Khá nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng con cái họ ngày càng ít đọc sách, thậm chí là không có ham muốn chút nào với việc đọc sách.
Chị Hoàng Ly (Q.2, TP.HCM) tâm sự với người viết: “Chúng tôi có hai đứa con gái, một đứa lên 13, một đứa lên 8. Giá sách trong nhà rất phong phú, đa dạng. Nhưng đáng buồn là các con tôi chẳng hứng thú đọc sách. Dù cha mẹ mời gọi chúng đọc một cách tha thiết nhưng bọn trẻ chỉ xem qua quýt rồi đặt lên giá sách và không bao giờ ngó ngàng đến nữa”.
Nếu cha mẹ có con chưa thích đọc sách cần thông cảm cho trẻ vì trẻ chưa hiểu được hết ý nghĩa của việc đọc sách để làm gì. Không ít bậc cha mẹ quan niệm rằng do bận rộn với công việc, lại thiếu kinh nghiệm bồi dưỡng việc đọc sách cho trẻ nên cứ mua thật nhiều sách để ở nhà chứ không biết cách hướng dẫn con đọc sao cho hiệu quả. Do đó, trẻ chưa có kỹ năng đọc sách nên không hứng thú.
Trong khi đó, không khí và thói quen đọc sách của gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến niềm say mê đọc sách của trẻ. Nếu ở nhà trẻ bị lôi cuốn quá nhiều vào các hình thức khác hấp dẫn hơn và có tính chất giải trí, thư giãn như xem phim, lướt web, tham gia các trang mạng xã hội… cũng làm trẻ không thích đọc sách. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tâm lý trẻ em, các chuyên gia tâm lý cho rằng để giúp đỡ, bồi dưỡng cho trẻ thói quen thích đọc sách, các bậc cha mẹ cần tham khảo những cách tác động dưới đây:
–Khơi dậy niềm say mê đọc sách.Các bậc cha mẹ cần thừa nhận việc đọc sách không hẳn là dễ dàng với tất cả bọn trẻ, nhất là đọc để hiểu và thẩm thấu những ý nghĩa sách truyền tải lại càng phải tốn nhiều công sức, thời gian. Để trẻ thích thú đọc sách cần kích thích trẻ có lòng say mê, ham muốn hiểu biết.
Cha mẹ cùng trẻ trao đổi những vấn đề trẻ thắc mắc khi gặp phải trong cuộc sống về thế giới xung quanh như “Tại sao lại có trăng?”, “Tại sao mặt trăng chiếu sáng thì không nóng, mà mặt trời chiếu sáng thì lại nóng?”…
Để giải đáp hàng loạt những vấn đề này, nhất định trẻ sẽ tìm câu trả lời bằng mọi cách, trong đó có đọc sách. Khi con có thói quen chủ động đọc sách hằng ngày vào những giờ nhất định, cha mẹ cần kịp thời khích lệ, động viên để trẻ phát huy hơn nữa.
– Để trẻ cảm nhận việc đọc sách là một cách hưởng thụ.Đọc cho trẻ nghe những câu chuyện trong không gian yên tĩnh, chan hòa ánh sáng. Đó là cách để trẻ thẩm thấu được cái hay cái đẹp từ nội dung của 
câu chuyện.
– Biến hóa nhiều cách đọc sách.Đọc sách bằng cách cho trẻ nghe máy thu âm hoặc thông qua những bài hát với câu từ là nội dung của một câu chuyện cũng kích thích trẻ yêu thích đọc sách. Có thể cha mẹ đọc và thu âm lại câu chuyện bằng các giọng điệu khác nhau rồi mở cho trẻ nghe, hoặc cha mẹ hướng dẫn trẻ tự kể chuyện và thu lại chính giọng kể của trẻ để mở lại cho trẻ nghe.
Thật tuyệt vời nếu bạn có thể vừa hát vừa diễn các cử chỉ, điệu bộ của nhân vật trong truyện, hoặc cho trẻ xem những bộ phim được dựng theo nội dung truyện trẻ đã đọc.
–Tạo không gian phù hợp, hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách.Khi trẻ đã có lòng ham muốn đọc sách, cha mẹ có thể tạo cho trẻ cơ hội nói về nội dung thú vị nhất trẻ đã đọc được trong sách hoặc để trẻ nói lên (hoặc viết ra) cảm nhận về quyển sách vừa đọc xong.
Gia đình nên thống nhất khoảng thời gian cụ thể các thành viên thảo luận về quyển sách nào đó. Cha mẹ nên chỉ cho trẻ thấy rõ việc đọc sách nhằm mục đích gì. Không đọc sách vì đối phó, cũng không phải vì hình thức(không ít trẻ nghĩ rằng đọc sách là để thể hiện mình là người ham hiểu biết).
Khi con đọc sách tích lũy được kiến thức, hình thành những sáng kiến độc đáo, những kỹ năng cần thiết, có được nhiều tiến bộ từ đọc sách thì cha mẹ nên kịp thời công nhận thành quả con đạt được. Nhờ thế, tính tự giác và kiên trì đọc sách của trẻ được nâng lên.
Những dịp quan trọng với trẻ, cha mẹ có thể tặng con những quyển sách giá trị, đưa con đến những phòng đọc khác nhau để trẻ cảm nhận không khí nghiêm túc của việc đọc sách từ đó mà phát huy.
Khi cha mẹ xem việc đọc sách là một niềm vui và việc làm khoa học, thực hiện một cách nghiêm túc, dần dần sẽ hình thành ở trẻ ý thức: đọc sách là cách làm hiệu quả thỏa mãn nhu cầu nâng cao hiểu biết cho bản thân. |
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN , (GIẢNG VIÊN TÂM LÝ/Giaoduc-TTO)