Bước vào cuộc sống sinh viên, hoà nhập vào môi trường mới. Các bạn phải tự lo cho mình nhiều hơn, đặc biệt là những bạn sống xa nhà. Các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong việc chu toàn các công việc từ học tập đến việc trau dồi các kỹ năng khác. Từ đó giúp các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc học tập và sinh hoạt của mình dưới mái trường đại học
Là tân sinh viên, đương nhiên bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho một môi trường mới, sẽ phải biết cách đối diện với những sự thật không giống trong tưởng tượng của bạn. Nhưng: “Làm thế nào để hòa nhập vào môi trường mới?”. Bên cạnh rất nhiều giải pháp như: Thay đổi phương pháp học, có riêng một phần nghiên cứu về phương pháp học trong chương trình giáo dục hiện hành…, TS Khuất Thu Hồng đặc biệt nhấn mạnh đến việc, mỗi cá nhân phải tự thay đổi và làm mới bản thân. (Hình: TS Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội về nguyên nhân và cách giải quyết những cú sốc thường gặp trong giảng đường -Ảnh: Đời sống & Pháp luật)
Thất vọng trải dài theo một quá trình
Chắc chắn các tân sinh viên đều sẽ gặp phải sự thất vọng (không nhiều thì ít). Sự thất vọng đó thể hiện ở 2 khía cạnh đời sống và học tập. Một lượng không nhỏ sinh viên đều đến từ các địa phương. Các bạn có thể luôn hình dung về đô thị phải hiện đại, hào nhoáng; giảng đường đại học phải hoành tráng, thầy cô giáo là những hình mẫu lý tưởng. Riêng điều này, nhiều bạn có thể cảm thấy thất vọng chỉ sau 1, 2 ngày.
Tiếp sau đó, cuộc sống xa nhà, những khó khăn về ăn ở, đi lại, lối sống khép kín của người thành phố khiến các bạn quên đi những gì hứng khởi, háo hức về một cuộc sống được tự làm chủ mà thay vào là cảm giác mất phương hướng, lạc lõng, bé nhỏ trước cuộc sống. Ở trường, cũng tương tự. Đa số sinh viên năm thứ nhất đều có suy nghĩ: đỗ đại học là một cái gì đó rất “to tát” và 2 từ “sinh viên” là rất “oai”, ở gia đình thì được mọi người chúc tụng, khen thưởng nhưng bước vào trường thì ai cũng vậy, không có gì nổi bật. Có nhiều bạn, khi học ở phổ thông thì “ai cũng biết” nhưng vào đại học thì bị hòa lẫn và “chẳng ai biết”.
Ở Việt Nam, tâm lý chung của học sinh vẫn là: Học vì bố mẹ, học vì thầy cô, vì phong trào và luôn có bố mẹ, thầy cô nhắc nhở, đôn đốc. Học sinh thì thường được ghi nhận kết quả cụ thể. Lên đại học, quan hệ thầy trò không thân thiết bằng thời trung học phổ thông, bạn bè thiếu sự ganh đua trong học tập, không còn kiểm tra miệng, 15 phút… để khiến các bạn luôn trong tâm lý phải vận động hay đối phó.
Đa số các bạn chỉ được nghe nói rằng: Học đại học sẽ khác học trung học phổthônng nhưng cụ thể sự khác biệt đó là gì thì không trang bị kỹ. Tâm lý hoang mang: “Học để cho ai?” rất dễ xảy ra.
Có một nghịch lý đã được đề cập đến nhiều năm nay: Đầu vào thì quá khó, nhưng học thì lại quá nhàn và dường như không khó để có thể ra được trường. Thiếu kỹ năng sống, kỹ năng đối diện với thất bại là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tâm lý chản nản thường xuyên.
Hãy tự xây dựng mình trở thành một người thú vị
Sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi, chưa có nhiều áp lực về gánh nặng kinh tế, vậy nên, hãy tranh thủ để hoàn thiện mình và xây dựng mình trở thành một con người thú vị về nhiều mặt. Hãy “sống nhiều”! Bởi “sống nhiều” không phải là sống nhiều năm tuổi mà là sống với sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Tính chủ động là điều sinh viên cần phải rèn luyện bất cứ lúc nào. Học đại học là tự học, là học một cách chủ động, thầy cô chỉ là người khơi gợi ý tưởng còn chính sinh viên phải là người tự vận động để đạt đến tầm cao của tri thức.
Không chỉ giỏi chuyên môn mà bạn cần phải tích lũy các kiến thức của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Hiện nay, dù học bất cứ chuyên ngành nào nhưng một sinh viên mà không dùng được ngoại ngữ, không biết về công nghệ thông tin, không biết về tình hình kinh tế – xã hội thì khó có thể chấp nhận.
Theo: Đối diện với những cú sốc ở giảng đường đại học (Sinh Viên Việt Nam)