Stress là một loại rối loạn lo âu xuất phát từ một sự việc nào đó. Khi trải nghiệm hoặc chứng kiến một sự kiện gây ra căng thẳng, sợ hãi, bất lực hoặc kinh dị, stress là điều dễ hiểu.
Vi khuẩn đường ruột làm nhiệm vụ gì?
Từ nghiên cứu trên những con chuột trong phòng thí nghiệm, nhóm các nhà khoa học từ Trường đại học McMaster ở Ontario (Canada) tìm thấy có sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột ở động vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căng thẳng do hậu chấn thương tâm lý.
Các vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng của cơ thể với các tình huống căng thẳng, cũng như với những người nhạy cảm với điều kiện rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
TheoMedical News Today, chỉ riêng trong đường ruột đã chứa đến 100.000 tỉ vi khuẩn, nhiều gấp 10 lần số lượng tế bào sống. Nếu sắp xếp chúng lại thành từng tế bào một cạnh nhau, chúng sẽ trải dài và bao xung quanh trái đất gấp khoảng 2,5 lần.
Nói đến vi khuẩn người ta thường nghĩ ngay đến bệnh tật mà không biết rằng còn có những loại vi khuẩn giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Vi khuẩn có lợi có rất nhiều tác dụng. Bạn cần một cái áo giáp chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài? Vi khuẩn có lợi sẽ làm điều đó. Lợi khuẩn giúp nâng cao chức năng hệ tiêu hóa, tổng hợp vitamin, đào thải các vi sinh vật gây hại, tăng cường hệ miễn dịch, truyền tín hiệu đến não bộ. Bên cạnh lợi khuẩn, trong đường ruột còn có sự góp mặt của những vi khuẩn có hại và chúng có thể làm gây ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của con người.
Cơ thể bị stress, đường ruột cũng stress theo
Não và ruột có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Vì vậy, stress thường gây ra nhiều vấn đề cho hệ tiêu hóa như làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ các vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng và cản trở sự hoạt động của các men tiêu hóa. Ngoài ra stress cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn đường ruột làm cho lượng khuẩn có lợi giảm đi, đồng thời lượng khuẩn gây hại có cơ hội phát triển nhiều hơn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để điều tra sự liên kết giữa stress và vi khuẩn trong đường ruột, nhóm nghiên cứu đã cho những con chuột nhỏ tiếp xúc những con chuột lớn chỉ khoảng 2 phút mỗi ngày. Sau 10 ngày áp dụng kịch bản “chia lìa” này, các nhà khoa học nhận thấy những con chuột nhỏ bắt đầu phát triển các dấu hiệu của căng thẳng và lo âu. Chúng cũng có xu hướng ít tương tác với các con chuột khác và mất cảm giác ngon miệng. Để chính xác hơn, nhóm nghiên cứu thu thập mẫu phân của những con chuột bị stress và phát hiện hệ vi sinh vật trong đường ruột của những con chuột bị stress có dấu hiệu mất cân bằng.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu lấy vi khuẩn sống chiết xuất từ mẫu phân của những con chuột bình tĩnh đem cho những con chuột bị stress ăn để xem xét những thay đổi về hóa học trong não. Cuối cùng các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của những con chuột bị stress sau khi chúng được bổ sung lượng probiotic lành mạnh.
Từ phát hiện này, trong một bài báo được công bố trên chuyên sanJournal of Psychiatryở Canada, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng có thể điều trị kịp thời hoặc phòng ngừa chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) cho con người bằng cách khôi phục sự cân bằng cho hệ vi sinh vật đường ruột.
Theo: Ngọc Khuê (TNO)