Chuyện đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Ví dụ về việc sử dụng hai bàn tay cùng lúc sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về điều này.
Xin bắt đầu thử nghiệm sau. Bạn dùng tay thuận, cầm bút, thử viết ra tên mình. Mọi việc thật quen thuộc và hiển nhiên chẳng có chút khó khăn. Bây giờ, hãy đổi sang tay nghịch, nét chữ bắt đầu khó kiểm soát, bạn thấy hơi sượng, nét chữ – tuy cũng thành hình nhưng không như dễ nhìn như thường lệ.
Thách thức nâng lên một xíu. Bạn dùng cả hai tay sử dụng hai cây bút cùng lúc viết tên mình. Điều gì xảy ra? Lúc này cả hai đều không đẹp. Nét chữ viết từ tay nghịch không đẹp là chuyện hiển nhiên nhưng ngay cả tay thuận cũng xấu hơn.
Chuyện ĐMST cũng diễn ra tương tự như vậy. Áp dụng cái mới giống như khi bạn viết bằng tay nghịch. Và dĩ nhiên, không doanh nghiệp nào thay hoàn toàn một quy trình/công nghệ cũ bằng một cái mới ngay tức thì. Cái mới được triển khai song song cùng cái cũ và thông thường, ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp làm giảm năng suất cái cũ trong thời gian đầu, giống như khi bạn viết hai tay cùng lúc.
Ví dụ trên được tiến sĩ Jaime L.Amsel – Giám đốc điều hành Strategy & POIESYS chia sẻ để hiểu rõ hơn sự khó khăn trong quá trình ĐMST trong khóa học về Đổi mới sáng tạo trong tuần do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức.
Quá trình ĐMST rất cần những ý tưởng mới, độc đáo. Và theo thống kê được tiến sĩ Jaime đưa ra trong khóa học, các ý tưởng tốt(good ideas)và không tốt(bad ideas)luôn song hành nhau và phân bố đối xứng nhau như hình gương nếu biểu diễn trên trục tọa độ.
Điều này đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp bạn càng có nhiều ý tưởng của nhân viên đưa ra thì khả năng bạn có được ý tưởng tốt càng cao và số lần xuất hiện của ý tưởng không tốt cũng cao như vậy. Nếu ý tưởng không tốt bị phán xét, sẽ chẳng có ý tưởng nào được đưa ra nữa và theo đó, ý tưởng tốt cũng chẳng có.
Hiểu khó khăn như vậy, người lãnh đạo sẽ kiên nhẫn hơn khi thực hiện ĐMST.
Sẽ rất tốt nếu các nhân viên chủ động nói với bạn rằng họ có ý tưởng này, ý tưởng nọ. Hãy lắng nghe và khuyến khích họ trình bày ý tưởng. Nếu ý tưởng của họ thiếu thực tế, bất khả thi hoặc không hợp lý, đừng phán xét mà nên gợi ý họ chia sẻ ý tưởng đó với những người đồng nghiệp để nhận ý kiến phản hồi. Nếu ý tưởng của họ không tốt, hoặc chưa ổn, chính những đồng nghiệp sẽ giúp họ nhận ra. Điều này giúp họ vẫn có đủ tự tin khi đưa ra những ý tưởng khác về sau, tiến sĩ Jaime chia sẻ.
Từ nghiên cứu của mình, tiến sĩ Jaime cho rằng cấp độ quản lý thường là rào cản đối với ĐMST bởi lẽ họ thường cho rằng mình là người sáng tạo nhất và nhân viên chỉ là người thực thi mà thôi. Tệ hơn nữa, trong một số trường hợp, họ lấy ý kiến của nhân viên làm ý kiến của chính họ để trình bày với cấp trên.
Theo tiến sĩ Jaime, cấp quản lý cần nhận thức đúng vai trò của mình rằng họ không cần phải là những người sáng tạo nhất mà cần phải là người là hỗ trợ, khuyến kích sự sáng tạo từ nhân viên – những người trực tiếp làm việc tại các bộ phận khác nhau. Sơ đồ tổ chức hình cây với vị trí cấp quản lý cao nhất nằm thấp nhất là một gợi ý mà vị Giám đốc điều hành Strategy & POIESYS đưa ra dành cho doanh nghiệp áp dụng khi thực hiện ĐMST.
7 yếu tố cần quan tâm khi đánh giá tính khả thi của một ý tưởng/dự án
Khi triển khai một dự án đổi mới sáng tạo, tiến sĩ Jaime gợi ý các khía cạnh mà doanh nghiệp cần quan tâm như sau:
1.Kỹ thuật:Liệu với kỹ thuật hiện có, doanh nghiệp có thể triển khai được dự án hay không?
2.Chức năng:Liệu sản phẩm có thực hiện đúng chức năng mà doanh nghiệp kỳ vọng? Một ví dụ mình họa là trường hợp của thuốc Viagra. Sản phẩm này lúc đầu được sản xuất để dùng trong điều trị bệnh tim mạch nhưng cuối cùng, ngày nay Viagra được dùng cho mục đích khác với ý tưởng ban đầu nó được làm ra.
3.Khách hàng:Liệu khách hàng có sẵn lòng trả tiền để sử dụng sản phẩm? Tại sao có và tại sao không?
4.Tài chính:Liệu sản phẩm có khả thi về mặt tài chính?
5.Political– tạm dịch: sự đồng lòng ủng hộ: Liệu dự án có nhận được sự hỗ trợ từ các phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp? Ví dụ như triển khai một dự án mà phòng Nhân sự thì ủng hộ, còn phòng Tài chính lại ngăn cản thì sao?
6.Luật định:Liệu các điều luật hiện tại có cho phép thực hiện dự án này? Ví dụ như bây giờ mà bạn khởi nghiệp với dự án ứng dụng flycam trong giải quyết vấn đề giao thông thì cần suy nghĩ kỹ.
7.Đạo đức:Cần trả lời câu hỏi liệu dự án có phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Ví dụ như ở một số quốc gia, việc tạo ra những đổi mới sáng tạo dùng trong quân sự được chấp nhận nhưng ở một số quốc gia khác thì không.
Đức Tâm (TBKTSG Online)