(hieuhoc_hieuhoc.com): Bạn thi rớt Đại học (ĐH)? Không vào được trường bạn thi nhưng bạn vẫn còn cơ hội học nguyện vọng 2 ở trường ĐH hay cao đẳng khác. Nhưng với một học sinh mang tiếng khá giỏi, bạn có chấp nhận học trường “loại 2” như vậy không?
Ta là học sinh giỏi!
Nhiều học sinh khá giỏi ở các trường phổ thông đến mùa tuyển sinh hay có chung quan điểm: “Đã thi thì phải đậu cao, thà rớt trường cao còn hơn đậu trường thấp”. Và dĩ nhiên khi cầm bút đăng ký thi ĐH, họ luôn chọn cho mình những trường danh giá nhất, thường là những trường ĐH trong khối ĐH Quốc gia và chọn những ngành có điểm tuyển sinh hằng năm cao chót vót. Trong suy nghĩ của nhiều học sinh khá giỏi, nếu là học sinh giỏi ban A thì đậu ĐH nhất quyết phải là Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Ngân hàng, ban B phải là Y Dược, ban D thì phải Quan hệ Quốc tế hay Ngoại thương còn ban C phải là Nhân văn, Báo chí Tuyên truyền thì mới xứng tầm đẳng cấp.
Tuy nhiên
Trong khi nhiều học sinh bình thường dễ dàng vượt vũ môn ĐH nhờ chuyên tâm ôn luyện cùng với lựa chọn một ngành học phù hợp sở thích và trình độ của mình nhiều học sinh giỏi hơn lại rớt không phải vì ham chơi quên học mà chỉ vì điểm thi của mình đã cao nhưng điểm tuyển còn cao hơn thế nữa. Rớt ĐH với số điểm cao hơn nhiều bạn học cùng lớp, những học sinh này có thể dễ dàng tìm được vị trí cho mình ở các ngành học cùng khối trong các trường khác. Đứng trước sự lực chọn dễ dàng như vậy nhưng nhiều học sinh trong số đó vẫn tỏ ra coi thường, không muốn theo học những trường ít danh tiếng hơn vì …
Đam mê hay “chảnh”
Có nhiều tấm gương thời nay về sự nhẫn nại học tập đeo đuổi đam mê như những thí sinh ôn luyện 4, 5 năm trời để đậu vào trường Y. Những tấm gương đó rất đáng khen về tinh thần học tập bền bỉ, không đầu hàng khó khăn để thực hiện hoài bão của mình. Nhưng nhiều học sinh ngày nay thi ĐH không chỉ với ước mơ là trở thành một kỹ sư giỏi, một bác sĩ tốt mà là vì một số lý do khác. Có thể là vì anh chị trong nhà đều là sinh viên Bách Khoa hay cha mẹ là bác sĩ nên ta buộc phải theo nghề bốc thuốc. Họ coi đó là hoài bão của mình mà bỏ quên những ngành học phù hợp hơn với năng khiếu bản thân. Đối với một số học sinh khá giỏi, học trường có điểm tuyển không cao bằng bè bạn là không thể chấp nhận. Để rồi lựa chọn cuối cùng là nguyện vọng 2 hay hệ cao đẳng của trường danh tiếng, chấp nhận ngành học trái sở trường, từ bỏ đam mê đích thực của mình.
Hậu quả
Nhiều sinh viên trong những ngôi trường danh tiếng, khi nhập học ngẩng cao đầu, nhưng học hết năm 2 thì mới nhận ra đây không phải là môi trường phù hợp để mình phát triển. Chương trình học không phù hợp sở thích làm nhiều sinh viên học trái ngành đâm ra chán nản. Một số lao vao ăn chơi, bỏ bê học hành, trở thành những sinh viên cá biệt mà quên rằng trước kia họ là một trong những học sinh ưu tú nhiều triển vọng ở phổ thông. Một số khác khá hơn, thi lại ĐH và chọn đúng ngành mình thích. Dẫu trễ vài năm nhưng các bạn đã nhận ra đâu mới là con đường đích thực cho mình. Thế mới biết cho dù giỏi đến đâu mà học hay làm trái sở trường cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Hãy sáng suốt trong con đường của mình
Đi đúng con đường quyết định rất nhiều thành công của con người. Hiếu Học không khuyến khích các bạn từ bỏ những lựa chọn danh giá, chỉ mong mọi người sáng suốt trong lựa chọn của mình. Nếu các bạn thật sự có một hoài bão lớn, một đam mê thật sự, hãy luôn vững bước trên con đường của mình. Nhưng con đường dẫn đến thành công không chỉ có một, có thể thành công của bạn không khởi đầu bằng một ĐH có điểm tuyển thật cao. Hãy lực chọn theo khả năng và sở thích của mình, đừng vì danh tiếng nhất thời mà đánh mất cả ước mơ phía trước bạn nhé.
Minh Đức