(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong khi hàng năm nước ta phải xuất khẩu hàng chục ngàn lao động, vừa qua không ít doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp các tỉnh phía Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ lại than thiếu lao động phổ thông, thậm chí có nơi đề xuất tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài.
Thông tin này thực sự gây bất ngờ cho nhiều người, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước. Việt Nam được xem là quốc gia có số lượng lao động xuất khẩu vào loại nhiều nhất thế giới, số người ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, nhưng giờ đây chính các doanh nghiệp trong nước lại khát lao động phổ thông, phải đi “nhập khẩu lao động”. Chuyển biến này thật ra có nguyên nhân hợp lý của nó.
Cách đây chừng 10 năm, khi đó nước ta dù đã mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới một cách rõ nét, song ở khu vực miền Trung (Thanh Hóa đến Bình Định) và các tỉnh phía Bắc, nền công nghiệp (với các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX)) vẫn chưa phát triển bao nhiêu. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, đặc biệt là TPHCM các KCN-KCX, các nhà máy, công ty lại mọc lên khá nhiều.
Vì thế, để thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn, sau mùa vụ nông nghiệp thanh niên nông thôn khu vực này chẳng biết làm gì, đành “Nam tiến” để kiếm công ăn, việc làm.
Thời điểm đó, mỗi năm có hàng chục ngàn lao động thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc tiến vào Nam, bởi thế việc tuyển lao động đối với doanh nghiệp là rất dễ dàng.
Tuy nhiên, mưu cầu cuộc sống trong chiến dịch “Nam tiến”, bên cạnh nhiều thanh niên kiếm được việc làm tốt, lập gia đình rồi tìm được chỗ làm, nơi an cư để gắn bó, thì vẫn còn không ít người lao động có đời sống bấp bênh. Lương và thu nhập vốn đã thấp, nhưng giá cả lại quá cao.
Chị Nguyễn Thị Thu ở Châu Giang (Hưng Yên) tâm sự: Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2002, nhưng không vào được đại học thế là chị tìm vào Bình Dương làm công nhân may. Thu nhập một tháng (lương và tiền làm thêm) khoảng 2,2 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, theo chị Thu cũng chỉ để “tằn tiện” cho việc chi tiêu hàng ngày và thuê nhà là hết. Chính vì thế trong suốt bốn năm làm việc, hầu như chị chẳng tích góp được gì.
Cuối năm 2007, trong lần về quê ăn Tết, chị đã quyết định ở lại quê nhà và xin vào làm công nhân cũng cho một công ty may tại đây (Như Quỳnh – Phố Nối) với mức thu nhập khoảng gần 2 triệu đồng/tháng.
Mặc dù, thu nhập có thấp hơn trong Nam chút xíu, song theo tính toán của chị Thu, đời sống còn khá và dễ thở hơn nhiều. Lý do, nhà không phải thuê, sáng đi làm chiều về nhà. Chính cuộc trở về quê đã giúp chị Thu có cơ hội được lập gia đình. Chị cho biết nếu không trở về quê, cứ bám trụ làm công nhân ở Bình Dương không biết có còn cơ hội lấy chồng không…
Thực ra, trường hợp như chị Thu không phải là cá biệt; trong bối cảnh giá cả ở đô thị đắt đỏ, đã thế trên khắp mọi miền đất nước từ Hà Giang đến Cà Mau, hay ngay cả các vùng nông nghiệp trù phú như đồng bằng sông Hồng, Thái Bình, Hưng Yên… đâu đâu cũng dấy lên phong trào chuyển đổi đất nông nghiệp để làm KCN, vì thế số lượng các công ty, nhà máy mọc lên ngày một nhiều.
Theo ước tính, chỉ riêng khu vực miền Trung và miền Bắc đã có cả trăm KCN, cụm công nghiệp với hàng ngàn nhà máy, công ty, xí nghiệp lớn nhỏ. Với số lượng đông đảo như thế, việc “hút” lao động ở địa phương là điều đương nhiên.
Còn với người lao động họ cũng có cái lý khi ở lại quê nhà làm việc. Một khi đồng lương được trả ở mức tương đương (dù ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…) so với Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương… thì làm ở quê nhà vẫn có khả năng tạo ra cuộc sống tốt hơn so với đi làm xa.
Chính sự chuyển dịch địa bàn phát triển công nghiệp là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phía Nam đang và sẽ thiếu lao động trầm trọng.
Bên cạnh yếu tố địa lý trên, sự phát triển như vũ bão của các loại hình kinh doanh dịch vụ với mức lương hấp dẫn, rồi các doanh nghiệp chuyên sản xuất và làm hàng gia công cũng “hút” một lực lượng lao động đông đảo đến làm cho khu vực này. Vì thế, các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất vốn đã hiếm lao động lại càng trở nên khó tuyển người hơn.
Để giải quyết bài toán thiếu lao động đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai gần, có lẽ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thể cũng phải tính đến phương án dịch chuyển nhà máy (sản xuất những sản phẩm cần nhiều lao động phổ thông) đến các địa phương khác (khu vực ĐBSCL, miền Trung…) và chỉ nên phát triển những doanh nghiệp thiên về sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao trong khu vực để “hút” lao động có trình độ.
Có như vậy, các doanh nghiệp khu vực này mới hy vọng không lo bài toán thiếu lao động phổ thông trong tương lai gần.
Nguồn: (Lê Hà/TBKTSG).