Steve Jobs: Tính cách thay đổi số phận

Steve Jobs khi trở về Apple năm 1996 vẫn không hề thay đổi. “Ông ấy không bao giờ nương nhẹ với các nhân viên Apple, không bao giờ ngừng tin tưởng vào trực giác và bản năng để đưa ra quyết định về các vận hành Apple”.

Thời gian sống của các bạn là có giới hạn, vậy nên đừng lãng phí nó bằng việc sống vì ý chí của kẻ khác. Đừng lo sợ cái gọi là “giáo điều”, vốn là sản phẩm của miệng lưỡi thiên hạ. Đừng để ý chí cá nhân của kẻ khác lấn át tiếng nói sâu thẳm bên trong con người bạn. – “Chúng ta đâu có nhiều cơ hội để làm mọi thứ trên đời, mọi người nên làm thật tốt những gì bản thân đang làm. Bởi vì đây là cuộc sống của riêng mỗi chúng ta”.

Steve Jobs ra đi, để lại một khoảng trống mênh mông ở Thung lũng Silicon nói riêng và thế giới công nghệ nói chung.

·Chính tính cách, thái độ sống của mỗi người sẽ góp phần chủ yếu vào sự quyết định số phận của người đó, chứ không phải trí thông minh. Dám chấp nhận và sẵn sàng cho sự thay đổi sẽ góp phần tạo thêm sức mạnh sáng tạo. Phần lớn sự thành công của chúng ta tùy thuộc vào khả năng đảo ngược tình thế, khả năng ứng biến để xoay chuyển tình hình, đó là thái độ tích cực sáng tạo trong cuộc sống… (Tâm hồn sáng tạo/hieuhoc_hieuhoc.com)

Người theo đuổi sự hoàn hảo

Tạp chí Fortune từng mô tả Steve Jobs “là một trong những kẻ có cái tôi to nhất Thung lũng Silicon”. Cả Fortune và kênh CNNMoney đều liệt nhà sáng lập Hãng Apple vào danh sách “những ông sếp cứng rắn nhất nước Mỹ”.

Một cộng sự của Steve Jobs là Jef Raskin từng nói ông có đủ tố chất để “trở thành một ông vua nước Pháp tuyệt vời”. Những người từng làm việc với Steve Jobs nhận định ông là người có tình yêu lớn lao đối với công việc, tin tưởng vào trực giác một cách mãnh liệt “gần như mù quáng”, cầu toàn “đến mức điên cuồng”.

Cựu chủ tịch Hãng Pepsi-Cola John Scully, người được đích thân Steve Jobs chiêu dụ về Apple và đã mở cuộc “đảo chính” đá bay ông ra khỏi Apple năm 1985, cũng phải thừa nhận cựu đồng nghiệp và đối thủ của mình là người không bao giờ thay đổi nguyên tắc. “Ông ấy tin tưởng vào từng chi tiết của mỗi bước đi – John Scully cho biết – Ông ấy luôn cực kỳ cẩn trọng với mọi thứ. Đó là một người theo đuổi sự hoàn hảo đến tận cùng”.

Nhà báo Joe Nocera của báo New York Times mô tả Steve Jobs là “một nhà độc tài chỉ tin tưởng trực giác của mình”.

Chính Steve Jobs từng kể có khi ông phải mất hàng tháng mới chọn được đồ dùng trong nhà bởi ông có khiếu thẩm mỹ tinh tế và cực kỳ khó tính. “Nhiều khi tôi chẳng muốn mua thứ gì vì trông chúng rất ngớ ngẩn”.

Có lần Steve Jobs và gia đình đi mua một chiếc máy giặt. Tất nhiên ông chẳng để ý gì đến giá cả, nhưng lại “săm soi” từng chi tiết nhỏ như thiết kế châu Âu và Mỹ khác nhau như thế nào, thời gian mỗi lần giặt, có tiết kiệm nước hay không, việc sử dụng bột giặt như thế nào… Cuối cùng gia đình ông phải mất đến vài tuần mới mua được một chiếc máy giặt vừa ý.

Và Steve Jobs cũng áp dụng nguyên tắc đó vào trong công việc. Nhiều nhân viên của Steve Jobs khi còn ở Công ty NeXT kể cảm nhận ban đầu của họ về Steve Jobs là người cực kỳ thông minh, có khả năng thúc đẩy người khác và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Nhưng trong công việc, ông là một người “khủng khiếp”.

Cuối thập niên 1980, hai kỹ sư NeXT đã làm việc quên ăn, quên ngủ từ sáng đến đêm trong suốt 15 tháng để chế tạo một loại chip hiện đại. Tuy nhiên, họ vẫn bị Steve Jobs “sạc” cho một trận tơi tả trước toàn thể công ty vì đã “không làm việc nhanh hơn như yêu cầu”. Một người sau đó đã bỏ cuộc.

“Thái độ của Steve luôn luôn là: cậu đã làm việc đó được một tuần rồi, cậu thông minh lắm cơ mà. Vậy cậu đã làm được gì? – một cựu nhân viên NeXT kể – Đó là lý do tất cả mọi người đều sợ Steve”. Dan’l Lewin, người đồng sáng lập NeXT, nhận xét: “Steve quản lý mọi chi tiết dù là nhỏ nhất”.

Trước buổi lễ ra mắt Công ty NeXT ở San Francisco, Steve Jobs đã buộc một nhân viên phải chọn 37 loại màu xanh khác nhau trước khi tìm ra được một màu đại diện cho công ty. Mọi người gọi màu đó là “màu xanh của Steve”. Cựu quan chức Apple là Edgar S. Woolard kể khi Apple ra mắt máy tính Macbook đầu tiên, Steve Jobs và các kỹ sư đã ngồi thảo luận nhiều giờ để tìm ra màu sắc phù hợp nhất cho chiếc máy.

Ông John Scully kể Steve Jobs thường buộc các nhân viên luôn phải cố gắng hết mình. Khi một kỹ sư đến trình Steve Jobs một phần mềm mới anh ta vừa viết, Steve Jobs ngó qua rồi quẳng lại cho kỹ sư đó với một câu nhận xét: “Chưa đủ tốt đâu”. Và cuối cùng họ tạo ra được những sản phẩm mà họ không nghĩ rằng mình đủ khả năng làm ra.

Nhưng có đôi lúc các nhân viên của Steve Jobs cũng phải tìm cách xoay xở để đối phó với những đòi hỏi quá gắt gao của ông. Họ thường cố tình trình cho ông những thiết kế tệ nhất trước và để dành những cái đẹp hơn, “đỉnh” hơn cho lần sau.

Hãy là ông chủ của chính mình!

Steve Jobs khi trở về Apple năm 1996 vẫn không hề thay đổi. “Ông ấy không bao giờ nương nhẹ với các nhân viên Apple, không bao giờ ngừng tin tưởng vào trực giác và bản năng để đưa ra quyết định về các vận hành Apple” – nhà báo Joe Nocera cho biết.

Steve Jobs vẫn cứ “cắt vụn các nhân viên thành từng mảnh nhỏ” khi họ đưa ra một sản phẩm không đạt tiêu chuẩn mà ông đề ra hay vì trình bày những ý tưởng mà ông gọi là “ngớ ngẩn”.

“Nhưng trực giác của ông quá nhạy bén, bản năng của ông luôn chính xác, uy tín của ông quá lớn lao nên các nhân viên Apple sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất cùng Steve Jobs” – nhà báo Nocera viết. Điều mà Steve Jobs luôn nhấn mạnh ở Apple là “không bao giờ được đi chung đường với người khác”.

Hồi tháng 8-2011, tạp chí Fortune từng có bài viết về văn hóa Công ty Apple. Bài báo khẳng định Steve Jobs luôn khuyến khích các nhân viên tư duy khác biệt. “Tiến trình sáng tạo của Apple là mọi nhân viên đều phải tư duy như thể là ông chủ, là ông chủ của chính mình, trước khi ra trình diện Steve Jobs” – Fortune viết.

Nhà báo Bryan Appleyard của báo The Sunday Times từng nhận xét Apple giống như một giáo phái hơn là một công ty, và ở đó Steve Jobs là giáo chủ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ở Apple, Steve Jobs thường được so sánh với Chúa Jesus. Và các con chiên ở Apple vẫn thường xuyên nghe giáo chủ giảng bài.

Một trong những bài giảng ưa thích của Steve Jobs là “Sự khác biệt giữa phó chủ tịch và người lao công” mà ông luôn dành cho các giám đốc vừa được thăng lên chức phó chủ tịch (Apple có khoảng 70 phó chủ tịch). Đại ý của câu chuyện là khi người lao công không làm sạch văn phòng của sếp, anh ta có thể viện lý do là cửa phòng bị khóa.

“Đó là lời bào chữa chấp nhận được của một người đi đổ rác để kiếm sống”, nhưng phó chủ tịch khi gặp thất bại thì không có quyền bào chữa.

Nhiều người từng đặt câu hỏi: Động lực của Steve Jobs là gì? Tiền bạc, quyền lực, hay di sản cá nhân? Steve Jobs rất giàu. Theo ước tính của tạp chí Forbes, tổng giá trị tài sản của Steve Jobs lên đến 7 tỉ USD. Nhưng chắc chắn ông không phải là người tham tiền.

Cựu quan chức Apple Edgar Woolard khẳng định trong ba năm đầu khi Steve Jobs quay lại Apple, ông chẳng hề nhận một đồng nào. Ban quản trị Apple đề nghị trao cho Steve Jobs lượng cổ phiếu trị giá 500 triệu USD, nhưng Steve Jobs từ chối.

“Là người giàu nhất trong nghĩa trang chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Trước khi lên giường ngủ mỗi đêm, cảm thấy rằng mình đã làm được một điều tuyệt vời. Đó mới là điều có ý nghĩa” – Steve Jobs từng nói như thế.

Steve Jobs từng nhiều lần nói rằng cái chết là động lực lớn lao giúp ông thành công. “Biết rằng tôi sẽ chết là công cụ quan trọng nhất tôi từng có để đưa ra những lựa chọn lớn trong đời. Bởi mọi thứ từ những kỳ vọng, sự tự hào, nỗi xấu hổ vì thất bại… đều trở nên vô nghĩa trước cái chết. Nhớ rằng bạn sẽ chết là cách tốt nhất để tránh cái bẫy của lối suy nghĩ rằng bạn có gì đó để mất. Bạn đã trần trụi sẵn rồi. Chẳng có lý do gì mà không hành động theo tiếng gọi của trái tim” – Steve Jobs từng nói.

Khi được phóng viên tờ New York Times hỏi liệu trong tiềm thức ông có từng nghĩ về sự đổi mới hay không, Steve Jobs đã đáp lại rằng: “Không. Trong tiềm thức chúng tôi chỉ nghĩ đến việc tạo ra các sản phẩm vĩ đại”.

Không chỉ là một thiên tài chiến lược quản lý kinh doanh và cách tân sáng tạo, “thuyền trưởng” của Apple, Steve Jobs, còn được biết đến với những phát ngôn bất hủ truyền cảm hứng cho rất nhiều người:

Thời gian sống của các bạn là có giới hạn, vậy nên đừng lãng phí nó bằng việc sống vì ý chí của kẻ khác. Đừng lo sợ cái gọi là “giáo điều”, vốn là sản phẩm của miệng lưỡi thiên hạ. Đừng để ý chí cá nhân của kẻ khác lấn át tiếng nói sâu thẳm bên trong con người bạn. – “Chúng ta đâu có nhiều cơ hội để làm mọi thứ trên đời, mọi người nên làm thật tốt những gì bản thân đang làm. Bởi vì đây là cuộc sống của riêng mỗi chúng ta”. (Bài phát biểu tại Đại học Stanford, Mỹ, năm 2005)

Theo Nhịp sống trẻ.

Bài liên quan

Thiết lập mục tiêu trong cuộc sống

(hieuhoc_hieuhoc.com) “”Mục tiêu là ước mơ không có kết thúc”: Trước khi thiết lập ra các mục tiêu, hãy tìm hiểu ước mơ của mình trước đã. Nếu không, sau này bạn sẽ thấy mình đi theo một con đường mà ngay cả ban đầu mình không có ý định theo đuổi.

Lời khuyên hay nhất về sự thay đổi

Một khi có nhu cầu thay đổi với những gì đang mong muốn, đồng thời có cơ hội hành động cho mục tiêu và khát vọng riêng của mình, chúng ta sẽ nhiệt tình và quyết tâm thay đổi hơn. Thực ra, khi đó bản thân sẽ chủ động tìm kiếm sự thay đổi. 

4 Bí quyết thay đổi cuộc đời

(hieuhoc_hieuhoc.com) Để thay đổi được cuộc đời mình, bạn chỉ cần thay đổi một số thói quen và bắt đầu nhận thức suy nghĩ của chính mình, và mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều…

Cùng chuyên mục