Thanh niên gốc Việt nhận Huy chương của Nữ hoàng Anh

Một thanh niên Việt Nam ở Canada dùng sức mạnh của internet để thay đổi sự kỳ thị và những thành kiến xưa nay đối với cộng đồng nơi anh sinh sống.

Những cống hiến không mệt mỏi cho các hoạt động xã hội của chàng trai sinh năm 1980, Paul Nguyễn, đã mang về cho anh rất nhiều vinh dự và giải thưởng danh tiếng từ chính tay các nhà lãnh đạo cao cấp của Canada trao tặng, và gần đây nhất là Huy chương Kim khánh bội tinh Kim Cương của Nữ hoàng Anh Elizabeth II năm 2012, vinh danh các công dân Canada có công đóng góp cho đất nước.

Paul Nguyễn (giữa).

Lớn lên ở vùng Jane-Finch thuộc Toronto, Canada, một địa bàn khét tiếng có nhiều tội phạm với đa số cư dân nghèo khó ở đáy xã hội, năm 2004 Paul quyết định mở trang web Jane-Finch.com để xóa tan các định kiến không hay về khu vực anh cư trú. Paul biên tập nội dung trang web, làm ra các bản tin và phóng sự radio-video phản ánh những nét đẹp trong cộng đồng, đăng lên web, và hướng dẫn cho các cộng tác viên trẻ khác trong nhóm cùng làm. Chẳng bao lâu, kênh thông tin Jane-Finch.com cùng chủ nhân của nó đã thành công, nổi tiếng khắp đất nước Canada.

Anh mở đầu: “Tôi sinh ra ở Toronto, Canada, sống trong vùng Jane-Finch. Ba mẹ tôi vượt biển tới Canada năm 1979. Tôi được sinh ra ở Canada vào năm 1980. Hiện tôi đang làm việc cho chính phủ. Trang web Jane-Finch.com do tôi thành lập là một dự án cá nhân, phi lợi nhuận. Tôi dành thời gian cho nó nhiều hơn cho công việc mưu sinh của tôi hằng ngày vì tôi yêu thích việc làm xã hội này.

Hiện trang web của Paul có bao nhiêu cộng sự viên tham gia?

– Hiện chúng tôi có 6 cộng sự viên lâu năm. Nhiệm vụ chính của tôi là coi sóc bảo đảm cho nội dung trang web càng khách quan càng tốt vì tôi muốn đây là một kênh thông tin có uy tín.

Đây là việc làm tự nguyện, nhưng các bạn có nguồn quỹ nào hỗ trợ để vận hành trang web không?

– Trang web của tôi không nhận bất kỳ nguồn quỹ nào tài trợ. Có nhiều cơ hội có quỹ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi nhận tài trợ chúng tôi dễ bị ràng buộc, bị chi phối, hay bị điều khiển. Chúng tôi cố gắng vận hành một trang thông tin độc lập, khách quan. Đã 8 năm nay kể từ ngày ra mắt, trang web của tôi hoàn toàn vận hành dựa trên các nỗ lực tình nguyện. Các bạn trẻ tham gia vì họ thật sự quan tâm đến cộng đồng và muốn đóng góp cho xã hội. Chúng tôi có những thành viên cộng tác rất lâu dài. Đa số các cộng tác viên xuất thân từ những khán-thính hay độc giả của trang web. Họ là những người trẻ, đa phần là học sinh hay sinh viên.

Từ kinh nghiệm nào hay động lực nào mà bạn quyết định thành lập trang web này?

– Động lực chính khiến tôi thành lập trang này năm 2004 là vì tôi sống trong vùng Jane-Finch, một cộng đồng nhỏ ở phía Bắc Toronto, nổi danh là một địa bàn phức tạp nhiều tai tiếng ở Canada. Có lẽ đây là một trong những vùng tồi tệ nhất của Canada, qua những gì thường thấy phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là khu vực đa văn hóa, đủ mọi sắc tộc, khét tiếng về các hoạt động tội phạm như tình trạng bạo lực và súng ống. Cư dân ở đây như tôi tự nhiên trong đầu có ngay suy nghĩ là mọi người bên ngoài không nghĩ tốt về chúng tôi. Sinh ra, lớn lên ở đây và chứng kiến thực trạng này, tôi muốn thay đổi những hình ảnh đó. Và tôi đã tạo ra trang web Jane-Finch.com để cho mọi người thấy một hình ảnh khác của khu vực Jane-Finch, rằng vùng này không phải chỉ có những điều tồi tệ, tiêu cực mà thật ra có rất nhiều cái hay, cái đẹp ở đây.

Vùng Jane-Finch có nhiều người Việt sinh sống không?

– Một trong những lý do mà ba mẹ tôi dọn tới đây là vì khu vực này giá nhà rẻ và rất đông người Việt sinh sống. Đây là một vùng đất nghèo và có nhiều vấn đề xã hội.

Bằng cách nào trang web của bạn trở nên thành công như thế?

– Thành công của trang Jane-Finch.com có liên hệ rất nhiều tới đoạn nhạc video do tôi đạo diễn và sản xuất cách đây nhiều năm nhan đề “You Got Beef” với phần trình bày của ca sĩ nhạc rap người Việt tên là Chuckie. Đoạn video nhạc rap này được nhiều người xem và biết đến trước khi xuất hiện các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, hay Twitter. Một đài tin tức ở Canada có bản tin về sự kiện này phát sóng trên toàn quốc. Và sau đó, trang web của tôi được nhiều người ghé thăm và càng lúc càng nhiều người biết đến.

Chuyên phản ảnh những mặt tốt trong cộng đồng, làm thế nào trang thông tin này có thể giữ được tính cân bằng và không thiên lệch?

– Các tình nguyện viên của Jane-Finch.com cố gắng tập trung phản ánh những nét đẹp, điều hay của vùng Jane-Finch, nhưng chúng tôi không muốn trở thành một công cụ tuyên truyền vì như vậy chúng tôi sẽ đánh mất uy tín của mình. Cho nên, chúng tôi phản ánh mọi thứ diễn ra ở đây nhưng tập trung nhấn mạnh tới những nét tích cực của vùng Jane-Finch, vì báo chí ít nói về những điểm này.

Động lực nào thúc đẩy bạn trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực, dấn thân cho các công việc cộng đồng dù bạn đang có một việc làm toàn thời gian với chính phủ?

– Mọi việc khởi sự từ những việc rất nhỏ, từ việc tôi và một nhóm bạn muốn cùng chia sẻ công việc và quan điểm. Sau khi trang web được trình làng, nhìn vào ảnh hưởng và sức mạnh của nó (chẳng hạn như một số người đã tìm tới tôi và nói rằng tôi đã thay đổi cuộc sống của họ hay cách nhìn của họ về vùng này), tôi nhận ra rằng trang web Jane-Finch.com có thể là một công cụ rất hữu ích. Và chúng tôi quyết định đại diện cho cộng đồng cư dân ở đây vận động cho website này thành một công cụ để truyền tải thông điệp của chúng tôi ra bên ngoài.

Là một nhà hoạt động xã hội thành công với nhiều giải thưởng vinh danh, bài học lớn nhất mà bạn học được cho mình là gì?

– Tôi nhận ra rằng hoạt động tích cực trong cộng đồng không phải là con đường lúc nào cũng bằng phẳng. Trong quá khứ, chúng tôi đã gặp một số phản kháng từ một số đảng phái khác nhau vì họ không đồng tình với những gì chúng tôi làm. Họ chỉ trích và tạo ra rất nhiều trở ngại để trấn áp tiếng nói của chúng tôi.

Bạn nhiều lần được vinh danh cũng như nhận được rất nhiều giải thưởng khác nhau vì những cống hiến dành cho xã hội. Những giải thưởng đó có ý nghĩa thế nào với bạn?

– Những sự ghi nhận mà chúng tôi nhận được cho trang web Jane-Finch.com quả thật rất lớn lao và tôi vô cùng cảm kích điều đó. Những sự ghi nhận này chứng tỏ công việc chúng tôi làm có tác dụng, và đồng thời cũng tiếp sức thêm cho chúng tôi tiếp tục công việc của mình.

Là một nhà hoạt động tích cực, bạn nghĩ thế nào về vai trò của người trẻ trong việc dấn thân cho các công tác xã hội cũng như vai trò đóng góp của người trẻ đối với xã hội?

– Tại Canada này, tất cả các học sinh trung học đều phải trải qua 40 giờ làm việc cộng đồng. Nhưng theo tôi, người trẻ cần phải làm hơn số thời gian bắt buộc này. Đóng góp sức mình cho cộng đồng mang lại cho người trẻ rất nhiều lợi ích. Bạn sẽ trưởng thành rất nhiều, được mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết của bản thân từ việc gặp gỡ và tiếp xúc với những người kém may mắn hơn mình.

Câu chuyện thành công của bạn mang thông điệp gì đến với giới trẻ người Việt ở khắp nơi?

– Nếu bạn muốn tham gia công tác xã hội nhưng cảm thấy không có đủ thời gian, tiền bạc, hay nguồn lực để thực hiện mong muốn đó, đừng lấy đó làm cớ để thoái lui. Bạn có thể nghĩ ra một điều gì đó đơn giản thôi như trang web Jane-Finch.com của tôi chẳng hạn. Tôi xuất thân từ một vùng rất nghèo, tôi không có được những món đồ chơi xa xỉ hay các nguồn lực cần thiết khác, nhưng tôi đã tự xoay sở để có thể làm một điều gì đó cho những người xung quanh mình. Tôi đã tận dụng sức mạnh của internet để vươn tới mọi người. Một thanh niên nghèo sinh trưởng từ một khu vực có nhiều vấn đề như tôi có thể được nhiều người biết đến như vậy chứng tỏ tất cả các bạn đều có thể làm một điều gì đó cho xã hội, miễn là các bạn đặt tim óc của mình vào đấy.

Paul có dự định gì sắp tới cho trang web Jane-Finch.com hay cho các hoạt động xã hội của mình?

– Tôi dự định lập ra một trang web xã hội tương tự như trang Jane-Finch.com nhưng tập trung nói về giới trẻ Việt Nam tại Canada, giới thiệu về văn hóa, truyền thống của người Việt, nhằm giúp không chỉ các bạn trẻ Việt ở đây mà cả giới trẻ thuộc các sắc tộc khác học hỏi, tìm hiểu thêm về văn hóa của người Việt.

Nguồn: dân trí

Bài liên quan

Nữ sinh Việt đạt hai giải nhất tiếng Nga

  Một sinh viên Việt Nam làm quen với tiếng Nga chưa lâu nhưng xuất sắc vượt qua sinh viên đến từ 50 quốc gia trên thế giới để giành giải nhất trong Festival tiếng Nga năm 2012 tại thành phố Voronhez

" Cao thủ tiếng Nga " háo hức trước ngày du học

  “Tiếng Nga dù khó nhưng càng học em càng thấy hấp dẫn, hiểu thêm nhiều điều lý thú về lịch sử, văn hóa, con người Nga…”- chủ nhân giải Nhất Olympic tiếng Nga Võ Đức Anh (lớp 12 C6, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ trước khi sang Nga du học.      

Một học sinh Việt được tặng bằng khen tại Australia

    Chiều 23/2, tại Trụ sở Quốc hội bang New South Wales, Thái Minh Thùy, du học sinh Việt Nam tại Australia, đã vinh dự được Thống đốc bang New South Wales Marie Bashir AC trao bằng khen và giải thưởng trị giá 1.000 AUD nhờ thành tích đạt điểm số xuất sắc nhất trong số các học sinh quốc tế tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2011.    

Ước mơ nhỏ của cậu học trò mồ côi học giỏi

Mồ côi cha lẫn mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng bản thân Nguyễn Tấn Lâm học sinh lớp 6B, trường THCS Đồng Khởi (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), đã vượt qua nhiều thử thách, đạt danh hiệu học sinh giỏi 5 năm liền.

Cùng chuyên mục