(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhà trường không thể đào tạo ra sinh viên có thể đáp ứng ngay được nhiều nhu cầu khác nhau của từng doanh nghiệp. Việc của nhà trường là chỉ dạy sinh viên theo yêu cầu chung nhất của xã hội. Đó là có tri thức, kỹ năng và thái độ để làm việc. Vì thế, sinh viên cần phải tự bổ sung thêm kiến thức phù hợp để sau khi ra trường có thể thích ứng với đòi hỏi của doanh nghiệp.
Không học thêm không đi làm được
Nhiều sinh viên ý thức được rằng, sau khi tốt nghiệp, nếu chỉ dựa vào kiến thức học được ở trường thì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Chính vì thế, họ đã chủ động trang bị cho mình những kiến thức sâu hơn so với những chương trình đào tạo trong nhà trường.
Ban ngày đến trường, buổi tối và ngày nghỉ tranh thủ đi học thêm tại các trung tâm. Không ít sinh viên đang theo học các ngành Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, khối ngành Xã hội… phải học thêm như thế dù chương trình có trong nội dung đào tạo, vẫn phải bổ sung thêm nhiều kỹ năng nữa thì mới mong kiếm được việc làm sau này.
Sinh viên đi làm thêm để… học thêm
Trên thực tế, “sản phẩm” ra trường của giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đội ngũ cử nhân, kỹ sư yếu cả về kỹ năng thực hành nghề nghiệp lẫn ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp… Một khảo sát về hiện trạng giáo dục đại học trong một số ngành học ở Việt Nam do Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ thực hiện gần đây cũng cho thấy: Nội dung của mỗi môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời, mất cân đối giữa các giờ học lý thuyết và thực hành… Vì thế, sinh viên phải tự trang bị thêm cho mình bằng cách đi làm thêm để… học thêm, để rèn luyện từ thực tế và cũng là cách kiếm thêm tiền để trang trải cho việc học vậy.
Hoàng Chương (hieuhoc_hieuhoc.com)