Thà chết chứ không nhượng bộ!

(hieuhoc_hieuhoc): Tự cho mình là hoàn toàn đúng, thà chết chứ không nhượng bộ!Luôn tin tưởng vào sự khôn ngoan của mình nhưng… Bạn cố gắng chứng minh mình đúng để làm gì? Đó có phải thật sự là bản lãnh, là tự tin?

“Cuộc sống hiện tại chính là những hạt giống tốt để những bông hoa hạnh phúc của ngày mai tươi nở.” ( Margaret Lindsey).

Có một thời, phương châm sống của tôi là: “Thà chết chứ không chịu nhượng bộ” và bản thân tôi đã từng sống cứng nhắc theo phương châm hiếu thắng này, ít nhất là cho tới khi mối quan hệ với “ai đó” đạt tới mức độ thân tình. Còn nếu như mối quan hệ chưa đủ thân thiết, thì tôi sẽ chẳng bao giờ chịu nhượng bộ cho đến khi chứng minh được là tôi đúng.

Nếu tôi có lỡ lời làm người khác bị tổn thương, nếu tôi có hơi nặng lời làm người khác khó chịu, thậm chí tôi tìm cách lấn át người khác, thì cũng chẳng thành vấn đề, miễn là tôi phải giành được phần thắng.

Rồi một lần nọ, có người hỏi tôi: “Bạn cứ cố gắng chứng minh mình đúng để làm gì? Giữa việc chứng minh mình đúng với việc sống hạnh phúc, cái nào quan trọng hơn?”. Câu hỏi đó khiến tôi cảm thấy hết sức bực mình. Tôi tự nhủ, mình sẽ hạnh phúc hơn khi làm cho người khác nhận thấy rằng, tôi vẫn luôn luôn đúng, còn người khác thì quá sai lầm khi nghĩ như vậy.

Nhưng dần dần, tôi nghiệm lại và nhận ra lâu nay mình ứng xử như vậy thật là sai trái! Thật chẳng khôn ngoan chút nào khi cứ cố gắng chứng minh cho người khác thấy rằng mình luôn đúng. Khi làm như vậy, bản thân mình sẽ được gì? Mình có thể đúng, nhưng kết quả là mình ngày càng cô độc, ít bạn, dễ có khả năng mất việc làm, thiếu vắng tình yêu thương, hay ít nhất nó cũng làm cho mình cảm thấy bực bội.

Luôn muốn chứng minh rằng mình đúng, “thà chết chứ không nhượng bộ” cũng có nghĩa bạn là người hiếu thắng. Với bạn, nhất định người khác phải thua. Tuy nhiên, khi đã thắng rồi, điều đó cũng chẳng làm cho bạn khỏe mạnh hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc, chẳng làm cho gia đình bạn giàu có hơn… Và nếu xét ở ý nghĩa sâu xa hơn, việc luôn chú ý đến cái đúng sẽ làm cho chúng ta luôn có nhu cầu phải thắng người khác, phải phát hiện cái sai của người khác. Lúc nào chúng ta cũng thích tranh luận. Trong mọi vấn đề lớn nhỏ, chúng ta đều muốn tranh luận để giành phần thắng.

Thế thì, làm sao để hạn chế tật thích tranh luận, thích tỏ ra mình đúng? Tự bản thân mỗi người phải biết cam kết với chính mình rằng, mình sẽ cư xử với người khác bằng tấm lòng yêu thương, bằng sự nhẫn nại, lắng nghe và đôi khi là phải biết chấp nhận cả những cái mình cho là không đúng. Không phải mọi cái sai của người khác đều là có hại! Có những cái sai vì trình độ nhận thức còn non nớt, có những cái sai do hồn nhiên và quá vô tư, có những cái sai do cẩu thả, có những cái sai vì chưa tìm rõ nguyên nhân, có những cái sai do chứng cứ đã bị một kẻ khác ngụy tạo… và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa mà chúng ta không thể nào liệt kê ra hết. Do vậy, một khi chúng ta thấy rằng, ngay cả bản thân mình cũng chưa có khả năng nhận thức đúng đắn hết mọi điều, thì tại sao ta lại tìm cách moi móc, bắt bẻ những cái sai của người khác. Đành rằng, chúng ta có trách nhiệm, bằng cách nào đó, chỉnh sửa cái sai của những người xung quanh để tránh gây ra những tổn hại cho bản thân hoặc cho xã hội, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách “vạch lá tìm sâu” là điều không nên.

Giúp người khác nhận ra và sửa chữa lỗi lầm là điều không dễ dàng chút nào. Chúng ta phải luôn tự hỏi điều gì là quan trọng trước khi tìm cách góp ý phù hợp. Cần biết nhẫn nại lắng nghe mới có thể tìm thấy câu trả lời khiến người khác thỏa mãn mà bản thân mình cũng hài lòng. Trong mọi mối quan hệ của con người, để tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh và êm ấm luôn là điều rất khó, còn gây ra xung đột, mâu thuẫn, ghen ghét lẫn nhau thì thật là dễ!

Có hai người bạn cùng tham gia vào một kế hoạch kinh doanh. Thế nhưng, mỗi người lại có một ý tưởng khác nhau và người nào cũng nhất định cho rằng ý tưởng của mình là đúng còn người kia là sai. Tôi đành phải hỏi cả hai người về điều mà họ quan tâm nhất khi cùng tham gia kinh doanh với nhau là gì. Từng người bắt đầu nói với tôi về những dự định, những điều họ ấp ủ cho kế hoạch kinh doanh sắp tới, những hoạt động cụ thể mà họ sẽ tiến hành ngay khi bắt đầu công việc. Sau khi lắng nghe cả hai người, tôi bảo với họ rằng: “Ý tưởng của hai bạn đều rất tốt, khả năng thành công là khá cao. Thế nhưng, nếu bạn nào cũng chỉ tìm cách bảo vệ chủ kiến riêng của mình thì chắc chắn kế hoạch của cả hai sẽ thất bại. Các bạn phải xác định điều gì là quan trọng để cả hai sẽ cùng hợp sức làm nên thành công. Vì một lẽ, điều chúng ta quan tâm ở đây là hiệu quả kinh doanh chứ không phải là ý tưởng của ai đúng hơn”. Nếu người nào cũng khăng khăng cho rằng ý tưởng của mình là tốt hơn ý tưởng của người khác, thì cả hai sẽ chẳng bao giờ có thể góp sức cùng nhau để làm nên điều gì cả.

Một khi chúng ta biết nhìn nhận mọi vấn đề tương tự trong cuộc sống với một cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn lên rất nhiều. Chúng ta ít khi phải bực bội vì sự sai sót của người khác, chúng ta cũng không làm cho những người xung quanh xa lánh chỉ vì họ… ngại nghe những lời bắt bẻ, chỉ trích của chúng ta.

Những điều tốt đẹp ta cư xử với người khác trong ngày hôm nay, sẽ là hạt giống để hoa hạnh phúc nở rộ ở ngày mai. Đừng bao giờ quên điều đó. Đừng bao giờ tự mình gieo những hạt giống xấu, kém phẩm chất để rồi ngày mai sẽ phải gặt hái những hậu quả không mong đợi từ những điều mình đã làm. Trong cuộc sống có những điều mà chúng ta không thể nhượng bộ nhưng với những điều thường là chuyện nhỏ thì sự nhượng bộ chính là thể hiện của người thật sự tự tin, có bản lãnh.

Tóm lại, đừng bao giờ tự cho mình là hoàn toàn đúng. Bạn phải đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người khác để đánh giá sự việc, tình huống trong cuộc sống theo quan điểm của chính họ thì mới có thể thật sự hiểu họ được. Tin tưởng vào sự khôn ngoan của mình nhưng bạn không để sự bất đồng của họ làm bạn căng thẳng. Bạn sẽ học được cách phát hiện ra những niềm vui khi tôn trọng và cởi mở với những đề nghị của người khác.

Theo: Hạnh phúc không khó tìm (M.J.Ryan)/(hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan

Người chiến thắng và kẻ chuộng hư danh.

(Hiếu học). Lúc nào cũng muốn làm người chiến thắng, muốn hưởng vinh quang một mình, đôi khi lại trở thành kẻ hám chuộng hư danh. Vậy, như thế nào là người chiến thắng, là người thành công? Và làm thế nào để có thể nắm quyền chủ động, tìm thấy niềm vui thật sự cho cuộc đời?     

Tâm lý “cho mình là trung tâm”.

(Hiếu học). Người "cho mình là trung tâm” trong cuộc sống thường lấy nhu cầu và hứng thú của mình làm trung tâm, quan tâm thu vén cho mình, không nghĩ đến cảnh ngộ người khác hoặc không đứng ở địa vị người khác để xử lý các quan hệ xã hội. 

Học cách cảm thông.

(Hiếu học). Học cách thông cảm là cách tốt nhất để trở thành một người dễ mến, sâu sắc, lôi cuốn và hạnh phúc hơn. Để thông cảm với một ai là việc không hề khó, chỉ cần sẵn lòng đặt mình vào đỉa vị của người đó. Vậy cảm thông là gì? Và làm thế nào để có thể học cách cảm thông?

Tâm lý ghen tị.

(Hiếu học). Với xã hội cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng trở nên phức tạp. Trong đó, tâm lý ghen tị bao gồm: tính đố kỵ, ghen ghét và tị nạnh lại càng trở nên phổ biến.  

Tính tự mãn và sự khiêm nhường.

 (Hiếu học). Tự tin và tự mãn hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi tự tin song hành với sức sống, khí phách và cương nghị; có tự tin tức là có chấp nhận đấu tranh, có dũng khí sẵn sàng đối mặt với hoàn cảnh. Nhưng sau khi đạt được chút ít thành tựu, con người dễ trở nên kiêu căng, tự mãn. Dù tự kiêu được thể hiện với sự phách lối, hợm mình, ra vẻ ta đây, nhưng người kiêu căng vẫn có thể còn có tinh thần cầu tiến. Tính tự mãn, khi trá hình núp bóng dưới sự khiêm nhường mới thật sự là nguy hiểm. Tự hài lòng rằng mình đã đạt được mục đích, hết nhiệt tình, hết sức sống, nhưng biện minh bằng cách khoác áo khiêm tốn, các bạn trẻ đang ru mình trong sự tự mãn. Đó là dấu hiệu của sự kết thúc mọi thứ - đó là cái chết.

Cùng chuyên mục