Tại sao phần lớn sinh viên ra trường phải đào tạo lại?

(hieuhoc_hieuhoc.com): Khối lượng chương trình đào tạo bậc đại học (ĐH) tại Việt Nam được đánh giá là rất nặng. Tuy nhiên, số kiến thức sinh viên (SV) tiếp thu trong quá trình học lại thua rất xa mục tiêu mà giáo dục ĐH hướng tới. Kết quả, sau khi ra trường, SV ôm một mớ kiến thức ra đời và được doanh nghiệp đào tạo lại.

Giám đốc kỹ thuật Michael Lương của Intel Việt Nam cho biết, đầu năm 2007, tập đoàn này sử dụng bài test đối với 2.000 SV năm cuối tại 5 ĐH lớn ở TP.HCM để phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chipset. Kết quả, chỉ có 90 bạn đáp ứng trên 60% yêu cầu theo quy định tuyển dụng. Theo kết quả khảo sát từ đề tài trọng điểm cấp Bộ do ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện, các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại cho hơn 50% cử nhân vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Những lý do…

Câu chuyện khả năng làm việc của SV sau khi ra trường ở Việt Nam vẫn chưa có lời kết thỏa đáng. Kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐH là hàng trăm tỉ đồng. Hàng năm, hàng trăm ngàn thí sinh trên toàn quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, miệt mài học tập hơn 4-5 năm ròng và con số 50% SV sau khi ra trường phải đào tạo lại thực sự chưa tương xứng với những con số trên. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này. Chương trình đào tạo còn lạc hậu, chưa gắn liền với thực tế. Kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Các công ty, doanh nghiệp chưa gắn bó chặt chẽ, chưa liên kết với nhà trường trong các dự án phục vụ nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Bộ giáo dục đào tạo, 7 nguyên nhân cơ bản làm hạn chế chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam là:

1. Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể, không rõ ràng, thiếu khung trình độ trong đào tạo, mục tiêu giáo dục còn chung chung.

2. Hoạt động đánh giá, kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng còn khó khăn do thiếu chuyên gia có kinh nghiệm. Chưa có tổ chức kiểm định độc lập.

3. Chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) trong ĐH. Nguồn lực đào tạo sau ĐH, và NCKH ít, sử dụng thiếu hiệu quả phân bổ theo chỉ tiêu đầu vào.

4. Thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong trường ĐH.

5.Hợp tác đào tạo quốc tế, NCKH trong ĐH còn hạn chế, trao đổi SV, giảng viên chưa mở rộng.

6. Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế.

7. Cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ học phí còn bất cập.

Trách nhiệm cho trình độ chuyên môn của SV theo các nhà chuyên môn, phân tích cho rằng, đó không phải là chuyện của riêng chính phủ, của riêng nhà trường hay của doanh nghiệp, mà tất cả các bên cần có sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ ĐH. Theo Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: “Giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhà trường làm một mình không nổi, doanh nghiệp làm một mình không nổi, Chính phủ cũng không làm nổi mà 3 bên cần phải kết hợp lại để giải quyết. Chuyện thiếu tiền trong đào tạo hiện nay không còn là vấn đề khó khăn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẵn sàng hợp tác với chúng ta. Vấn đề là Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường gắn bó với nhau, có lộ trình và việc làm cụ thể thì tôi tin rằng sẽ có được những biện pháp thích hợp”.

Và nhân vật chính…

Trong tương lai, sẽ có nhiều giải pháp kết hợp giữa chính phủ, nhà trường và các doanh nghiệp. Nhưng nếu nhà trường thay đổi chương trình đào tạo hiện đại hơn, chính phủ rót thêm hàng trăm tỉ vào giáo dục mà những nhân vật chính của vấn đề – những SV không chủ động học tập, không tích cực thu gom kiến thức cho mình thì làm sao chất lượng chuyên môn của SV nâng cao? Không thể phủ nhận những bất cập trong giáo dục, nhưng cũng không thể thừa nhận nguyên nhân của thực tế một bộ phận không nhỏ SV đang rất thờ ơ với tương lai của chính bản thân mình là do nền giáo dục. Vẫn còn đó những câu chuyện SV không đến lớp, SV trốn học, SV xem phim ảnh xấu, SV nhậu nhẹt… Nếu ai từng là SV hay đang là SV chắc hẳn hiểu rõ đời sống SV đang diễn ra như thế nào.

Là SV hiện tại, nhưng là kỹ sư, cử nhân, nhà quản lý trong tương lai. Một kỹ sư cần có chuyên môn tốt về ngành nghề đang học, một nhà nghiên cứu cần có niềm đam mê trong lĩnh vực của mình, nhà quản lý cần có nhiều kỹ năng bổ trợ hơn là tấm bằng ĐH. Chương trình ĐH còn chưa hay, nhưng các bạn đã thật sự cố gắng, đã thật sự bỏ công sức trong việc học tập của mình. Trường ĐH nào cũng có những câu lạc bộ, hội nhóm phù hợp cho từng khối, từng khoa. Ngoài xã hội có rất nhiều công việc bán thời gian, nhiều chỗ thực tập vừa để các bạn kiếm thêm thu nhập, vừa để xây dựng thêm kiến thức, kỹ năng mềm cho mình. Thư viện vẫn còn rất nhiều quyển sách chưa được SV ưu ái, những forum, những trang web về học hành (như hieuhoc_hieuhoc.com chẳng hạn) vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm bằng những địa chỉ giải trí.

Có nhiều lý do để các doanh nghiệp đang phải bỏ ra một chi phí đáng kể để đào tạo lại SV mới ra trường. Nhưng là SV – nhân vật chính của câu chuyện giáo dục bậc ĐH cần có những động thái tích cực hơn trong việc học và trong chính tương lai của mình.

Minh Đức

Cùng chuyên mục