Tài năng kinh doanh trẻ ngày ấy – bây giờ.

(Hiếu học). Thắp sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ là một trong những nội dung chính của cuộc vận động Hội nhập quốc tế của thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ giao cho T.Ư Đoàn, Hội LHTN và Hội DNT thực hiện.

Qua nhiều vòng thi nghẹt thở, vượt qua ngàn đối thủ, gần 150 bạn trẻ bước lên bục vinh quang cuộc thi Thắp sáng Tài năng kinh doanh trẻ (TNKDT). Sau 7 năm, hầu hết các bạn trẻ đoạt giải ấy vẫn chưa thể trở thành chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản lý tầm cỡ!

Năm 2010, hy vọng cuộc thi Thắp sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ hứa hẹn sẽ có bước đột phá, thiết thực hơn (Hình minh họa).

Trường thi và trường đời

Đỗ Hữu Hưng, cựu sinh viên (SV) ĐH Ngoại thương Hà Nội, được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ khi giật giải vàng cuộc thi Thắp sáng TNKDT. Hưng còn nổi tiếng hơn khi từ bỏ học bổng MBA trị giá gần 5.000 USD của cuộc thi để làm trợ lý cho Tổng GĐ FPT Trương Gia Bình vì không có thời gian đi học.

Hưng cho biết phần lớn các bạn đoạt giải vàng đều không đi học MBA. Năm 2006, trong số 6 giải vàng, chỉ có Nguyễn Thị Hồng Huệ học MBA. Theo Hưng, cuộc thi chủ yếu kiểm tra kiến thức, lý thuyết nhiều hơn kỹ năng thực hành.

Việc trang bị kiến thức cho thí sinh thực ra nằm trong giai đoạn học MBA và 5 năm thực tập tại cộng đồng doanh nhân trẻ. Cần ít nhất 7 năm để đào tạo 1 tài năng kinh doanh trẻ, nhưng điều đáng nói là rất ít bạn đủ kiên nhẫn và nghị lực để đi suốt quãng đường đó. Mặt khác, người giành giải lâu nhất cũng mới qua 7 năm, chưa đủ kết luận họ có thể trở thành doanh nhân lớn hay không.

Giải thưởng chưa đủ

Hưng chia sẻ: “Thứ nhất, cuộc thi giúp tôi khẳng định bản thân. Thời SV tôi không xuất sắc trong học tập, nhưng hay kinh doanh ở ngoài. Cuộc thi như một chứng chỉ cho mình vào đời tốt hơn, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ. Có chìa khóa vạn năng, nhưng điều quan trọng là phải biết mở cánh cửa thế nào. Thứ hai, cuộc thi cho tôi cơ hội được làm việc trong các tập đoàn lớn để học hỏi”.

Hưng là Giám đốc dự án Trách nhiệm xã hội của FPT, chiêm nghiệm rằng chương trình trước đây đề cao tri thức hơn kinh doanh. Trong khi để đào tạo một doanh nhân thì bản thân họ phải là một doanh nhân, thiếu kiến thức có thể bổ sung tiếp.

Khát vọng làm chủ

Nguyễn Quý Anh Tuấn, giải vàng Thắp sáng TNKDT 2008 khẳng định chưa thể làm chủ khi mới tốt nghiệp ĐH. Ra trường Tuấn đi học MBA và làm marketing cho một số Cty truyền thông.

“Tự khởi nghiệp rất khó, tôi chỉ mới thử sức kinh doanh hàng đồ dùng học sinh, hai quầy bán buôn ở chợ Đồng Xuân, một cửa hàng bán lẻ. 30 tuổi tôi sẽ toàn tâm toàn ý cho kinh doanh, mở rộng mô hình kinh doanh và hy vọng sẽ thành công với vai trò làm chủ. Tôi có 5 năm nữa để tích lũy kinh nghiệm”, Tuấn nói.

Hưng cho rằng vì phần lớn những bạn trẻ đi thi và giật giải đều siêng học, học giỏi, nhưng tính chiến đấu không cao. “Những bạn trẻ kinh doanh giỏi chưa thi chương trình này. Bạn có thể chấp nhận quét rác để làm giàu”, Hưng nói. Giải vàng năm 2006 đang là gương mặt quen thuộc trong những chương trình thiện nguyện của FPT và hướng phát triển của Hưng dường như gắn với hoạt động xã hội.

Đặng Quốc Hiệp, 30 tuổi, giải vàng năm 2003, chia sẻ: “Tôi cũng muốn vào thương trường với ý tưởng kinh doanh độc đáo, nhưng không có tiền”. Sau cuộc thi, Hiệp định mở nhà hàng kinh doanh đồ ăn dành cho người cao tuổi, nhưng không thành.

Tốt nghiệp ĐH, Hiệp về làm chuyên viên đầu tư của Cty quản lý quỹ ngân hàng BIDV. Hiệp tự nhận mình đang ở giai đoạn tích lũy kinh nghiệm, vốn, để sau 10 năm nữa sẽ mở Cty riêng.

Sau khi giành giải vàng năm 2004, Lan Hương về Cty quản lý quỹ BIDV. Chị tâm sự chưa có ý tưởng kinh doanh nào cụ thể trong thời gian 5 năm tới. “Đi thi nhiều người nghĩ vào thương trường đơn giản. Sau vài năm đi làm, tôi nhận ra suy nghĩ ấy thực sự viển vông.

Làm doanh nghiệp riêng cần nhiều thứ khác chứ không chỉ đam mê. Khởi nghiệp tay trắng, không mạng lưới quan hệ, không vốn nên tài giỏi đến mấy cũng khó trụ được. Con đường ấy có người thành công, nhưng không phải cho tất cả”, Lan Hương nói.

Theo: Tài năng kinh doanh trẻ, ngày ấy bây giờ

(Hải Yến/TPO)

* Thắp sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ là một trong những nội dung chính của cuộc vận động Hội nhập quốc tế của thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ giao cho T.Ư Đoàn, Hội LHTN và Hội DNT thực hiện.

Bài liên quan

Tôi chọn thử thách!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Sau nhiều lần tự hỏi, câu trả lời cũng nhiều lần và cuối cùng là: Tôi dám, tôi muốn, tôi cần và tôi có thể chơi được cuộc chơi này. Sẽ chơi hết mình và không hối tiếc. Bởi trong cuộc chơi ấy, như đã nói, có thách thức và vinh quang. Tôi chọn thử thách! 

Khởi nghiệp từ ước mơ.

(Hiếu học). Ngày xưa khi còn là sinh viên tôi cũng từng có ước mơ thành lập công ty riêng, với ước mơ đưa công ty của mình trở thành một tập đoàn có uy tín và tên tuổi. Nhưng tôi nghĩ,  muốn làm việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ, và tôi đã khởi nghiệp bằng cách đi làm thuê…

Tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài

(Hiếu học). Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Hiếu học xin giới thiệu một số gương mặt nổi bật của thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài. Từ văn chương, âm nhạc, nghệ thuật đến thể thao, nhiều tài năng trẻ gốc Việt đang là tâm điểm của báo chí năm 2010.

Có nên kinh doanh tại nhà, tự mình làm việc cho mình?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Bạn muốn tự mình làm chủ một công việc kinh doanh? Bạn cảm thấy rằng mình có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn khi tổ chức kinh doanh tại nhà, tự mình làm việc cho mình? Hoặc làm nghề tự do với nhiều yếu tố hấp dẫn như tự do hơn, thoải mái hơn, thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với đi làm công ty?  

Sẵn sàng trở thành doanh nhân thành đạt?

(Hiếu học). Một doanh nhân thành đạt luôn có ý thức tự giác kỷ luật rất cao, dù phải kinh doanh trong một môi trường nào, họ vẫn tìm thấy sự chú tâm trong suy nghĩ bằng cách nhận biết và gạt bỏ hết tất cả những thứ đang làm rối trí xung quanh. Khi ấy, toàn bộ tâm trí sẽ sẵn sàng để giải quyết vấn đề.  

Cùng chuyên mục