nghiệp, các em cũng không cần quá lo lắng cho những môn này mà nên đầu tư thời gian cho các môn khác. Với những em thi ĐH khối D, tạm thời các em có thể yên tâm với các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ để tập trung ôn Lý, Sinh, Địa…”.

Các thầy cô giáo cũng cho rằng, tâm lý là một yếu tố quan trọng giúp học sinh đạt được kết quả tốt nhất khi đi thi. “Ngày đầu tiên của kỳ thi thường căng thẳng nhất. Giám thị làm việc trong tinh thần cảnh giác cao độ. Thí sinh làm bài thi trong tâm trạng lo âu. Vì vậy, nếu chuẩn bị ôn tập kỹ và làm tốt bài thi các môn thi trong ngày thi đầu tiên (năm nay là hai môn Lý và Văn), các em sẽ có tâm lý thoải mái cho những ngày thi tiếp theo”, cô Phạm Hà Thanh tư vấn.

Các giáo viên cũng cho rằng, giúp học sinh nắm được một số “tiểu xảo” trước khi vào phòng thi cũng là một cách chuẩn bị cho kỳ thi hiệu quả. Chẳng hạn khi làm bài thi trắc nghiệm, học sinh nên chọn những câu dễ làm trước, khó làm sau; hoặc câu hỏi định tính làm trước, câu hỏi cần tính toán làm sau…

Thầy Nguyễn Quý Xuân chia sẻ:

Khi làm bài tập Vật lý, các em chú ý phần đơn vị phải đổi cho đúng về đơn vị chuẩn hoặc đơn vị thường gặp với những loại bài tập nhất định.

Theo kinh nghiệm của tôi, một câu hỏi có 4 phương án nhưng phần lớn câu đòi hỏi lựa chọn đúng sai, nếu có những phương án dạng đối lập nhau thì đáp án thường sẽ rơi vào một trong hai câu đối lập. –Có những câu nếu học sinh chỉ cần chú ý đơn vị trong các phương án là đã phát hiện ra đáp án ở đâu rồi.

Theo: (Tuyển sinh/TPO)

Bài liên quan

Nắm vững phương pháp: ôn tập thành công

(hieuhoc_hieuhoc.com). Dựa vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, các em có thể chọn phần kiến thức chiếm nhiều điểm để ôn tập trước và phải luyện thật kỹ để không bị mất điểm một cách đáng tiếc. Phần nào mình đã hiểu nhưng chưa thành kỹ năng, phải chọn bài tập (trong sách giáo khoa) làm đi làm lại cho thật thành thạo. Phần nào còn chưa vững, phải có kế hoạch và dành thời gian nhiều cho việc ôn tập phần đó. 

Học hành & nghỉ ngơi điều độ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học quá tải không nghỉ ngơi cũng không khác gì đổ chai nước quá đầy, phần rớt ra ngoài sẽ lãng phí. Biết cách học có phương pháp, học mà chơi, chơi mà học thì mới đạt được hiệu quả.

Cách học và ôn thi: Ôn ít hiệu quả nhiều

(hieuhoc_hieuhoc.com) Với khối lượng kiến thức rất nhiều, ôn thi như thế nào để tránh việc học trước quên sau? Cách học và ôn thi sao cho hiệu quả? - Điều mà hầu hết các học sinh rất quan tâm và mong muốn là “ôn ít mà nhớ nhiều” !   

7 kinh nghiệm ôn thi hiệu quả nhất

Ôn thi là thời gian vất vả nhất với học sinh, bởi chỉ trong một giai đoạn ngắn, các học sinh phải tiếp thu, sắp xếp một khối lượng kiến thức lớn ở nhiều môn. Vậy, làm thế nào để ôn thi có hiệu quả nhất trong thời gian nước rút?

Cùng chuyên mục