Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh dự thi tại cụm địa phương không được sử dụng kết quả thi để tham gia xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Vậy cơ hội học Đại học của những thí sinh này ra sao?
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 cả nước có 120 cụm thi, trong đó có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì.
Cơ hội xét tuyển vào các trường có phương thức tuyển sinh riêng.
Hiện nay, theo xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia còn phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là quyền tự chủ các trường. Theo đó, song song với phương thức xét tuyển Đại học dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, có rất nhiều trường đại học còn thực hiện phương thức tuyển sinh riêng căn cứ vào điểm học bạ trung học phổ thông.
Việc sử dụng kết quả học tập phổ thông để xét tuyển Đại học nhận được sự quan tâm tìm hiểu của rất nhiều thí sinh. Xét tuyển theo phương thức này, các thí sinh thi cụm địa phương hoàn toàn có khả năng theo đuổi giấc mơ đại học bằng chính quá trình phấn đấu học tập của bản thân trong những năm cấp ba.
Xét tuyển học bạ như thế nào?
Theo thống kê có khoảng trên 150 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước sử dụng phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ. Trong đó, có trường xét tuyển điểm của cả 3 năm cấp ba, có trường xét điểm của 2 năm, cũng có trường chỉ xét tuyển đối với kết quả học tập năm lớp 12. Để nắm rõ thông tin, thí sinh cần tìm hiểu, theo dõi trên website riêng của từng trường.
Trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ có gì khác?
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đầu vào được các trường có đề án tuyển sinh riêng thực hiện đồng thời với phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và không có sự phân biệt về chương trình học tập giữa các thí sinh trúng tuyển.