(Hiếu học). Người “cho mình là trung tâm” trong cuộc sống thường lấy nhu cầu và hứng thú của mình làm trung tâm, quan tâm thu vén cho mình, không nghĩ đến cảnh ngộ người khác hoặc không đứng ở địa vị người khác để xử lý các quan hệ xã hội.
Khi nhận thức và giải quyết vấn đề, người “cho mình là trung tâm” luôn luôn xuất phát từ kinh nghiệm của mình, từ cách suy nghĩ của riêng mình. Dần dần, sẽ trở thành kẻ tự tư tự lợi, cá nhân, ích kỷ và luôn ghen tị.
Tính cách “cho mình là trung tâm” phần lớn do chịu ảnh hưởng ngay từ lúc bé, được cưng chìu, được mọi người cung phụng, nên lớn lên dần dần phát sinh tâm lý chẳng coi ai ra gì. Khi ra ngoài xã hội thường đánh giá mình quá cao, hợm mình, kênh kiệu, mè nheo, hạch sách vô lý khiến cho mọi người có cảm giác đây là một người tự cao tự đại, rất khó chịu.
Trong đại đa số trường hợp, tính cách “cho mình là trung tâm” đều không có lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao: Vì luôn luôn khó chịu khi không thấy ai làm đúng theo ý mình, dễ quan trọng hóa công việc của mình, cho là việc mình có đầy hiệu quả còn mọi việc người ta làm vì mình đều chẳng đáng kể gì hết.
Nếu như tâm lý “cho mình là trung tâm” quá mạnh sẽ có thể làm tổn thương đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Thật vậy, những người kiêu căng tự cao tự đại, không muốn ai “nói động đến lông chân” thường dễ bị bạn bè xa lánh, chế nhạo, châm chọc, cứ thế rồi đâm ra tiêu cực, chán nản, cô đơn… Cũng có những bạn trẻ do quá tự ái, làm liều, gây hậu quả tai hại không sao lấy lại được.
Đối với những người ít nhiều mang tính cách “cho mình là trung tâm “phải biết tự sửa mình, đừng đạo mạo thái quá, đừng cầu toàn, đòi hỏi khắc khe. Nên thoải mái một chút với mọi người và luôn nhớ: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Như vậy mới có thể dần dần trở nên chin chắn, mới có thể rút kinh nghiệm thông qua những cảnh ngộ đã qua để tự hoàn thiện mình. Chỉ có gạt bỏ tâm lý “cho mình là trung tâm” thì mới có thể trụ vững trong thời đại luôn luôn biến đổi này.
Khánh Hòa. (hieuhoc_hieuhoc.com).