Cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay, nhiều cử nhân, kỹ sư được nhà tuyển dụng tiếp nhận nhưng đã từ chối chỉ vì lương thấp, công ty nhỏ không có tên tuổi, thậm chí do ‘nhìn không hoành tráng’…
Muốn làm việc tại doanh nghiệp lớn
Ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành một công ty phần mềm tại TP.HCM, cho biết: “Công ty chúng tôi hoạt động theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) nên không có văn phòng lớn, đội ngũ nhân viên ít và không quảng bá rầm rộ. Chúng tôi tập trung chính sách lương và phúc lợi nhân sự tốt hơn cả với công ty lớn, ví dụ lương nhân viên chăm sóc khách hàng 13 triệu/tháng, nhân viên triển khai phần mềm và nhân viên bán hàng 15 triệu/tháng…) nhưng vẫn bị sinh viên mới ra trường “chê””.
Cùng trong hoàn cảnh trên, tổ chức Business Matching VN cần tuyển một vị trí toàn thời gian lương 5 triệu/tháng, được cấp máy tính và một số chế độ ưu đãi khác… Sau khi đăng tuyển dụng, nhiều sinh viên (SV) mới tốt nghiệp đến nộp hồ sơ, nhưng cuối cùng không có ai đến làm việc. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý VN, cho biết: “Ngày nay, hiện tượng “soái ca” sinh viên chê việc diễn ra nhan nhản. Không ít bạn quan niệm phải làm việc ở các doanh nghiệp lớn, thuê văn phòng hoành tráng, mặc quần áo đồng phục đẹp đẽ, sử dụng máy tính xịn thì mới xứng đáng với tấm bằng cử nhân. Quan niệm đó là không sai, nhưng trước khi đặt ra tiêu chí đó, bạn có bao giờ tự hỏi: mình là ai, mình đã có kinh nghiệm hay chưa, năng lực mình đến đâu…”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng phần đông SV mới ra trường luôn muốn được vào làm việc tại các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tại các hội thảo tư vấn việc làm, nhiều bạn trẻ băn khoăn, cho rằng môi trường làm việc và chính sách phát triển của doanh nghiệp nhỏ không bằng các doanh nghiệp quy mô lớn.
“Thật ra, mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp lớn đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình”, ông Tuấn nhìn nhận.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lý giải: “Một số em, đặc biệt là tốt nghiệp các trường ĐH lớn hoặc ngành học tốt, thì cũng có một chút ảo tưởng về vị trí của bản thân. Bên cạnh đó, các em nghĩ ra trường phải làm một công việc có lương cao, nhưng thực tế mức thu nhập mà doanh nghiệp trả thấp hơn nên không chịu làm. Một số em thì vào doanh nghiệp nhỏ thấy phải làm nhiều việc và có những việc không dính đến chuyên môn được đào tạo nên nghỉ việc. Các em nghĩ rằng mình cần phải được phát huy kiến thức mình học mà không biết rằng ngoài chuyên môn ra, một doanh nghiệp còn diễn ra rất nhiều hoạt động khác”.
Nhưng theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam, nguồn gốc sâu xa của tình trạng “chê việc” này chính là do bạn trẻ được bố mẹ bao cấp, không đi làm vẫn được “nuôi” nên không có ý thức phải kiếm cho được một công việc. Nguyên nhân thứ hai, theo ông Tuấn Anh, là do bạn trẻ chưa hiểu rõ bản chất của công việc.
“Các em nhận lương 5 triệu thì phải tạo ra doanh thu ít nhất 6-7 lần tương ứng, là 30-35 triệu/tháng. Doanh nghiệp ngoài trả lương còn phải chi trả rất nhiều chi phí tạo dựng hệ thống. Trường ĐH và các giảng viên đã không chỉ cho các em thấy sự khắc nghiệt và hiện thực của kinh doanh, mà thường chia sẻ những thông tin hoang tưởng về việc làm cho sinh viên, thiếu đi những góc nhìn thực tế. Bên cạnh đó, truyền thông truyền tải về những trường hợp tốt nghiệp được trả lương 2.000-5.000 đô la, đã tạo ra sự hoang tưởng. Các em cần biết rằng đó là những trường hợp hiếm và phải xuất sắc thế nào mới đạt được mức lương đó”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, hệ thống các doanh nghiệp gồm nhiều cấp độ, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp chiếm hơn 90% ở VN, 10% còn lại là công ty lớn, tập đoàn. Do đó, theo ông Cao Trung Hiếu, khát khao nhân lực của 90% này luôn lớn nhưng xã hội lại xem thường vai trò này. “Điều đó tạo độ vênh khiến tình trạng thất nghiệp tại VN ngày càng tăng, còn doanh nghiệp thì than thở không có nhân lực. Chỉ có thay đổi tư duy, nhận thức để hiểu đúng hơn về vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì mới giải quyết được gốc rễ của tình trạng thất nghiệp và thiếu nhân lực này”, ông Hiếu chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên, trước hết bạn trẻ cần có sự trải nghiệm và nỗ lực học hỏi từ công việc ở những doanh nghiệp vừa sức với mình để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi có kinh nghiệm, chuyên môn và kỹ năng được rèn giũa thì một công việc tốt với mức thu nhập cao sẽ ở trong tầm tay.
Theo:Mỹ Quyên (Giáo dục /TN)