Nếu như ở nước ngoài, tham vấn tâm lý (TVTL) đã khẳng định được vai trò cần thiết thì ở Việt Nam, đây lại là nghề còn hết sức non trẻ. Nhưng những ai thực sự quan tâm đến ngành tâm lý đừng bỏ lỡ cơ hội!
Nhân viên TVTL luôn được đón chờ
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Đức – Khoa Tâm lý, ĐH KHXHNV Hà Nội, trong khoảng vài chục năm tới, nhu cầu về nhân viên TVTL luôn trong tình trạng “nóng”. Bà cho biết: “Tham vấn tâm lý là một trào lưu xã hội và ở những nước công nghiệp có nhịp sống và làm việc căng thẳng dễ gây stress, nghề này luôn được chú trọng. Ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, người dân đã bắt đầu quen với các hoạt động TVTL”.
Điều này có thể lý giải trên hai khía cạnh: sự xuất hiện của các trung tâm TVTL và sự “dễ dãi” trong tuyển dụng nhân viên TVTL.
Ngay tại Hà Nội, các trung tâm TVTL cũng tương đối nhiều như: An Việt Sơn, Viện tâm lý, CPEC, Mạng lưới hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp… Bên cạnh đó phải kể đến một loạt chương trình TVTL miễn phí như “Cửa sổ tình yêu” trên Đài Tiếng nói VN, mục Tâm sự của tạp chí Hạnh phúc gia đình, chương trình tư vấn qua tổng đài 1080,…
Chính sự bùng nổ của các trung tâm TVTL đã đòi hỏi một lượng lớn đội ngũ người làm nghề. Do vậy không chỉ những người học các chuyên ngành tâm lý mới có thể làm tham vấn. Chỉ cần học một số các khóa học kỹ năng cơ bản về khai thác thông tin, tiếp cận đối tượng và có hiểu biết đôi chút về tâm lý, họ đã có thể hành nghề. Thậm chí một số trung tâm còn tuyển cả những nhân viên chưa tốt nghiệp đại học.
Thu Hạnh mới học năm thứ 2 Khoa báo chí đã đi làm tham vấn qua điện thoại: “Công việc của tôi là nghe tâm sự của các em nhỏ, tùy vào từng tình huống, tự tôi cũng đã đưa ra những lời khuyên”.
Tuy nhiên, những người tốt nghiệp ngành tâm lý bao giờ cũng có ưu thế hơn hẳn. Với lợi thế về kiến thức tâm lý học lâm sàng họ dễ dàng tìm được công việc ở những trung tâm trợ giúp chuyên sâu. Kiều Diễm, cử nhân tâm lý mới ra trường, đã có ngay việc làm tại Phòng tư vấn tâm lý chuyên biệt về HIV. “Kiến thức về tâm lý học lâm sàng giúp ích rất nhiều trong công việc tham vấn của mình”, Diễm tâm sự.
Tính chuyên nghiệp chưa cao
Về đào tạo, bộ môn TVTL mới chỉ được giảng dạy như một môn học chung. Nó chưa được coi như một chuyên ngành sâu. Sinh viên chỉ học môn này trong khoảng từ 2-6 đơn vị học trình, việc thực hành còn rất sơ sài. Do vậy tính chuyên nghiệp của những người làm tham vấn chưa cao.
Phần nhiều những người làm tham vấn thường đưa ra những lời khuyên với khách hàng dựa trên sự nhìn nhận vấn đề của mình, đôi khi mang tính áp đặt. Điều này sẽ dẫn đến việc khách hàng bị lệ thuộc, trong khi nhà tham vấn lại không chịu trách nhiệm về lời khuyên của mình. Vì vậy vấn đề đạo đức nghề nghiệp rất được coi trọng trong lĩnh vực này. Tại một số nước phương tây, muốn hành nghề tham vấn phải có bằng hành nghề cấp quốc gia do hội đồng nghề tham vấn sát hạch.
Ở Việt Nam, hoạt động tham vấn chưa thực sự được kiểm soát. Không kể đến các trung tâm tư vấn miễn phí thường được tài trợ, rất nhiều trung tâm tham vấn thu phí hoạt động theo phương thức câu giờ của khách hàng. Hồng Anh, tốt nghiệp khoa tâm lý ĐH KHXHNV hiện đang làm tham vấn qua điện thoại của một trung tâm cho biết: “Một phút nói chuyện với khách hàng mình được trả 100 đồng. Vì vậy càng nói chuyện lâu càng tốt”.
Để có thể có sự phát triển vững chắc, yêu cầu đặt ra với hoạt động tham vấn là phải xây dựng được một hệ thống pháp lý và một quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. PGS.TS Trần Thị Minh Đức cho biết sắp tới sẽ tiến hành thành lập hiệp hội tham vấn chuyên nghiệp. Khi hiệp hội này đi vào hoạt động, nghề tham vấn ở Việt Nam sẽ có một bước tiến lớn và những người làm tham vấn sẽ có chỗ dựa vững chắc để yên tâm hành nghề.
– Chuyên ngành tâm lý được đào tạo tại ĐH KHXHNV HN và TPHCM, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Lạt…
– Mức lương trung bình của nhân viên tham vấn từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.
– Trước nhu cầu hiện nay, không nhất thiết phải tốt nghiệp khoa tâm lý. Nếu có khả năng trò chuyện, nắm bắt thông tin và hiểu biết tâm lý, bạn hoàn toàn có thể trở thành nhân viên TVTL
Theo LaoDong