Sáng nay, 29/3, tại Viện Địa chất Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học về động đất và sóng thần. Nếu sóng thần xảy ra, sau 5 phút, Việt Nam mới phát hiện ra và miền Trung sẽ thiệt hại nặng nhất – Viện Vật lý địa cầu nhận định.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu thì trên biển, có 9 vùng nguồn có tiềm năng gây động đất, sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong đó, vùng biển Philippines có nguy cơ cao nhất gây ra sóng thần đến nước ta.
“Nếu động đất mạnh xảy ra ở vùng này thì sau 2 tiếng sẽ đến Việt Nam” – ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống và các phương tiện cảnh báo động đất, sóng thần của chúng ta mới phát hiện được điều này sau 5 phút, ở mức trung bình. Trong khi Indonesia chỉ sau 1 phút đã phát hiện được động đất, sóng thần khi nó xảy ra.
Ông Phương cho biết, vì chúng ta chưa có đủ mạng lưới đo đạc để cung cấp số liệu kịp thời. Ví dụ những đứt gãy ở sông Hồng thì có những đoạn chúng ta có trạm đo, có những đoạn không có. Trong khi Indonesia có mạng lưới đo đạc dày đặc hơn ta.
“Trên thế giới cũng chưa có nước nào dự đoán được chính xác vị trí xảy ra động đất – sóng thần” – nhà khoa học này cho biết.
Theo GS.TS Bùi Công Quế, nếu sóng thần xảy ra, miền Trung sẽ có sóng cao 5-6m, Bắc Bộ cao 2m, miền Nam cao 2m. Nếu có động đất, 15 phút sau sóng thần sẽ có thể ập vào ven biển miền Trung.
Cũng tham dự hội thảo, PGS.TS Phan Trọng Thịnh, Viện Địa chất Việt Nam đánh giá, Việt Nam có thể chịu động đất mức cao nhất lên đến 8,7 độ richter, nên các nhà máy hạt nhân xây dựng phải được tính toán kỹ lưỡng cho hàng nghìn năm.
Ngay như nước có nền khoa học phát triển như Nhật Bản, theo PGS Thịnh, nước bạn vẫn chưa dự đoán được độ lớn của động đất và sóng thần.
Theo ghi nhận, Việt Nam từng chịu các trận động đất tại Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter), Tuần Giáo năm 1983 (6,7 độ richter) và Vũng Tàu năm 2005 (5,1 độ richter).
Phóng xạ đã đến Việt Nam
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cho biết, tại Việt Nam, Trạm quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phát hiện đồng vị phóng xạ I-131 trong không khí, nhưng hàm lượng rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đại tá, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện trưởng viện Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội cho biết, phóng xạ I – 131 ở hàm lượng nhỏ thì chưa gây nguy hại đến con người và 8 ngày sau nó sẽ phân hủy.
Theo TS Nghĩa, sau này còn có thể phát hiện ra phóng xạ Xeri – 137. “Trong trường hợp xấu nhất chúng tôi sẽ phát cảnh báo. Có thể phát thuốc I ốt cho mọi người uống đề phòng” – TS Nghĩa nói.
Chiều nay, các chuyên gia y tế đã họp tại Bộ Y tế để lên các phương án đối phó với phóng xạ từ Nhật Bản.
Hiện Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội là nơi được trang bị hiện đại nhất cả nước để phòng chống các bệnh nhiễm xạ.
Theo từ điển Khoa học và Công nghệ McGraw-Hill, mây phóng xạ là thuật ngữ dùng để chỉ một lượng không khí và hơi nước mang theo các chất phóng xạ từ vụ nổ hoặc sự cố hạt nhân. Trong những ngày này, mây phóng xạ từ Nhật đã lan ra nhiều khu vực. Tuy nhiên, chỉ phát hiện lượng nhỏ phóng xạ trong không khí ở Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết một trạm quan trắc tại Việt Nam đã phát hiện chất phóng xạ trong không khí, nhưng hàm lượng chỉ nhỏ và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Theo (Khoa học/VTCnews)