Thiếu giảng viên trầm trọng

Bên cạnh việc thành lập, mở ngành mới ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) diễn ra ồ ạt thì việc tuyển giảng viên càng trở nên rầm rộ. Thế nhưng, khó mà đáp ứng được vì nhu cầu rất lớn.

Nhiều giảng viên có kinh nghiệm của trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM vẫn gắn bó với thương hiệu của trường. – Ảnh: Đ.N.T.

Sau hai đợt tuyển dụng cho đến nay, trường ĐH Kinh tế TP.HCM vẫn tuyển chưa đủ giảng viên. Với trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dĩ nhiên yêu cầu trình độ giảng viên khá cao: ít nhất là Cử nhân hệ ĐH chính quy loại giỏi ngoài yêu cầu về tiếng Anh và tin học. Các giảng viên còn phải trải qua 4 phần thi, từ viết đến vấn đáp, ngoại ngữ và tin học.

Còn theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hầu như năm nào trường cũng tuyển giảng viên để bổ sung cho số nghỉ hưu và chuyển công tác. Trong đó, có những ngành thường xuyên phải tuyển như: chăn nuôi thú y, cơ khí công nghệ, nông học, lâm nghiệp, thủy sản, kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, quản lý đất đai và bất động sản…

Nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn cũng có thể kể đến là trường ĐH Tài chính – Marketing (tuyển 65 giảng viên) cho nhiều khoa. Thế nhưng cũng chỉ tuyển được 10 người.

Nhu cầu tuyển dụng giảng viên ở mức cao là trường ĐH Xây dựng miền Trung, trên cơ sở nâng cấp từ trường CĐ Xây dựng số 3 (Phú Yên). Yêu cầu giảng viên cũng chỉ ở mức tương đối và chế độ ưu đãi, khuyến khích rất nhiều.

Đơn cử, người tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên có nhiều cơ hội vào trường. Khi về trường công tác, giảng viên còn được hưởng 2 tháng lương, phụ cấp, chế độ, có kinh phí hỗ trợ học cao học và được trợ cấp khoản kinh phí lớn khi đi nghiên cứu sinh. Người có bằng tiến sĩ về trường, ngoài việc hưởng phụ cấp cao còn được bố trí chỗ ở nếu ở tỉnh xa.

“Sức hút” ngoài công lập

Trước sự ưu đãi của các trường ĐH ngoài công lập, một số giảng viên từ trường công lập cũng được mời về giảng dạy. Bởi các trường ngoài công lập có cơ chế tài chính độc lập, có khả năng chi trả tốt cho giảng viên. Nhiều trường còn tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, dễ thăng tiến hơn so với các trường công lập.

Theo luật sư – TS Nguyễn Đăng Liêm – Hiệu trưởng ĐH CNTT Gia Định, hiện tại trình độ giảng viên của trường tối thiểu là thạc sĩ, được hưởng mức lương khá cao và sắp tới sẽ được tăng thêm khoảng 15%. Giảng viên còn được khuyến khích soạn giáo trình cho SV, ngoài tiền thưởng còn được hưởng khoảng 15% giá bìa của giáo trình. Nhờ vậy, hiện trường đã thu hút được nhiều giảng viên từ các trường công lập về giảng dạy.

Trường ĐH FPT trả lương cao, hỗ trợ máy tính cá nhân cho mỗi giảng viên. Trường ĐH Thủ Dầu Một còn trợ cấp thu hút một lần khá cao, được phụ cấp thêm cho đủ 100% lương bậc khởi điểm của ngạch viên chức thời gian tập sự với người mới tuyển, phụ cấp ưu đãi đối với giảng viên từ 25% – 45% lương cơ bản, hỗ trợ lương hằng tháng, chi phí đi lại và nhà ở (người ở tỉnh xa) và hỗ trợ tiền thuê nhà ở và tiền tàu xe được giải quyết 10 tháng/năm…

Giảng viên khoa Dược trường ĐH Nguyễn Tất Thành: 1 cơ hữu và 72 thỉnh giảng

Đáng chú ý là ngày 21-4-2011, trường ĐH Nguyễn Tất Thành có quyết định nâng cấp từ trường CĐ. Nhưng trên các trang web, trường đăng tuyển 10 giảng viên cơ hữu chuyên ngành: tự động hóa, điện – điện tử. Hạn nộp hồ sơ là 21-6-2011.

Cũng trên các trang web tuyển dụng khác, trường ĐH Nguyễn Tất Thành có đăng tuyển 7 giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ trở lên để giảng dạy các ngành đào tạo. Hạn nộp hồ sơ là tháng 5-2011.

Chứng tỏ, thời điểm tuyển dụng như trên cho thấy công tác chuẩn bị đội ngũ nhân sự vẫn còn cập rập. Đáng lẽ đội ngũ nhân sự của trường phải ổn định từ trước đó. Điều này cũng cho thấy việc tìm kiếm đội ngũ giảng viên trong thời điểm hiện nay rất khó khăn.

Một điều đáng nói, trên trang web của trường thông báo về đội ngũ giảng viên khoa dược, còn cho thấy trong số 73 giảng viên của khoa chỉ có một cử nhân thuộc biên chế của trường. Những người còn lại đang làm việc tại Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Gia Định, trường ĐH Y – Dược TP.HCM, thậm chí cả Công ty Techlimex.

Theo Đăng Nguyên/Thanh Niên

Bài liên quan

Nhu cầu nhân lực ngành sư phạm mầm non

(Hiếu học) Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng, miền được đến lớp. Với kinh phí gần 15 nghìn tỷ đồng, ngoài phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đề án sẽ thực hiện đào tạo mới và bồi dưỡng cho 22.400 giáo viên phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non 

2.500 chỉ tiêu vào ĐH Sư phạm Hà Nội

(Hiếu học) Tuyển sinh 2011, trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố có 2.500 chỉ tiêu. Ngoài các môn thi chung theo lịch của Bộ GD&ĐT, thí sinh thi các khối H,M,N,T sẽ thi tiếp những môn năng khiếu đến 14/7/2011. 

ĐH Sư phạm Huế tuyển sinh 2011

(Hiếu học) Đại học Huế dự kiến tuyển 10.760 chỉ tiêu bậc ĐH và 300 chỉ tiêu bậc CĐ. Trong đó, ĐH Sư phạm tuyển 1.600, tăng 100 chỉ tiêu, Khoa Giáo dục thể chất tuyển 250, tăng 30 chỉ tiêu so với năm 2010.       

ĐH Sư phạm Đà nẵng tuyển sinh 2011

(Hiếu học) Trường ĐH Sư phạm Đà nẵng mở thêm ngành mới là ngôn ngữ học với 50 chỉ tiêu. Trường sẽ không tuyển sinh ngành sư phạm giáo dục đặc biệt (chuyên ngành giáo dục hòa nhập bậc tiểu học) và sư phạm giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng.

Tuyển sinh 2010: Ngành Giáo dục – Sư phạm.

(Hiếu học). Hàng năm số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm – Giáo dục khoảng hơn 20.000 hồ sơ. Khối Sư phạm gồm các môn: Toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tin học… và khối Khoa học Giáo dục gồm: Giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý…

Cùng chuyên mục