Thành công nhờ… lười?!

(Hiếu học). Tôi tự nhận mình là kẻ lười cực kỳ. Tôi thích làm việc, nhưng không thích nặng nhọc Để có được thành công, điều quan trọng nhất với tôi là biết hài lòng, biết đủ, biết lười một chút….

Việc kinh doanh bận rộn đến mức khiến bạn phát điên? Jason Fried, nhà đồng sáng lập 37signals, cho rằng chìa khóa thành công là đôi khi phải để cho mình lười một chút.

Thông thường, chúng ta nghe nói rằng tham vọng thì tốt để thăng tiến nhưng lười nhác thì hoàn toàn là có hại và khiến công việc bê trễ. Nhưng, cá nhân tôi thấy lười nhác đóng góp nhiều cho thành công hiện tại của mình. Thói “lười nhác” đã đem lại tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI cao nhất trong kinh doanh.

Tôi tự nhận mình là kẻ lười cực kỳ. Để có được thành công, điều quan trọng nhất với tôi là biết hài lòng, biết đủ, biết lười một chút… Chúng ta thường hay tham vọng quá nhiều và nếu không đạt được lại nghĩ mình đang thất bại. Tôi thì cảm nhận thành công có hơi khác. Tôi chẳng nhăn nhó bao giờ, ngay cả lúc công việc khó khăn. Tôi luôn nhìn công việc như một trò chơi và tìm thấy những ý tưởng mới, sự thú vị mới trong trò chơi ấy.

Để tôi chia sẻ với các bạn câu chuyện lập nghiệp của mình…

Năm 1996, tôi cho ra mắt doanh nghiệp thiết kế web đầu tiên có tên Spinfree. Thời gian đầu, công ty chỉ có một mình tôi và vài kỹ năng thiết kế web tự học. Nhưng đó cũng là tất cả những gì tôi cần: có việc, có khách, làm bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Tôi kiếm đủ tiền trả hóa đơn, trích ra một ít dành dụm… Tuy nhiên, tôi bắt đầu thấy lo ngại. Công việc kinh doanh càng phát triển, tôi càng gặp nhiều áp lực phải đẩy doanh nghiệp lên tầm cao mới. Bao nhiêu thành tựu cũng chưa đủ, tôi cảm thấy mình chưa tiến chưa nhanh như mong đợi.

Vây là tôi cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh, chiến đấu giành hợp đồng thiết kế web lớn. Khi giao dịch thì dùng từ “chúng tôi” thay vì “tôi” để tạo vẻ lớn mạnh cho công ty. Những bài tự giới thiệu của đối thủ dài và ấn tượng bao nhiêu, thì của Spinfree phải dài hơn, ấn tượng hơn. Tôi thậm chí còn nói tục trong cuộc cạnh tranh, chửi thề những người tôi chưa bao giờ gặp. Thật xấu xa.

Sau này, tôi mới phát hiện mình không cần phải làm như vậy. Với hành động và lối cư xử như vậy, tôi chỉ chuốc thêm rắc rối và khiến mọi việc khó khăn hơn.

Khi căng thẳng đến cực độ, tôi mệt mỏi rã rời và suy ngẫm về chính mình. Tôi thích làm việc, nhưng không thích nặng nhọc.

Thế nào là làm việc nặng nhọc?

Là trở thành một người khác với bản chất của mình. Là tự giới thiệu hoa mỹ về những điều mình không tin. Là cạnh tranh dơ bẩn. Những việc đó là nặng nhọc, và thật kinh khủng nếu phải tiếp diễn nó.

Xác định rõ ràng điều đó, tôi bắt đầu… “Lười”!. Tôi viết bài tự giới thiệu ngắn gọn, súc tích. Thay vì mãi lo nghĩ đến đối thủ cạnh tranh, tôi phớt lờ họ. Kết quả là công việc tiến triển. Đêm, tôi ngủ say và sáng thì thức dậy sảng khoái hơn. Tôi thấy hạnh phúc, và quan trọng nhất, thấy việc kinh doanh dễ dàng, thoải mái hơn.

15 năm sau khi lập nghiệp lần đầu tiên, đó vẫn là bài học quan trọng nhất tôi có được với tư cách một doanh nhân. Hầu hết những quằn quại, đau đớn, khổ sở đều chẳng có nghĩa lý gì. Sự thật là mọi việc rất đơn giản và rõ ràng. Chính bạn làm cho mọi thứ phức tạp và khó khăn hơn.

“Lười” là kim chỉ nam chúng tôi hướng đến khi thành lập 37signals năm 1999. Mục tiêu là tạo phần mềm ứng dụng web đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ hay nhóm bạn, chúng tôi có 16 nhân viên đáp ứng yêu cầu của hàng triệu người sử dụng. Chúng tôi không cố tỏ ra mình lớn hơn hay nhỏ hơn. Chúng tôi là chính mình. Không lo lắng đối thủ đang có những chiêu bài gì. Không mất thời gian lập kế hoạch 5 năm hay tiên đoán thị trường tương lai. Chúng tôi tạo ra những phần mềm chứ không rước rắc rối.

Hầu hết doanh nhân trẻ mà tôi tiếp xúc đều bất an, lo lắng, không chắc chắn. Thương trường như chiến trường. Cạnh tranh rất khốc liệt, nếu không phát triển nhanh chóng thì sẽ bị loại thải. Nếu không đủ sức cạnh tranh thì sẽ bị nghiền nát. Nếu không có kế hoạch dài hạn thì sẽ quơ quào trong bóng tối…

Với những ai thường có suy nghĩ tiêu cực như vậy, tôi nói: “Thôi nào, kinh doanh không phải là vực thẳm thảm hại đến mức đó”. Thay vì mãi lo lắng cho tương lai, hãy tìm hiểu những vấn đề hiện tại. Hôm nay, khách hàng có hài lòng với sản phẩm công ty cung cấp? Hôm nay, có nhiều khách hàng giới thiệu công ty mình cho bạn bè và người thân của họ? Khách hàng tiềm năng có thấy điều họ cần trong website của mình? Nhân viên có yêu thích công việc? Hãy thành thật với chính mình.

Tôi không nói bạn hãy đừng suy tính gì cho tương lai, tôi chỉ nói bạn đừng quá ép mình. “Hãy “lười” chút đi!, để thành công…

Theo:Thành công nhờ làm biếng?! (Doanh Nhân Sài Gòn).

Bài liên quan

Những tính cách đưa đến thành công.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Đâu là yếu tố then chốt đưa đến thành công cho người kinh doanh và các chuyên ngành khác? Một người muốn thành công cần có những tính cách gì? Tại sao có nhiều sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đều học giỏi, nhưng khi vào đời lại không đuổi kịp cuộc sống, không có đầu óc thực tiển? 

Sợ hãi - sai lầm - thất bại.

(Hiêu học). Tất cả mọi người đều có lúc phạm sai lầm, thất bại. Có thể sự thất bại sẽ giúp ta thoát khỏi những ảo vọng để quay về với thực tại, thất bại chứng minh cho ta thấy những hạn chế của mình. Nhất là sau đó giúp ta rút ra những bài học từ sự thất bại, giúp ta dừng lại để phân tích nguyên nhân của sai lầm.  

Các doanh nhân làm gì để phòng stress?

Theo cách nói hàng ngày, stress là một khái niệm mơ hồ, đôi khi chỉ nguyên nhân, đôi khi chỉ đáp ứng cơ thể (tôi bị stress). Tuy nhiên theo các nhà y học, stress thường để ám chỉ những dạng căng thẳng hoặc áp lực mà ai đó phải chịu đựng. Nếu bị quá nhiều áp lực thì đối tượng sẽ không chịu nổi hoặc bị ảnh hưởng bất lợi.

Muốn làm chủ, đừng sợ thất bại!

Một trong những lý do mà nhiều người không thể trở thành những chủ doanh nghiệp đó là bởi vì họ sợ thất bại. Họ sợ mắc sai lầm. Họ sợ thâm hụt hầu bao. Nhưng nếu con người ta không thể vượt qua những sợ hãi tâm lý kể trên, tốt hơn hết họ nên hài lòng với công việc hiện tại.

Cùng chuyên mục