(Hiếu học). “Cống hiến đến khi nào còn có thể. Đến một lúc nào đó, sẽ nhường lại đuốc cho thế hệ sau”. Năng động và bản lĩnh, những người sinh ra vào năm lịch sử 1975 đang bước vào tuổi sung sức nhất của một đời người. Gặp họ, để thấy được một thế hệ đã trưởng thành cùng đất nước, bước vào độ chín với những khát vọng về nghề nghiệp và lý tưởng.
1. Bùi Trường Giang: Những điều quý giá vẫn đang ở phía trước
Tuổi 35, Tiến sĩ Bùi Trường Giang trở thành Phó Viện trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam – Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Với anh, những ngày đang sống là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời.
Anh cho rằng mình đang bước vào độ tuổi đầy nhiệt huyết, nhiều khát vọng, độ tuổi cũng đủ để nhìn lại, chiêm nghiệm và rút ra nhiều bài học trong chặng đầu tiên của cuộc đời. Năm nay, anh có nhiều mốc đáng nhớ, được gánh thêm trọng trách và ấp ủ những kì vọng mới.
Ngoài việc trở thành Viện phó trẻ nhất Việt Nam, ở tuổi 35, Bùi Trường Giang còn xuất bản cuốn sách đầu tay sau hơn 10 năm nghiên cứu khoa học. Cuốn sách viết về Việt Nam hội nhập với thế giới và khu vực, theo anh phù hợp với xu thế và bối cảnh hiện nay.
Từ chỗ đứng của mình, trong mắt anh, thế hệ 7X nói chung và những người sinh năm 75 là thế hệ năng động, thành công không chỉ trên phương diện làm giàu mà còn làm giàu bằng tri thức.
“Những người sinh năm 75 đang thành công bước đầu và năng động, biết nắm lấy những cơ hội, cơ hội đến với đất nước thì họ nắm bắt được và hóa giải được những cơ hội ấy. Quan trọng là họ duy trì thế nào thôi” – Tiến sỹ trẻ lạc quan về thế hệ của mình.
Nhìn lại những chặng đường trong cuộc đời, Bùi Trường Giang nhận thấy mình may mắn sớm có được chìa khóa “hội nhập” với thế giới: Tiếng Anh. Anh học ngoại ngữ từ lớp 2, lớn lên trong môi trường chuyên Anh Amsterdam rồi là ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), anh có cơ hội để thu nạp tri thức.
Năm 1997 cũng là năm đáng nhớ. Khi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương và ĐH Ngoại ngữ cùng lúc, thay vì đi làm cho công ty nước ngoài thì Bùi Trường Giang chọn cho mình con đường ở Viện Kinh tế với vỏn vẹn 400.000 đồng tiền lương. Anh chọn cơ hội học tập, rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Hàn Quốc năm 2004.
Bùi Trường Giang cho rằng những điều quý giá vẫn đang ở phía trước. Những ngày mình đang sống là những ngày đẹp nhất để “cống hiến đến khi nào còn có thể. Đến một lúc nào đó, sẽ nhường lại đuốc cho thế hệ sau”.
2. Phạm Thị Hồng Liên: Sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo
“Người ta nói tuổi này chơi vơi rồi đấy, ra đường nhìn thấy tuổi trung niên thấy phấn khởi vì… mình trẻ, gặp các bạn sinh năm 82-83 thì thấy mình rất… đáng tự hào. Nếu giai đoạn tiếp theo của cuộc sống có một chút mạo hiểm cũng không sao, mình sẵn sàng đối mặt” – Phạm Thị Hồng Liên – Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn UHY bộc bạch về tuổi 35.
Về thế hệ sinh năm 1975 của mình, Phạm Thị Hồng Liên cho rằng, tốt đẹp nhất là được sống trong một môi trường hòa bình.
Thấm thía ý nghĩa của cuộc sống bình yên ấy, Phạm Thị Hồng Liên luôn sống hết mình những gì đã có. Chị cho rằng, cuộc sống không có hai lần nên không dám… phung phí. Chị mong, một ngày có 48 tiếng vì có quá nhiều việc muốn được làm.
Tốt nghiệp Học viện Tài chính kế toán, đã qua nhiều công việc trước khi trở thành Phó Tổng giám đốc UHY, Phạm Thị Hồng Liên muốn khám phá tất cả những lĩnh vực khác nhau trong nghề tài chính kế toán được đào tạo, thậm chí ngay cả khi nơi làm việc mới có mức thu nhập thấp hơn nhiều. Với chị, thu nhập không phải là mục tiêu số một, môi trường hấp dẫn và thử thách nghề nghiệp mới là cái quan trọng nhất.
Ngay cả với công việc hiện tại ở UHY, dù có vị trí cao, Phạm Thị Hồng Liên vẫn xác định 5 năm hoặc 7 năm nữa sẽ dừng lại, chọn cho mình một con đường mới. Chị thích những cơ hội mới.
Với chị, có một nguyên tắc đơn giản, cũng chính là bí quyết của chị, sống như mình tin, bằng tất cả sự nhiệt thành, nỗ lực và ham muốn của mình.
3. Dương Ngọc Tú: Không có con đường phẳng lặng đầy hoa
Tốt nghiệp khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 1996, Dương Ngọc Tú về “đầu quân” cho Viện Hóa học và đến giờ, khi bước vào tuổi 35, anh đã hoàn thành luận án Tiến sĩ và giữ trọng trách Phó Trưởng phòng nghiên cứu Sinh dược – Viện Hóa học và có đến 40 công trình khoa học công bố trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế.
Là con nhà nòi vì bố cũng làm nghiên cứu khoa học, anh được thừa hưởng niềm ham mê khoa học từ hồi cấp 3.
Trên con đường nghiên cứu khoa học của mình, Dương Ngọc Tú ghi tâm tạc dạ câu nói mà bố anh, PGS – TS Dương Anh Tuấn gửi cho: “Trong tương lai con muốn nổi tiếng và được mọi người tôn trọng thì con phải có tri thức, hiểu biết văn hóa, khoa học, hiểu được ngôn ngữ của loài người và trở thành thầy thực sự”.
Hiện Dương Ngọc Tú là cầu nối xúc tiến cho sự hợp tác về ngành Sinh dược hai bên giữa Việt Nam và nước Đức (Anh đã làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Heinrich-Heine- University Duesseldorf – Đức).
Dương Ngọc Tú biết rằng con đường nghiên cứu không phải là con đường phẳng lặng đầy hoa. Mong ước của anh là xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh, có tính liên kết đa ngành để có được những tác phẩm khoa học và công nghệ thực sự có ý nghĩa. Và điều đó đòi hỏi anh phải nỗ lực hết mình.
Cũng như những người cùng thế hệ 1975, Dương Ngọc Tú đang có một cuộc sống hết mình cho khoa học, cho gia đình và với anh, từng phút sống trọn vẹn là cách sống tuyệt vời.
Theo: Bản lĩnh 7X (Đỗ Hợp/TPO).