Trong một chữ số, nhiều người không thường quan tâm đến những số đứng đằng sau dấu phẩy vì coi đó chỉ là những con số phụ, hoặc ít khi để ý đến những con số nhỏ vì cho rằng chúng không quan trọng. Tuy nhiên lại có những con số tuy rất nhỏ nhưng chúng lại quyết định chính sự thành bại của bạn. Bạn có tin không?
Hồi tiểu học, thầy giáo thường nói với chúng tôi rằng: “ Nếu chỉ cần sai một số, các vệ tinh không thể nào bay lên khỏi mặt đất” nhằm nhắc nhở học sinh phải thật chính xác và cẩn thận khi làm bài, không nên lơ là hoặc coi thường những con số dù là nhỏ nhất. Sau này, khi đến những kỳ thi, chúng tôi lại mang câu này của thầy ra để nhắc nhở nhau, nhiều đến nỗi câu nói đó trở thành câu cửa miệng mỗi khi chúng tôi muốn chúc nhau thi tốt.
Lên cấp 2, khi nghe được câu nói này của chúng tôi, thầy giáo dạy mỹ thuật cảm thấy rất ngạc nhiên rồi mỉm cười nói: “Các em nói rất hay nhưng thầy biết không phải ai cũng hiểu được câu nói này. Các em cũng chưa thể hiểu hết giữa vệ tinh và các con số nhỏ có liên quan hoặc có hàm ý gì sâu xa gì. Các em thử nhìn nhé…” Nói rồi thầy giơ hai tay lên và nói tiếp: “Nhìn hai bàn tay của chúng ta xem, không có gì là phức tạp và khó hiểu đúng không? Nhưng mà có đấy, thầy sẽ kể cho các em một câu chuyện liên quan đến đôi bàn tay này ”
Rồi thầy chậm rãi kể câu chuyện của mình:
“Ở nước Đức xa xôi, có một công ty chuyên sản xuất găng tay bán cho các vùng lân cận và ngay tại địa phương có trụ sở của công ty đó. Từ khi thành lập, sản lượng găng tay bán ra của công ty này luôn ổn định. Cho đến một ngày, ở cách đó không xa xuất hiện một xưởng may thủ công mới cũng chuyên sản xuất găng tay. Vì quy mô sản xuất tương đối nhỏ nên công ty cũng yên tâm rằng việc ra đời của xưởng may sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của công ty mình. Nhưng đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Một năm sau, găng tay của xưởng sản xuất đã chiếm đến 80% thị trường gang tay của cả vùng ”.
Kế đến đây, thầy giáo dừng lại và hỏi chúng tôi: “Thế các em có biết vì sao lại như vậy không?”
Lúc này, lớp học ồn ào lên hẳn, học sinh chúng tôi nghĩ ra đủ lý do rồi tranh nhau nói. Thầy giáo mỹ thuật chỉ mỉm cười và cổ vũ chúng tôi đưa ra ý kiến của mình, nhưng không có một ý kiến nào đúng. Sau 10 phút thảo luận, chúng tôi vẫn không đưa ra được đáp án chính xác, lúc này thầy giáo bảo chúng tôi im lặng để thầy giải thích nguyên nhân.
“Thực ra, hai bàn tay của chúng ta có một sự khác biệt nho nhỏ” Thầy giáo từ tốn nói: “Các em cứ để ý mà xem, đa số chúng ta đều thuận tay phải, mọi việc hầu như đều làm bằng tay phải, do đó tay bên phải thường to hơn tay bên trái 4%. Chính vì thế găng tay bên phải cũng nên to hơn găng tay bên trái 4%, như thế người đeo chúng mới cảm thấy thoải mái. Cũng vì sự sai lệch quá nhỏ nên công ty sản xuất găng tay không để ý đến, nhưng xưởng sản xuất nhỏ lại biết được điều này. Đây chinh là nguyên nhân vì sao găng tay của xưởng sản xuất bán chạy hơn rất nhiều so với công ty. Chỉ là sự khác biệt 4% nhưng kết quả thu được là 80%, các em thấy có ý nghĩa gì không?”
Lớp học của chúng tôi vẫn im phăng phắc nghe thầy giáo mỹ thuật giải thích: “Các em nên nhớ, vệ tinh cách chúng ta xa lắm, nhưng đôi găng tay rất thiết thực với các em. Nhớ rằng, không chỉ những con số mà tất cả mọi sự vật, sự việc khác dù nhỏ đến đâu các em cũng không được coi thường và xem nhẹ. Vì rất có thể những thứ tưởng như nhỏ bé đấy lại quyết định sự thành bại của các em”.
Câu chuyện của thầy giáo đã theo tôi suốt quãng đường lập nghiệp sau này. Để khi đã trở thành một giám đốc của một công ty khá nổi tiếng, tôi vẫn luôn ghi nhớ bài học này của thầy: “Không bao giờ coi thường những thứ tưởng chừng như nhỏ bé nhất, vì biết đâu trong những thứ nhỏ bé đó lại chứa đựng những bất ngờ vô cùng to lớn – như tay phải lớn hơn tay trái 4% trong câu chuyện năm nào của thầy giáo mỹ thuật”.
Theo: (Hải Hiền/Tamnhin)