(Hiếu học). Rất hiếm người nghĩ đến việc có tới ba trong sáu môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó bất ngờ nhất là môn địa lý.

Quan điểm của Sở GD-ĐT là dạy đúng, dạy đủ theo quy định chương trình tám môn nằm trong diện thi tốt nghiệp. Ngay từ đầu năm học sở đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc này, không học lệch, học tủ. Từ nay đến ngày thi vẫn còn dài, vấn đề bây giờ là tổ chức ôn tập cho các em cho tốt. (Ông Nguyễn Hoàng Nhi, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp).
– Áp lực lớn: Em nghĩ nhiều bạn giống em, đều bất ngờ khi được biết sẽ thi môn địa. Nhà trường vẫn yêu cầu học đủ các môn, nhưng do có tâm lý sẽ không có môn địa nên từ học kỳ II chúng em không đầu tư cho môn này nhiều. Bây giờ bắt đầu ôn tập, khối lượng kiến thức phải ôn lại, học lại hơi nhiều. Cùng với đó sẽ phải ôn môn sử với kiến thức nhiều, ghi nhớ nhiều sự kiện, con số. Em thấy lo lắng và bị áp lực lớn. (Phạm Thùy Hương, học sinh Trường THPT Đoàn Kết, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội).
– Chỉ tập trung các môn tự nhiên: Khi nghe thi tốt nghiệp có hai môn sử, địa em thật sự bất ngờ. Em dự định thi khối A và B nên thú thật từ đầu năm đến nay chỉ tập trung học các môn tự nhiên. Hơn nữa hai môn này đều học bài và khối lượng kiến thức lớn. Từ giờ em sẽ lập kế hoạch học và dành thời gian hợp lý học môn sử, địa để nắm vững kiến thức trước ngày thi. Tất nhiên sẽ mất thời gian hơn và lịch học sẽ căng thẳng hơn để đảm bảo đủ kiến thức sử, địa thi tốt nghiệp và học tốt các môn thi đại học. Nhiều bạn cũng lo lắng khi được công bố thi hai môn sử, địa và dự đoán khả năng đậu tốt nghiệp năm nay sẽ không cao. (Võ Thị Vân Anh, lớp 12/19 Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng).
Khó khăn cho học sinh học lệch.
Với cách thức tổ chức thi căng thẳng như hiện nay lại có tới 3/6 môn thi thuộc lĩnh vực xã hội, học sinh phải ghi nhớ nhiều đúng là có khó khăn cho những học sinh học lệch về khoa học tự nhiên.
Lâu nay một số nhà trường, giáo viên, học sinh đều có tâm lý phỏng đoán môn thi tốt nghiệp theo cách loại trừ những môn vừa mới thi năm trước. Kiểu phỏng đoán này nhiều khi đúng, do Bộ GD-ĐT thường không chọn những môn vừa mới thi để thi tiếp năm sau. Chính vì thế có chuyện một số trường cắt giảm số tiết của những môn được dự đoán không thi. Điều này vô hình trung khuyến khích lối học tủ, học lệch của học sinh và tạo áp lực cho các em trong việc ôn tập những môn phải ghi nhớ nhiều, trong khoảng thời gian ngắn.
Tôi cho rằng rất cần phải thay đổi tâm lý “thi gì học nấy” bằng quan điểm “học gì thi nấy”. Có nghĩa đã học môn nào thì đều phải xác định sẽ thi, sẽ phải đánh giá để xác nhận việc hoàn thành chương trình của học sinh. Chúng ta không cần phải tổ chức một kỳ thi quá căng thẳng khi mà học sinh bắt buộc phải học cho đủ 13 môn học/tuần cho đến hết năm học, để rồi bước vào kỳ thi sáu môn thi. Tôi dám chắc từ hôm nay nhiều trường sẽ bỏ các môn không thi để chỉ cho học sinh tăng cường học môn sẽ thi. Xét ở góc độ giáo dục, điều đó có tốt không? (Thầy Văn Như Cương – hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội).
Một số nơi đã cắt giảm.
Việc có nhiều môn xã hội (văn, sử, địa) trong cùng một kỳ thi và có đến 4/6 môn phải thi tự luận khiến học sinh hơi bất ngờ. Nếu học sinh đảm bảo yêu cầu của các môn học trong quá trình học tập thì việc thi môn nào cũng không đáng ngại. Nhưng tôi biết có một số nơi, do phỏng đoán năm nay không thi địa nên đã cắt giảm tiết môn này chỉ còn 1 tiết/tuần (theo chương trình, học sinh lớp 12 học 1 tiết/tuần ở học kỳ I và 2 tiết/tuần vào học kỳ II, trung bình là 1,5 tiết/tuần).
Học sinh không nghĩ sẽ thi nên lơ là học, giáo viên cũng không kiểm tra sát sao. Có một vài trường do áp lực thành tích thi cử đã lược bớt những môn học được coi là phụ để dạy những môn phỏng đoán sẽ thi và bây giờ lại tăng tiết để bù. Cách làm như vậy gây khó khăn cho học sinh. Thầy Vũ Quốc Lịch (giáo viên môn địa lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội)
Học sinh hẫng hụt kiến thức.
Nhiều năm qua, phần lớn học sinh nhà trường thi khối A, B nên khi nghe công bố trong sáu môn thi tốt nghiệp THPT có hai môn xã hội là sử, địa, các em đều bất ngờ và lo lắng. Nhà trường dạy đều các môn nhưng quả thật phần lớn học sinh có tâm lý tập trung học lệch các môn thi đại học, chưa đầu tư và dành ít thời gian học sử, địa. Vì thế một số em sẽ không nắm vững và bị hẫng hụt kiến thức hai môn này là đương nhiên. Khi công bố môn thi thì thời gian chỉ còn hai tháng đến ngày thi tốt nghiệp, các em sẽ học khó khăn hơn.
Giờ đây, nhà trường sẽ động viên học sinh cố gắng, nỗ lực hơn nữa, sắp xếp thời gian hợp lý học hai môn học bài này. Nhà trường sẽ đưa ra các giải pháp để các học sinh đảm bảo kiến thức sử, địa trước ngày thi. (Thầy Lê Phú Kỳ – hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng)
Không nghĩ có môn địa.
Thật ra nhiều giáo viên đã đoán trước năm nay chắc sẽ có môn sử, riêng môn địa thì nhiều giáo viên nghĩ sẽ không có. Nay có cả hai môn chắc chắn sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến học sinh. Tâm lý giáo viên và học sinh là hay đoán trước môn thi tốt nghiệp dựa trên “quy luật” của những năm trước. Tuy nhiên quan điểm của Sở GD-ĐT là dạy đúng, dạy đủ theo quy định chương trình tám môn nằm trong diện thi tốt nghiệp. Ngay từ đầu năm học sở đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc này, không học lệch, học tủ. Từ nay đến ngày thi vẫn còn dài, vấn đề bây giờ là tổ chức ôn tập cho các em cho tốt. (Ông Nguyễn Hoàng Nhi, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp).
Sẽ khó khăn nếu đề ra theo kiểu thuộc lòng.
Đúng là hơi bất ngờ vì không nghĩ sẽ có cả hai môn xã hội sử và địa. Năm nay các môn thi tốt nghiệp tập trung vào khối xã hội hơi nhiều. Nếu đề thi ra theo kiểu học thuộc lòng, sẽ rất khó khăn cho học sinh vì khối lượng các môn xã hội rất nhiều. Học sinh bây giờ thích làm bài theo hướng tư duy và tổng hợp hơn. Đề thi ra theo tinh thần đổi mới theo hướng khái quát, tổng hợp thì tôi nghĩ sẽ không có nhiều khó khăn đối với học sinh. (Cô Cao Thị Ngọc Hà, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ).
Nguồn: Sáu môn thi tốt nghiệp THPT 2010: Áp lực lớn vì “trật chìa”/(TTO).
Bài đọc thêm:
– Để làm tốt bài thi môn Địa Lý.
– Để làm bài thi môn Lịch Sử đạt điểm cao.
– Để làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa học.
– Để thi môn Văn đạt điểm cao.