Thi Đại học khối C và mẹo làm bài.

Là những môn học bài nhưng thí sinh (TS) cũng cần có phương pháp ôn tập khoa học và “mẹo” làm bài mới có thể đạt kết quả cao. – Thí sinh dự thi khối C năm 2009 tại Hội đồng thi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (Ảnh: Đ.N.T)

Môn Văn: Chú ý cách làm bài nghị luận xã hội

Thạc sĩ Triệu Thị Huệ – Trưởng bộ môn Văn – trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Theo cấu trúc đề thi năm 2010 của Bộ GD-ĐT, môn Văn có câu hỏi về kiểu bài nghị luận xã hội. Hai dạng bài cụ thể là: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Dung lượng bài viết quy định khoảng 600 từ.

Để làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội, TS không chỉ biết vận dụng thao tác cơ bản của bài văn nghị luận (như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…) mà còn phải trang bị cho mình kiến thức về đời sống xã hội. Bài làm nhất thiết phải có dẫn chứng thực tế tuy nhiên cần tránh tình trạng lạm dụng dẫn chứng mà bỏ qua các bước đi khác của quá trình lập luận.

TS cần làm rõ vấn đề nghị luận, sau đó mới đi vào đánh giá, bàn luận, rút ra bài học cho bản thân. Thực tế cho thấy, nhiều TS mới chỉ dừng lại ở việc làm rõ vấn đề nghị luận mà coi nhẹ khâu thứ hai, vốn được coi là phần trọng tâm của bài văn nghị luận.

Môn Lịch sử: Nắm các sự kiện có hệ thống

Nguyễn Tiến Vinh – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – TP.HCM

Khi ôn tập, học sinh (HS) cần phải nắm vững toàn bộ những kiến thức cơ bản của chương trình bằng cách chia theo từng giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, HS phải có kỹ năng khái quát, so sánh, liên hệ, lập bảng thống kê để tổng hợp các sự kiện, trình bày một cách có hệ thống các sự kiện trong từng giai đoạn lịch sử. Từ đó, dễ dàng giải thích các sự kiện, liên hệ thực tế…

Để bài làm thi môn Lịch sử đạt kết quả cao, nên vạch đề cương sơ lược cho mỗi câu trước khi làm bài. Chú ý số điểm của mỗi câu để phân phối thời gian hợp lý. Tránh những lỗi thường gặp như câu văn lủng củng, viết sai chính tả, trình bày không rõ ràng, viết lan man, lập luận thiếu logic, rời rạc, không tập trung vào chủ đề của câu hỏi… Tránh những sai sót về địa danh, tên nhân vật lịch sử, niên đại…

Môn Địa lý: Nên lập dàn ý tổng quát

(Trần Văn Quang – tổ trưởng Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – TP.HCM)

Đề thi luôn có 1 câu kỹ năng 3 điểm, các em cần phải rèn luyện kỹ năng vẽ, nhất là vẽ lược đồ Việt Nam. Trong kỳ thi ĐH-CĐ, đề thi thường yêu cầu TS phải biết vẽ lược đồ Việt Nam với chiều dài bằng tờ giấy thi.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, TS không được sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. Về cách làm bài, TS nên đọc kỹ đề ít nhất 3 lần, gạch chân ý chính, sau đó lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ theo đúng trình tự và nên xuống dòng sau mỗi ý. Không viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị… Chọn câu dễ, câu ngắn làm trước.

Đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo, tránh tô, xóa. Nếu thấy thiếu, không viết chen vào vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau khó đọc. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ bổ sung (ví dụ: câu 3 bổ sung). Khi chấm đến phần cuối, giám khảo sẽ cho điểm bổ sung vào câu đó.

Theo: Ôn thi ĐH khối C – B.Thanh (ghi)/(TNO)

Bài liên quan

Trắc nghiệm tiếng Anh: Chần chừ dễ bị sai.

Chuẩn bị thi môn tiếng Anh với nội dung là cả một kho kiến thức mà bạn đã "tích trữ" từ năm lớp 6 đến giờ. Anh văn cũng như môn Văn, không ai đoán được đề sẽ ra thế nào, ở đâu và nếu đã tự tin vào vốn kiến thức của mình, bạn đừng nên quá chần chừ khi làm bài thi trắc nghiệm môn này.

Để đạt điểm cao khối A.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để đạt điểm cao khi thi khối A với cả 3 môn Toán – Lý – Hóa là mong muốn của tất cả các thí sinh. Sau đây là chia sẻ bí quyết của một thủ khoa 30 điểm khối A kỳ thi ĐH 2009. 

Để đạt điểm cao ở khối B.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Để đạt điểm cao ở khối B trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản, hệ thống kiến thức từng môn và lấy đó làm "nguyên liệu" để giải toán.

Cùng chuyên mục