(hieuhoc_hieuhoc.com) “Bài này rất hay, nói rất đúng với những gì em cảm thấy. Nhiều lần em cũng cố gắng thay đổi nhưng được một thời gian lại trở về lúc đầu, bây giờ em không biết phải thay đổi nó như thế nào, bắt đầu từ đâu. Ban tư vấn cho em lời khuyên với. Em xin cảm ơn nhiều!” - (Bạn Châu Lê Văn Hiến)
Thay đổi suy nghĩ từ thực tế
Muốn thay đổi suy nghĩ của chính mình thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, do chính bản thân mình quyết định ngay từ hiện tại trong thực tế chứ không phải hứa hẹn để ngày mai: “Tôi sẽ phải nên như thế này, tôi sẽ nên là thế kia”. Bởi nếu không suy nghĩ theo thực tế, chạy theo các triết lý được cho là “đúc kết” của các triết giả – triết gia thì e rằng: bạn càng muốn thay đổi sẽ càng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn thêm, trong khi mục tiêu thực tế lại càng khó đạt được.
Ví dụ: Hãy học hỏi để khai sáng cho chính mình, điều này là thiết thực rồi, bạn không việc gì phải triết lý thêm là để “khai sáng cho người khác”, làm sao biết được bạn và người khác – ai sáng hơn ai? Lại nữa, đừng tự đặt bày thêm điều kiện: “Sống là phải có ích lợi cho nhiều người”? – Bạn hãy sống tử tế và đàng hoàng, phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế theo cách mà bạn muốn là ích lợi rồi đó, đâu cần phải hô hào thêm để làm gì, đâu phải cứ nói nhiều về sự hy sinh là bạn sẽ sẵn sàng hy sinh?
Lại nữa, các triết gia cứ yêu cầu bạn phải tìm hiểu: Thế nào là thành công, thế nào là thành đạt, thế nào là hạnh phúc… Với lý do, “con người chỉ có thể bắt đầu hành trình tìm kiếm thành công, thành đạt và hạnh phúc khi đã hiểu rõ được những thứ này là gì”. Nhưng không phải thế, bởi giữa nghe – hiểu – nói và làm luôn có khoảng cách, đó là “thực tế”. Cho nên, bạn không cần phải là con mọt sách, bạn cũng không cần buộc mình phải nghe giảng để hiểu thế nào là thành công, thế nào là thành đạt, thế nào là hạnh phúc… và mong cầu nhờ đó mình sẽ thành tựu, đạt đến thành công và sống trong hạnh phúc vĩnh hằng.
Bởi vì, không phải cứ được hiểu thế nào là thành công thì bạn sẽ thành công, không phải hễ cứ yêu thích thành đạt là sẽ thành đạt và hẳn nhiên, cũng đừng ảo tưởng rằng, nếu ngày ngày bạn thường xuyên được nghe các chuyên gia rao giảng “thế nào là hạnh phúc” là bạn sẽ hạnh phúc. – “Cứ có hoạch định cuộc đời là bạn có thể có một cuộc đời thành công và một cuộc sống hạnh phúc”? Chà, đâu “dễ ăn” thế, và đó là thực tế phải không?
Như vậy, muốn thay đổi thì suy nghĩ và hành động phải được xây dựng từ thực tế và có cái nhìn lý trí về hiện thực từ những quan hệ nhỏ nhất trong gia đình, trường học, công ty, xã hội… Không tự xác lập được hệ thống giá trị cho chính mình, nếu chỉ học theo và nói suông – (xin lỗi), bạn sẽ thành đạo đức giả và tự mình làm khổ mình với cái mớ lý thuyết hổn độn đó.
Quy luật thực tế của thị trường lao động
Một vấn đề khác mà nhiều sinh viên và những bạn trẻ mới đi làm rất quan tâm, đó là vấn đề tiền lương. Ví dụ: “Khi khả năng, năng lực của bạn đáng giá 10 triệu đồng cho 1 tháng lương, nhưng nơi bạn làm việc chỉ trả bạn có 5 triệu; vậy bạn sẽ hành xử thế nào?
Câu trả lời thực tế theo quy luật của thị trường lao động đó là: Xem xét khả năng thật sự của bạn, các mối quan hệ xã hội của bạn và nhu cầu nhân lực của thị trường (có dễ kiếm việc làm hay không) để bạn có hành xử phù hợp.
– Nếu thị trường thoáng, đơn giản là bạn chỉ cần nghỉ việc nếu chủ không tăng lương và tìm nơi khác có điều kiện làm việc tốt hơn, có mức lương cao hơn, đúng không?
– Trong trường hợp kinh tế khó khăn, không dễ gì nhảy việc thì bạn tiếp tục ở lại làm việc tại nơi đó, chờ đợi thời cơ để xin việc nơi khác hoặc bỏ việc đó về làm việc nhà như những người thất nghiệp vẫn thường làm…Chọn cách hành xử như thế nào là tùy vào thực tế hoàn cảnh của từng người, vấn đề là bạn đừng tự làm khổ mình với các triết lý rắc rối, đừng tự “phịa” ra các “kế hoạch giả định” xa rời thực tế. Cuộc sống là thay đổi và bạn muốn đổi thay, thế thì đừng tự trói mình chết cứng vào các định kiến “nên là, phải là…”
Nếu như bạn không thể nhảy việc mà vẫn tiếp tục phải ở lại, thì bạn làm việc với thái độ như thế nào?
– “Khi khả năng, năng lực của bạn đáng giá 10 triệu đồng cho 1 tháng lương, nhưng nơi bạn làm việc chỉ trả bạn có 5 triệu; vậy bạn sẽ hành xử thế nào?
Bạn hoàn toàn có thể chỉ làm ở mức 5 triệu đồng/tháng (họ trả nhiêu đó thì mình làm nhiêu đó thôi). Với thái độ như thế là cũng tốt rồi, chỉ sợ bạn nhận lương 5 triệu mà làm dối trá chỉ theo mức 1 triệu. Còn nữa, bạn cũng phải lượng sức mà làm, dành tâm trí và sức lực để làm thêm việc khác kiếm sống qua ngày nữa chớ, thực tế là vậy đúng không?
Tuy nhiên, có khi bạn cũng phải làm ở mức 10 triệu, 15 triệu đồng/tháng, bạn sẽ phải làm hết sức mình và chấp nhận mức lương 5 triệu. Bạn làm như thế không phải vì để “học cách thương yêu đồng loại”, không phải vì để “hy sinh”, không phải vì để “bảo vệ phẩm giá và uy tín của chính mình”, cũng không phải vì để có “cơ hội thực sự để biết mình là ai”… Đừng tự đặt ra nhiều tiêu chuẩn như thế rồi tự gây áp lực cho mình. Bạn có thấy giả định như vậy là sinh thêm nhiều chuyện rắc rối không, tại sao bạn không đơn giản trả lời một cách thực tế là vì: “Tôi không muốn bị sa thải”?
Còn nếu như bạn thật sự không sợ bị sa thải, bạn có đủ khả năng tài chính để lo cho mình hoặc bạn biết rằng mình sẽ dễ dàng có được công việc ở nơi khác thì…
– Có ai cấm, có ai không cho bạn thể hiện “năng lực 15 triệu” của mình và chứng tỏ điều đó cũng như tìm hiểu chính mình ở nơi người ta trả lương cho bạn 10 triệu đâu? – Cần gì phải ở lại nơi lương thấp, “tự nguyện” chịu đựng như thế? Việc gì bạn phải tự gây khó cho mình khi đặt ra tiêu chuẩn “tôi phải làm quên mình ở mức 15 triệu, nơi mà người ta chỉ trả lương 5 triệu” và đặt ra yêu cầu cho mình như vậy để làm gì, để chứng tỏ cái gì? Vả lại, cho dù ngay cả có làm việc thiện đi chăng nữa, thì đó cũng là sự tự nguyện, bạn chẳng cần chứng tỏ cho ai ai cũng phải thấy mình đang làm việc thiện, đó mới thật sự là việc thiện, không phải vậy sao?
Tóm lại, bạn hãy thay đổi suy nghĩ từ thực tế. Bởi có thể cả đời bạn chỉ tập trung vào một việc gì đó, theo một lý tưởng nào đó mà thôi, nhưng tại sao bạn không thể biết được nên bắt đầu từ đâu và như thế nào? – Đó là vì bạn đang vướng mắc vào cái triết lý không thực tế, cái triết lý khiến bạn luôn để ý tới cái giả định bên ngoài: phải nên là thế này để chứng tỏ…, sẽ phải làm thế kia cho người ta thấy…, chính “cái nên là…” này sẽ khiến bạn ngày càng bị đóng khung, mệt mỏi và bế tắc. Và vì bởi, bạn không thể làm cho ai ai cũng hài lòng!
Thế thì hãy sống thực tế như đang là, bạn nhé, thôi kệ những ngữ nghĩa, những công thức “hoạch định cuộc đời” của các chuyên gia. Chỉ cần sống đàng hoàng như mình tự nhận biết thế nào là tử tế, chỉ cần không làm trái lẽ thường tình, không đánh mất lương tri bản thân; vậy thì cứ theo thực tế đó mà làm. Đừng để ý người khác, bạn không cần phải chứng tỏ “mình thay đổi – đổi thay” gì gì cả, bạn càng cố gắng, càng muốn chứng tỏ mình thay đổi, thì càng không thay đổi được chi. Bởi cái sự “nên là” của các triết gia… ở nơi xa xôi lắm!
Chúc bạn nhiều may mắn.
Tr. Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)