Ngoài chương trình cử nhân 4 năm, trường còn có cử nhân – thạc sĩ 5 năm rưỡi dành cho người muốn trở thành giảng viên, nghiên cứu khoa học.
Chiều 8/7, PGS.TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, thông tin năm học 2017-2018 nhà trường sẽ đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập sâu rộng với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Mô hình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là tích hợp, linh hoạt và theo tiêu chuẩn CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành).
Nhà trường sẽ đào tạo ba chương trình cử nhân. Thứ nhất là hệcử nhân (4 năm), đào tạo kiến thức nền tảng, cơ sở chuyên môn rộng của ngành học, sinh viên được chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Thứ hai là chương trình tích hợp cử nhân – kỹ sư (5 năm), đào tạo kỹ sư chuyên sâu theo lĩnh vực ứng dụng của ngành học.
Thứ ba là chương trình tích hợp cử nhân – thạc sĩ (5,5 năm), nghiên cứu hàn lâm dành cho người học có nguyện vọng nghề nghiệp là giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phát triển đào tạo chuyên gia kỹ thuật có năng lực thiết kế, nghiên cứu phát triển hệ thống, sản phẩm.
Theo Hiệu phó Trần Văn Tớp, trường cũng chú trọng đào tạo kiến thức liên quan đến kỹ năng mềm và tiếng Anh. Năm học tới Đại học Bách khoa sẽ nâng chuẩn đầu ra từ TOEIC 450 lên 500. Những kỹ năng xã hội khác như làm việc nhóm, thuyết trình sẽ được đưa lên thành môn học có tính bài bản. Tất cả sinh viên Bách khoa sẽ được dạy bơi và kỹ năng bơi là chuẩn đầu ra mới của trường.
Đại học Bách khoa sẽ đưa vào từ khoá K62 năm nay là các chương trình Tài năng – Tiên tiến – Chất lượng cao (ELITECH). Đây là nhóm chương trình được thiết kế dành cho sinh viên xuất sắc với định hướng trở thành chuyên gia giỏi, nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại công nghiệp 4.0 như: Khoa học dữ liệu; Trí tuệ nhân tạo; Robotics; IoT; Điều khiển thông minh; Cảm biến và vi hệ thống…
Sinh viên theo học các chương trình này được học tại các lớp nhỏ, dưới sự hướng dẫn của giảng viên giỏi với nội dung chương trình chuyên sâu và ngoại ngữ nâng cao. Sinh viên được tạo điều kiện sớm tham gia nghiên cứu và làm việc trong các nhóm liên ngành, thực tập giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp ngay trong quá trình học.
Ông Trần Văn Tớp đặc biệt nhấn mạnh năm học tới Đại học Bách khoa sẽ đổi mới chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Học bổng sẽ dành cho sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, nghiên cứu hoặc trong các kỳ thi khoa học. Số này chiếm không nhiều. Phần lớn học bổng còn lại dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo tiêu chí nhà trường đưa ra. Tổng quỹ học bổng trung bình hàng năm 25 tỷ đồng, với hơn 2.500 suất học bổng các loại.
Xét tuyển từ 20 điểm trở lên
Năm 2017, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu. Trường sẽchủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc gồm 56 trường. Phần mềm xét tuyển được xây dựng giống như của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nghĩa thí sinh trong cùng một nguyện vọng được xét bình đẳng như nhau; thí sinh đã trúng nguyện vọng cao thì các nguyện vọng khác không được xem xét nữa.
Theo lãnh đạo nhà trường, chiều 30/7, 56 trường sẽ có mặt tại Bách khoa Hà Nội để làm biên bản trước khi đưa toàn bộ dữ liệu lên Bộ. Ngày 31/7, hội đồng tuyển sinh các trường có trách nhiệm công bố danh sách thí sinh trúng tuyển.
Về phổ điểm cùng tiêu chí chọn lọc của Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhà trường cho biết, phổ điểm trường quan tâm sẽ từ 20-21 trở lên. Ngày 13-14/7, trường sẽ đưa ra ngưỡng điểm đầu vào để thí sinh có thể tham khảo nộp hồ sơ vào các ngành. Thí sinh cần lưu ý, phổ điểm sẽ có sự khác nhau giữa các ngành.
Năm nay trường hợp thí sinh đạt ngưỡng điểm nhiều hơn chỉ tiêu nhóm ngành, thí sinh bằng điểm ở cuối danh sách sẽ được áp dụng hai tiêu chí phụ, có sự thay đổi so với năm ngoái. Thứ nhất, tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển không nhân hệ số, không cộng điểm ưu tiên. Thứ hai, ưu tiên cho những em cùng tiêu chí thứ nhất, nhưng lựa chọn ở nguyện vọng cao hơn.
Theo: (Giáo dục /tuyển sinh VNE)