Thay đổi cách tính điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Ðây là một trong tám điểm mới liên quan đến các kỳ thi và tuyển sinh ÐH-CÐ năm 2013 đã được thảo luận kỹ tại hội nghị thi và tuyển sinh ÐH-CÐ do Bộ GD-ÐT tổ chức chiều 22-1.

Trong đó đặt ra những dự kiến giải pháp nhằm siết chặt kỷ luật, xử lý vi phạm.

1. Sẽ thay đổicách tính điểm sàn

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc xác định điểm sàn lâu nay dựa trên số lượng thí sinh dự thi ÐH, tính toán cân đối một lượng dôi dư nhất định thí sinh đạt điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu để giúp các trường tuyển đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách tính này không phù hợp khi số thí sinh trên điểm sàn dư mà các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.

“Bộ đang tính đến phương án thay đổi cách xác định điểm sàn theo phổ điểm từng môn thi, trên cơ sở điểm thi trung bình thí sinh đạt được. Mọi năm hội đồng điểm sàn làm việc nghiêm túc, phân tích cẩn thận nhưng hiệu quả chưa cao. Nếu các trường có sáng kiến về cách tính điểm sàn đơn giản thì nên hiến kế cho bộ, cùng nhau tìm cách xác định điểm sàn phù hợp, để các trường đều chấp nhận và xã hội có điều kiện giám sát” – ông Ga nói.

Ông Ga cũng cho rằng với cách tính điểm sàn này, điểm sàn có thể sẽ thấp hơn bình thường khoảng 1 điểm nhưng sẽ phù hợp với thực tế. “Thay vì điểm sàn khối A năm 2012 là 13 điểm, khối B là 14 điểm thì cách tính điểm sàn dựa theo phổ điểm, mỗi khối sẽ có điểm sàn thấp hơn từ 0,5-1 điểm” – ông Ga công bố.

2. Chấm thanh tra tối thiểu 10% bài thi tự luận

Theo ông Ngô Kim Khôi – cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, năm 2012 Bộ GD-ÐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận và đã tổ chức chấm 1.405 bài thi các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý của một số trường, phát hiện công tác chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm hai vòng độc lập theo quy định. Theo đó, giải pháp đầu tiên để khắc phục hạn chế, yếu kém bộ đặt ra cho kỳ thi tuyển sinh 2013 là bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc hội đồng tuyển sinh trường, có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn tự luận. Ðồng thời, bộ thành lập hội đồng chấm thẩm định và tổ chức thẩm định bài thi tự luận, công bố công khai kết quả chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định là kết quả cuối cùng của thí sinh.

Ngoài kỳ thi tuyển sinh CÐ, ÐH, theo dự kiến của Bộ GD-ÐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, bên cạnh quy định chấm chung bài thi tại các hội đồng chấm thi để thống nhất phương án chấm thi, chấm thanh tra trong quá trình chấm thi, Bộ GD-ÐT sẽ bổ sung quy định chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi môn tự luận và Bộ GD-ÐT sẽ tổ chức hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận khẳng định năm 2013 sẽ công bố kết quả chấm thẩm định bài thi của các tỉnh, thành để xã hội cùng theo dõi, giám sát và gây áp lực cho những địa phương làm sai.

3. Rút ngắn thời hạn xét tuyển

Thay vì thời hạn kết thúc xét tuyển vào ngày 30-11 như năm 2012, mùa tuyển sinh năm 2013 Bộ GD-ÐT xác định thời hạn kết thúc xét tuyển vào ngày 30-10. Theo lãnh đạo các trường, đây là một thay đổi quan trọng, phù hợp với thực tế khi việc kéo dài thời gian xét tuyển không giúp gì được cho các trường trong việc tuyển thêm thí sinh. Mặt khác, nhiều trường công lập tận dụng quy chế này cộng với việc cho phép điểm xét tuyển đợt sau thấp hơn đợt trước để vơ vét thí sinh, lấy mất nguồn tuyển của nhiều trường khác.

Ngoài ra, bộ cũng tiếp tục giao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT, giao chủ động cho các trường ÐH-CÐ trong công tác xét tuyển với nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt kéo dài ít nhất 20 ngày.

4. Tăng cường giám sát tiêu cực, cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi

Thay vì một quy định được ban hành sát kỳ thi, việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi được đưa vào quy chế tuyển sinh CÐ, ÐH 2013. Ông Ngô Kim Khôi nhấn mạnh thiết bị được mang vào phòng thi là thiết bị có chức năng ghi thông tin nhưng không truyền thông tin ra ngoài phòng thi, không cho phép người sử dụng xem hình ảnh, nghe, đọc thông tin trực tiếp.

5. 10 trường khối văn hóa – nghệ thuật có phương án tuyển sinh riêng

Theo quy định của Bộ GD-ÐT, các trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch phê duyệt trước ngày 31-1-2013 và báo cáo Bộ GD-ÐT.

6. Bổ sung chính sách ưu tiên đối với thí sinh

Bộ GD-ÐT quyết định bổ sung việc tuyển thẳng vào ÐH-CÐ đối với học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT. Bộ cũng cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại ba khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ÐT 1,0 điểm và phải học dự bị sáu tháng. Với học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên – tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển – tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị một năm.

7. Liên thông chính quy thi chung với ĐH chính quy

Theo quy định của bộ, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CÐ, ÐH phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CÐ, ÐH chính quy.

8. Bổ sung chế tài xử lý chủ tịch hội đồng tuyển sinh mắc sai phạm

Bộ cũng công bố bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những cá nhân, đơn vị liên quan nếu để sai sót, không đúng quy định trong công tác chấm thi.

____________________________

Băn khoăn về dự kiến tính điểm sàn

Theo ông Trần Trung – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, báo cáo của bộ cho thấy năm 2012 tất cả các trường chỉ tuyển được 83% chỉ tiêu, thiếu đến 17% chỉ tiêu cũng là do cách tính điểm sàn chưa phù hợp. “Rất khó cho các trường tỉnh lẻ khi áp dụng chung một điểm sàn với trường ở thành phố nhiều điều kiện hơn, hấp dẫn thí sinh hơn. Chưa kể, nhiều trường trọng điểm không còn giữ được hai chữ “trọng điểm” khi tuyển sinh điểm rất thấp, lấy hết thí sinh của trường khác về mình” – ông Trung nhấn mạnh. Cùng quan điểm này, nhiều trường cho rằng bộ nên xác định điểm sàn theo từng khu vực. Đại diện một trường ĐH phía Nam cho rằng điểm sàn rất cần thiết để bảo đảm chất lượng, nhưng cần linh hoạt theo từng nhóm: nhóm trường ĐH tốp trên, tốp trung và tốp dưới: “Nhiều trường tốp trên mà lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thuyền lớn mà vào tận bờ để bắt tôm bắt tép”.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho biết theo báo cáo của Bộ GD-ĐT: bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Vậy thí sinh đi đâu? Điều đó chứng tỏ hoặc điểm sàn quá cao hoặc chỉ tiêu quá cao. Điểm sàn cao thì vô lý, vì nếu thí sinh không đậu ĐH, CĐ thì phải vào TCCN nhưng thực tế cả ba bậc học đều tuyển không đủ. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các trường xác định chỉ tiêu cao quá. Các trường phải tự điều chỉnh lại. Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, xác định điểm sàn theo điểm bình quân ba môn thi. Thống kê của những năm trước điểm bình quân ba môn thi của từng khối thi sẽ thấp hơn các mức điểm sàn đang xác định. Liệu điều này có ảnh hưởng phân luồng học sinh hay không? Hiện nay mức điểm sàn cao hơn điểm bình quân ba môn thi mà hệ TCCN không tuyển đủ nếu xác định điểm sàn ba môn thi chắc chắn sẽ thấp hơn. Điều này có tác động đến tuyển sinh TCCN không? Cần xác định điểm bình quân ba môn thì phải tính tổng điểm ba môn của một thí sinh mới chính xác.

Còn TS Nguyễn Văn Phúc – hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Miền Đông – trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về vấn đề này cũng cho rằng điểm sàn nên có hai mức khác nhau: “Các ĐHQG, ĐH trọng điểm phải xác định mức điểm sàn cao, còn các trường ĐH còn lại có mức điểm sàn khác. Để thực hiện việc này, đề thi phải thiết kế gồm có tính phân loại thí sinh cao: 50-60% học sinh trung bình làm được, 20% dành cho học sinh khá và 10% dành cho học sinh giỏi. Nếu thực hiện tốt điều này, việc xác định điểm sàn theo hai mức nêu trên sẽ thuận lợi hơn”.

N.HÀ – T.HUỲNH (TTO)

Cùng chuyên mục