Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh: người suy nghĩ và hành động giống thiếu nhi sẽ khỏe mạnh và sống lâu.
Lợi ích của việc suy nghĩ trẻ trung
Tốt cho tim mạch:Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự cảm nhận về tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tim mạch. BS. Ronald D. Siegel thuộc Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) nhận định: “Theo thời gian, khi con người ta già đi, họ có xu hướng tránh các thử thách đòi hỏi cao về thể lực, họ cho rằng chúng quá khó với họ. Khi người ta cảm thấy trẻ hơn về mặt tâm lý, họ có nhiều khả năng để theo đuổi và muốn chinh phục các thách thức mới. Họ cũng tin rằng không nỗ lực thì sẽ không đạt được thành công”.
Ăn uống lành mạnh:BS. Siegel đưa ra luận điểm: những người cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thường có thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Ông nói: “Nếu chúng ta cảm thấy trẻ trung, chúng ta có thể định hướng nhiều hơn cho tương lai và để thực hiện chúng, bạn mong muốn có một sức khỏe tốt và điều này sẽ chi phối hành vi ăn uống của bạn”.
Nếu bạn luôn muốn mình trẻ trung, có một vóc dáng khỏe đẹp, thì bạn sẽ chọn nhiều hơn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau củ, trái cây, đồng thời giảm các thực phẩm chế biến và chất béo có hại.
Tăng hoạt động thể chất:Những người cảm thấy trẻ hơn so với tuổi thường tham gia tích cực vào các hoạt động thể chất và các hoạt động xã hội. Họ thích làm những điều mới, tạo lập các mối quan hệ mới, sẵn sàng đối mặt với các thách thức mới. Hoạt động thể chất đem lại nhiều lợi ích cho tim mạch, hệ cơ và nhiều cơ quan khác. Các hoạt động xã hội giúp bạn có một trí óc minh mẫn, kiểm soát được cảm xúc.
Giảm căng thẳng:Thiếu nhi thường suy nghĩ đơn giản, vô tư và trong sáng. Vì thế, khi bạn giữ cho mình thói quen suy nghĩ trẻ trung như thiếu nhi, sẽ rất tốt cho tâm trí bạn.
Cách luôn giữ được suy nghĩ trẻ trung
Suy nghĩ cởi mở:Khi còn trẻ, bạn gần gũi và cởi mở với mọi thứ chúng ta gặp, nhưng khi tuổi cao, bạn thường bị bó buộc trong những quan niệm bảo thủ, đóng mình trước mọi thứ xung quanh. Cho nên bạn cần: luôn khám phá những ý tưởng mới và lắng nghe những quan điểm mới, thay vì vội vàng phán xét mọi thứ theo “kinh nghiệm”.
Luôn đặt câu hỏi cho mọi vấn đề:Thiếu nhi luôn đặt câu hỏi, thắc mắc tất cả mọi thứ. Còn bạn khi lớn tuổi lại e ngại là nếu hỏi sẽ khiến mọi người nghĩ rằng bạn kém cỏi. Thế thì từ nay, bạn hãy gạt sự e ngại đó sang một bên, đưa ra câu hỏi để được giải đáp những thắc mắc trong đầu bạn. Bởi lẽ, tò mò là cách tuyệt vời để có được một trí tuệ minh mẫn.
Không ngại tiếp xúc với điều mới lạ:Thiếu nhi luôn kiên trì thực hiện điều chúng muốn. Trong khi người lớn từ bỏ nhiều thứ một cách quá dễ dàng với đủ lý do kiểu như: không có thời gian, bận việc nọ bận việc kia… Loại trừ việc bạn cần đặt ra cho mình những mục tiêu thực tế, việc tự giới hạn bản thân do bạn tạo ra thường làm tổn hại đến tâm trí bạn.
Chia sẻ chân thành:Lẽ dĩ nhiên, không phải bạn hồn nhiên nói ra tất cả mọi thứ như một cậu nhỏ, bởi bạn biết rõ có nhiều điều để trong lòng tốt hơn khi nói ra. Nhưng sự chia sẻ chân thành với bạn bè luôn luôn là một ý tưởng hay. Nếu không trung thực trong giao tiếp về lâu dài sẽ làm tổn hại đến các mối quan hệ và tạo ra cho bạn sự căng thẳng không đáng có. Bởi thế, bạn cần mở lòng mình với mọi người xung quanh và bạn bè.
Quẳng gánh lo đi để vui sống:Thiếu nhi vui chơi nhảy nhót, chúng không quan tâm đến những thứ xung quanh, tự do sáng tạo và luôn luôn phá cách. Bởi vậy bạn cũng đừng giữ nỗi lo trong người, chúng chỉ cản trở bạn. Bạn hãy tự do tham gia những hoạt động mới, làm mọi thứ theo một phong cách mới hoặc thể hiện mình như bạn nghĩ mà không cần phải “hoàn hảo” trong mắt người khác.
Luôn hào phóng:Người lớn thường ít khi chia sẻ những gì họ có, còn trẻ em thì ngược lại, chúng luôn hào phóng với bạn bè. Bạn hãy học theo trẻ em, hào phóng để mở rộng quan hệ xã hội. Bạn không nhất thiết phải tốn kém vật chất, bạn hãy thử chia sẻ những chuyện bạn được nghe, dành thời gian cho những người bạn hay giúp họ làm vài công việc. Điều này có tác dụng rất lớn đấy.
Ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, tràn đầy năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi ngủ là lúc cơ thể tái sản xuất sức lao động, phục hồi khả năng sống cho cơ thể của bạn.
Theo Sức khỏe & Đời sống