Thiết kế nội thất: công việc kỹ thuật và nghệ thuật

“Thiết kế là một công việc của cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật, nên không thể có sự áp đặt”. – Người đàn ông ngoài 40 này vẫn nói giọng Hà Nội, nhưng phong thái và lối nghĩ hoàn toàn thuộc về dân Sài Gòn. Xuất thân từ một gia đình với nhiều thành viên hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hoạ sĩ thiết kế Hoàng Tuấn lại chuyển hướng đi theo niềm đam mê đã được nhìn thấy từ khi còn rất trẻ: thiết kế nội thất.

Hơn 25 năm trước, thời mà lĩnh vực này gần như không được quan tâm hoặc chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp ở Việt Nam, anh đã quyết định theo khoa Mỹ thuật công nghiệp, học đại học ở TP.HCM rồi ra Hà Nội học tiếp suốt bảy năm. Tốt nghiệp, đi làm cho một công ty danh tiếng của Singapore đúng ba năm, anh tách ra, làm việc cho chính mình. Khởi nghiệp với những ý niệm riêng biệt về thiết kế, cho đến ngày hôm nay, các ý niệm ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị và cũng là “bí kíp” để anh trở thành một tên tuổi có bảo chứng trong lĩnh vực nội thất văn phòng và nội thất không gian trưng bày.

– Có một thời gian làm nghề lâu dài và liên tục, anh có thể nhận xét gì về sự thay đổi cũng như không thể thay đổi trong quan niệm thiết kế nội thất của người Việt?

Mức sống của người Việt cao lên thì nhu cầu về thiết kế cũng tăng lên tỷ lệ thuận. Những thay đổi về thẩm mỹ thay đổi theo quan niệm sống của từng thời kỳ. Thuật ngữ lifestyle đã tồn tại đúng nghĩa trong lĩnh vực thiết kế ở nước mình khi các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, chất liệu không còn là điều xa lạ. Khi xây xong một ngôi nhà, chủ nhân có thể tìm đến người thiết kế, hoặc tự mình đi đến các siêu thị nội thất tìm mua trọn bộ những món đồ theo đúng mong muốn. Bản thân những món đồ ấy đã là các thiết kế đẹp theo các quy chuẩn nhất định.

Tuy nhiên, điều bất cập là người Việt mình vẫn không định hướng cụ thể về xấu – đẹp. Họ thường có một cách để trình bày mong ước về không gian nội thất là so sánh với những hình mẫu có sẵn, của người khác, trong sách báo. Họ chưa có thói quen tìm đến người tư vấn để có một thiết kế phù hợp nhất cho chính mình. Nhìn chung, người Việt cũng như hầu hết người châu Á, có một điểm chung là hay đòi hỏi về sự tiện nghi. Chẳng hạn trong một ngôi nhà phải có đủ các món tivi, tủ lạnh. Còn người phương Tây lại chú trọng công năng, đề cao sự thoải mái, vì họ có thể sử dụng các tiện nghi ở môi trường khác, không nhất thiết ở nhà.


– Có phải vì những bất cập trên mà khách hàng của anh 99,9% là người nước ngoài?

Lĩnh vực thế mạnh của tôi là thiết kế không gian văn phòng và showroom. Có thể nói thật là khách Việt mình khá chủ quan và không tin vào người thiết kế. Họ chỉ tin vào những gì cụ thể nhìn thấy, chứ không tin vào các ý tưởng. Khách hàng nước ngoài thống nhất với người thiết kế ngay từ đầu, làm việc dựa trên bản vẽ kỹ thuật, càng chi tiết càng tốt. Họ dám chấp nhận họ sai để làm lại từ đầu. Còn người Việt thì vừa làm vừa sửa. Thiết kế là một công việc của cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật, nên không thể có sự áp đặt. Nói thật là tôi không chọn khách hàng, mà khách hàng chọn tôi.

– Những xu hướng liên tục thay đổi trong thiết kế văn phòng và showroom có là thử thách với anh?

Mọi thay đổi đều mang đến hứng thú mới. Hiện nay, xu hướng nội thất văn phòng là tạo các không gian mở, các không gian chức năng không ngăn cách nhau, tạo sự thông suốt. Nội thất liên quan đến cá tính doanh nghiệp không còn là vấn đề phải đặt nặng như trước kia khi yếu tố thân thiện môi trường giờ đây được đề cao. Còn không gian trưng bày thì luôn có mối dây mật thiết với bên lĩnh vực thời trang, đặc biệt là khía cạnh màu sắc. Điều này rất thú vị và gây nhiều bất ngờ cho chính người làm thiết kế.

– Để tồn tại trong một lĩnh vực nhiều cạnh tranh như thiết kế nội thất, duy trì vị trí của một tên tuổi độc lập, đồng thời điều hành một công ty của riêng mình, quan niệm nền tảng của anh là gì?

Từ lúc ra trường đến giờ, tôi luôn nghĩ, thành công là khi mình được làm đúng điều mình thích. Không nhất thiết phải thực hiện những điều to lớn, tôi chấp nhận đi sửa chữa những thứ người khác làm hỏng. Dù đó là căn phòng nhỏ hay chỉ là một cái toilet. Nhưng đã làm, thì làm cho “tới”, đến mức nghĩ đến loại việc đó, người ta phải gọi tên mình đầu tiên. Mọi sản phẩm làm ra tôi đều quan sát sự phản hồi tích cực lẫn tiêu cực. Khách hàng của tôi không đại trà, số lượng chỉ có thể đếm trên một bàn tay, nhưng là khách hàng lâu năm, thường xuyên và là những tên tuổi lớn như Nokia, Samsung, JVC…

– Người ta thường gọi anh là hoạ sĩ nội thất chứ không phải là nhà thiết kế. Ngay từ cách định danh như thế, đã thấy phần nghệ sĩ trong anh nổi trội. Liệu điều này có ảnh hưởng đến con người kinh doanh trong anh?

Tôi không có kỹ năng kinh doanh. Tôi chỉ làm đúng nghề của mình. Tôi có một lợi điểm là người trực tiếp thiết kế, nên khi gặp khách hàng, tôi nắm được ngay nhu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật mà khách đặt ra. Mặt khác, là chủ doanh nghiệp nên tôi cũng tạo sự tin cậy dễ dàng hơn.

Đúng là con người nghệ sĩ trong tôi khá mạnh. Tôi hy vọng sau mười năm nữa, tôi có thể chuyên tâm làm những điều mình vô cùng yêu thích như vẽ tranh, chụp ảnh, đi du lịch và thăm thú những viện bảo tàng, nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Còn bây giờ, tôi chỉ có thể “tận hưởng” niềm vui cuộc sống bằng cách chơi đồ công nghệ, đồ nghe nhìn, thiết kế một căn nhà thuần tuý môtíp Việt cho riêng mình, theo đúng ý mình dù cũng… không được ở mà phải cho thuê lại. Cũng vì chất “nghệ” này, tôi vẫn bị xem là người cả nể, không muốn ai phật lòng, không bao giờ cứng nhắc trong công việc. Tôi xây dựng công ty trên cơ sở một gia đình hơn là một tổ chức chặt chẽ về hành chính.

Theo: Làm việc lớn vì không ngại việc nhỏ – (Vân Sam/Ảnh: Tường Huy/SGTT.VN )

Bài liên quan

Bạn có nên chọn nghề trang trí nội thất ?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Trang trí nội thất, cũng giống như kiến trúc, là một ngành nghệ thuật ứng dụng. Vì vậy để trở thành một nhà thiết kế, đầu tiên bạn phải có những năng khiếu và kỹ năng về hội họa và nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm của bạn là không gian ba chiều, nên bạn cần trang bị các kiến thức về bố cục, phong cách thẩm mỹ, về màu sắc thậm chí còn nhiều hơn là các họa sĩ. Khả năng sáng tạo là yếu tố quan trọng của nghề trang trí nội thất. Bước chân vào nghề nghiệp này cũng có nghĩa là bạn sẽ phải đối diện với việc luôn đổi mới chính mình, luôn tư duy sáng tạo.

Nghề Thiết kế cảnh quan

(hieuhoc_hieuhoc.com Nghề thiết kế cảnh quan nằm trong ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. Ngành này đào tạo chuyên viên có kiến thức chuyên môn kỹ thuật về trồng, chăm sóc các cây hoa, kiểng và thiết kế tạo cảnh quan đẹp cho các khu vui chơi giải trí, các công viên công cộng, nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch và cho các ngôi nhà, biệt thự...

Cùng chuyên mục