Có những người nay ốm mai đau, nhưng khi đi xét nghiệm, chụp chiếu thì không tìm ra bệnh gì, hoặc vẫn ngỡ mình khỏe re cho đến ngày bất ngờ bệnh đến không kịp trở tay.
Bạn có biết?
* Không dưới 30% người đau lưng, đặc biệt là phụ nữ, không vì tổn thương nào thực thể trên cột sống mà do có gì đó đè nặng trong tâm tư, chẳng hạn chồng vũ phu, con ngỗ nghịch, cha mẹ già yếu…
* Người không tăng mỡ máu vẫn cao huyết áp, thậm chí bất ngờ nhồi máu cơ tim nếu chọn lối sống giả dối “ba phải” với người lẫn mình, thương không dám nói là thương, ghét ngại nói là ghét. Dòng máu gặp người cà tưng nên chảy theo kiểu cà giật!
* Tối thiểu 60% bệnh nhân viêm ruột mãn tính sở dĩ “rầu thúi ruột” chữa hoài không khỏi là vì để bụng chuyện đã nguôi từ lâu.
* Khi so sánh hai nhóm đối tượng, nhóm I phải nói nhiều vì nghề nghiệp, nhóm II ít phải mở miệng, tỉ lệ viêm thanh quản ở nhóm I vẫn thấp hơn nhiều vì đối tượng nhóm này có cơ hội “bà tám” trong khi nhóm II phải thường đóng vai “nói không được”.
* Tần suất tái phát viêm loét dạ dày rõ ràng cao hơn nhiều ở nhóm bệnh nhân ngày nào cũng phải cáng đáng công việc chán ngấy tới óc!
Chữa bệnh phải trị tận gốc
Đáng nói là thuốc đặc hiệu uống vào cứ như không trong các trường hợp vừa kể.
Ngược lại, bệnh chứng nhiều khi bị kết án oan uổng là “giả đò” của những đối tượng nêu trên thuyên giảm thấy rõ sau khi nạn nhân giải quyết chuyện “nổi cộm” trong… óc, thay vì còng lưng để rồi sạch túi cho thầy, thủng hầu bao cho thuốc nhưng tật vẫn mang càng lúc càng nặng!
Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy bệnh nhân khỏe re sau khi được tư vấn tâm lý và điều trị bằng… giả dược!
Thầy thuốc nào cũng biết ít nhiều về mối liên hệ tâm sinh lý hai chiều qua lại, theo đó nỗi khổ từ “tâm không yên” biến thành “bệnh thực thể” dễ dàng để “nạn nhân” biến hình thành “bệnh nhân” chỉ vì gút mắt trong vô thức, ẩn ức trong ý thức không được tháo gỡ.
Kẹt chính ở chỗ ngành y vì chóa mắt trước tiến bộ nhảy vọt của kỹ thuật chẩn đoán, của công nghệ dược nên thường đặt nặng giá trị vào tiêu chuẩn thực nghiệm.
Với nhiều thầy thuốc, y học là khoa học chính xác tuyệt đối theo kiểu chưa tìm ra bệnh thì không bệnh cho dù sức khỏe, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, là cuộc sống thoải mái cả tâm lẫn thể.
Đúng là không bệnh khó đau. Nhưng ngẫm lại cho cùng dường như còn điểm nào đó không thông.
Chữa người bệnh khác trị căn bệnh
Chuyện cũ rích như lịch sử loài người. Câu trả lời không quá khó nếu thầy thuốc đừng bỏ sót điểm vô cùng quan trọng.
Đó là người bệnh không đồng nghĩa với căn bệnh! Cơ thể không chỉ là tập thể tế bào xếp chồng lên nhau và vận hành dưới ảnh hưởng của hệ thần kinh, nội tiết, tuần hoàn, tiêu hóa…
Phía sau, bên cạnh mỗi người bệnh rõ ràng luôn có đó chiếc bóng tư duy tuy lúc mờ lúc tỏ, nhưng bao trùm người bệnh.
Hình với bóng tuy hai mà một. Không hình sao có bóng? Nhưng trong nhiều trường hợp, bóng lại lớn hơn, rõ hơn hình.
Đó chính là lý do tại sao nhiều bệnh chứng diễn biến phức tạp nếu có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của yếu tố tâm lý.
Đó cũng chính là động cơ, tại sao ngành tâm lý học cần được triển khai song song với tất cả chuyên khoa của ngành y.
Nếu tưởng thầy thuốc quen động dao động kéo trong phòng mổ nên không cần hiểu đến tâm tình của người bệnh, nếu tưởng bác sĩ nhi khoa chỉ cần xem chỗ nào viêm, chỗ nào nhiễm thì sai cả cây số.
Đợi chi đến mô hình nghiên cứu, người bệnh hậu phẫu rõ ràng bình phục nhanh hơn nếu trong lòng thanh thản, trong óc bình yên.
Y khoa cũng phải thuận thời
Đã nhiều năm lắm rồi bệnh tâm thể ở nước ta không được chú trọng đúng mức. Đó là điều trước đây phải chấp nhận vì bối cảnh eo hẹp của nền y tế trong giai đoạn đất nước đang phát triển, khi thầy thuốc phải tất bật lo toan trăm bề trước mối đe dọa của bệnh bội nhiễm, của bệnh dịch.
Hoàn cảnh đó nay đã thay đổi để thầy thuốc bây giờ phải đối đầu với cuộc diện mới, với những căn bệnh thời đại gắn liền với tâm lý “nói vậy không phải vậy” của người bệnh.
Bệnh tim vì trầm uất, tiểu đường do căng thẳng thần kinh, dị ứng vì lo lắng thái quá… và còn nhiều bệnh nữa đã từ lâu trở thành đề tài nóng đến phỏng tay thầy thuốc thuộc nhóm không kịp thích ứng với nhu cầu đổi 
mới của người bệnh.
Đã đến lúc nhà điều trị không được phép cúi xuống toa thuốc quá sớm.
Trái lại, phải nhìn người bệnh lâu hơn, phải nghe người bệnh kỹ hơn, để nhận ra nửa kia của bệnh nhân, một nửa rất mông lung, rất phức tạp nhưng là một nửa không thể tách rời trong mỗi người bệnh cá biệt.
Biện pháp không đơn giản là chuyển bệnh nhân đến chuyên gia tâm lý. Giải pháp là thầy thuốc, chuyên khoa nào cũng thế, cần học để hiểu về tâm lý người bệnh thay vì chỉ biết bệnh, biết thuốc!
Khám sức khỏe định kỳ là chuyện tất nhiên cần thiết. Nhưng khám rồi vẫn chưa xong nếu thầy thuốc chỉ chú trọng trị số xét nghiệm mà quên cảm xúc, cảm tưởng của người bệnh.
Khó không chỉ cho bệnh nhân, nhiêu khê hơn nhiều vì trong bối cảnh công việc chữa bệnh quá tải như hiện nay ở xứ mình, nhiều khi thầy thuốc quên cả nửa kia của chính … thầy!
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG.
Theo: (Sống khỏe/TTO).