Sinh viên tự học và thư viện

(hieuhoc_hieuhoc.com) Sinh viên hiện nay rất ít đọc sách và tham khảo tài liệu, cụ thể là thờ ơ với thư viện. Thư viện cũ kỹ, thiếu thốn tài liệu, sinh viên (SV) không lui tới còn có lý do. Nhưng tại các trường ĐH lớn, nơi có thư viện hiện đại, chất lượng tốt cũng không thu hút được SV.

Môi trường tự học cho SV là vô cùng cần thiết, ngoài giờ học trên giảng đường, việc tự học, nghiên cứu bài vở tại thư viện thường tốt hơn ngồi học ở ký túc xá…

Sinh viên thờ ơ với thư viện (* theo TNO)

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp – Giám đốc thư viện trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết: “Nhiều thư viện được nhà nước và nước ngoài đầu tư rất lớn nhưng vẫn không sử dụng hiệu quả, mặc dù chất lượng dịch vụ và đầu sách vượt hơn yêu cầu của người sử dụng”.

Theo ông Hiệp, hằng năm thư viện (TV) ĐH Quốc gia TP.HCM được Nhà nước đầu tư hơn 1 triệu USD, TV ĐH Cần Thơ, ĐH Luật TP.HCM và một số TV khác đều có nhiều nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, nhiều dự án TV hiện đại sắp được thực hiện có trị giá hàng trăm triệu USD, cơ sở vật chất quy mô và hơn hàng trăm nghìn đầu sách. Nhưng thực tế hiện nay, tại TV trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ có SV cao học, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài về làm việc tại VN sử dụng TV có hiệu quả. Lý giải điều này, ông Hiệp cho rằng SV thờ ơ với TV vì trình độ tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác) quá kém nên không thể tham khảo được tài liệu. Bên cạnh đó, TV của trường chỉ là nơi học tập, nghiên cứu, trao đổi, tìm thông tin chứ không phục vụ cho mục đích giải trí khác nên chỉ phù hợp đối với những SV cần đến TV để học tập.

Thạc sĩ Đặng Văn Thống, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin TV – trường ĐH Luật TP.HCM nói: “Nhà trường dành rất nhiều tâm huyết cho TV nhưng không hiểu sao nó vẫn không thu hút được SV”. Ông Thống cho biết mỗi ngày có từ 200 đến 300 SV đến khai thác thông tin TV (chủ yếu vẫn là khai thác hệ thống mạng). Số lượng trên là quá ít so với số SV của trường.

Trong khi đó, tại TV trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, phần đông SV vào chủ yếu để… giải trí.

Thư viện trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được đầu tư rất lớn nhưng nhiều SV vào đây chỉ để thư giãn. Ảnh chụp ngày 15.10 – Ảnh: Đăng Nguyên (TNO)

“Vào TV để lên mạng vì tòa nhà thư viện có wifi tốt”, Nguyễn Thị Mai – SV ngành Quản trị kinh doanh thành thật. Còn Trần Văn Hoàng – SV ngành Công nghệ thông tin thì nói: “Do không có máy tính xách tay nên em vào TV lướt web, nếu không có máy thì chơi với các bạn, chờ có máy trống rồi vào”. Khi hỏi đến việc xem sách, tìm tài liệu thì những SV này đều cho rằng vào đây để xả stress và thư giãn. Thậm chí, nhiều SV đến đây để hẹn hò, ngủ… Một thủ thư của trường cũng tiết lộ: mỗi ngày TV có hơn 3.000 lượt SV ra vào nhưng số lượng đến xem và mượn sách chưa đến 300 người.

Ngày thứ bảy chỉ có 3 SV đến TV

Trước đây, Trung tâm Học liệu trường ĐH Sài Gòn mở cửatừ 7 giờ sáng đến 20 giờ, nhưng chưa đến 18 giờ, SV đã về hết. Thậm chí TV còn mở cả ngày chủ nhật, nhưng chỉ có lác đác vài SV đến ngồi học. Thạc sĩ Đặng Văn Thống – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin TV trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết trước đây TV mở cửa suốt tuần từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối nhưng rất ít SV đến học tập, nghiên cứu. Sau đó, TV chuyển sang mở cửa giờ hành chính thì lại nhận được phản ánh yêu cầu mở cửa lại ngoài giờ vì thời gian đó SV mới rảnh rỗi đến TV. “Năm học này, chúng tôi làm liều mở cửa thêm ngày thứ bảy để xem sao. Nhưng từ hồi mở cửa đến nay đã 3 tháng nhưng ngày thứ bảy chỉ có 3 SV đến TV!”.

Cùng tình trạng trên, tại TV trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM (cơ sở Q.1), mỗi ngày cũng chỉ khoảng 200 lượt SV đến đọc và mượn. Một giảng viên ngán ngẩm: “SV bây giờ không thích nghiên cứu. Trước khi dạy, giảng viên thường giới thiệu giáo trình hay sách tham khảo rất chi tiết nhưng SV không chịu chuẩn bị. TV của trường cho mượn sách miễn phí nhưng các em cũng không mượn về học. Thậm chí đến lớp, SV chỉ mang theo vở ghi bài”.

Khai thác hiệu quả thư viện bằng cách đọc sách, cách sử dụng tài liệu tham khảo… để tự học, tự nghiên cứu.

Kỹ năng tự học của sinh viên

Trong khi đó, phương pháp học đại học hiện nay đã thay đổi nhiều, SV tự học là chính, không còn việc “thầy đọc trò chép” như trước đây. Hơn nữa, hiện nay nhiều trường đã áp dụng hình thức học tín chỉ và trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng đã có định hướng chuyển tất cả các trường ĐH còn đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Với hình thức đào tạo này thì thời gian trên lớp cho SV chỉ chiếm 2/3, còn lại SV phải tự nghiên cứu và tự học. Do vậy, việc SV đến thư viện là rất quan trọng, không chỉ là nơi để ngồi học mà còn là kỹ năng tự học của sinh viên, biết khai thác hiệu quả thư viện bằng cách đọc sách, cách sử dụng tài liệu tham khảo… để tự học, tự nghiên cứu.

Thư Viện tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Sinh viên Đại học: chưa quen cách học

 Ở bậc Đại học, nếu sinh viên không chủ động trong việc tiếp cận kiến thức thì sẽ lơ mơ kiểu đi học mà không biết gì. Từ thủ khoa thành... sinh viên trung bình! Đó là thực trạng mà nhiều sinh viên (SV) phải đối diện trong môi trường học tập ở ĐH.   

Phương pháp hiệu quả khi học theo hệ tín chỉ.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Nhiều trường chuyển số đơn vị học trình thành số tín chỉ nhưng vẫn tổ chức kiểu dạy học theo cuốn chiếu, không xác định rõ được vai trò của sinh viên trong tiến trình dạy học. Tuy nhiên, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010: Tất cả các trường ĐH-CĐ phải áp dụng chương trình đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, làm thế nào để học theo hình thức tín chỉ đạt hiệu quả là băn khoăn của không ít sinh viên hiện nay.

Phương pháp học tập ở Đại học

(hieuhoc_hieuhoc): Khối lượng kiến thức giảng dạy ở bậc ĐH là vô cùng lớn, phương pháp giảng dạy và môi trường học tập cũng khác xa bậc học phổ thông. Vì vậy, các bạn sinh viên (SV) cần có được phương pháp học tập thích hợp để có thể tiếp thu hết khối kiến thức đồ sộ đó.

Học cách nhanh chóng

(hieuhoc_hieuhoc.com) Từ sâu thẳm bên trong mỗi cá nhân, tất cả chúng ta đều là những người học (tò mò, ham hiểu biết); không chỉ có bản năng học hỏi mà chúng ta còn yêu thích sự học hỏi. Vậy  nên cần làm gì để sử dụng tiềm năng sẵn có này nhanh chóng và hiệu quả hơn?  

Cùng chuyên mục