Sếp trẻ hung hăng vì… testosterone

Những vị sếp còn quá trẻ và tính khí nóng nảy rất dễ làm cơ đồ của mình sụp đổ. Đó là kết luận mới nhất của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học British Columbia ở Canađa.

Sếp trẻ “hung hăng” do thừa testosterone.

Công trình nghiên cứu Deal or No Deal: Hormones and the Mergers and Acquisition Game vừa được công bố trên tạp chí khoa học Management Science, cho biết: Tổng giám đốc trẻ của các công ty thường phá bĩnh cuộc thương thảo bán cổ phần chính cho công ty khác nhiều hơn 20% so với các sếp lớn tuổi. Mặt khác, chính các ông chủ “tuổi trẻ tài cao” cũng thích thôn tính những công ty khác. Họ rất cứng nhắc, bảo thủ khi có ai đó muốn thâu tóm cổ phiếu chi phối của công ty, do đó đối tác buộc phải “đi cửa sau” với các cổ đông khác.

Sự non dạ của các vị tổng giám đốc trẻ người hay khiến cho các cuộc thương lượng về những vấn đề kinh tế “tế nhị” bị đổ vỡ. Đó là do lượng testosterone trong máu cao, tức mức độ “bùng nổ” cao. Tỷ lệ thất bại trong đàm phán ở các sếp “già rơ” ít hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu Canađa đã phân tích 357 giấy đăng ký mua lại công ty được đưa ra ở Mỹ từ năm 1997 đến năm 2007. Tuổi của các vị lãnh đạo doanh nghiệp được giới hạn ở mức 45 – chính từ lứa tuổi này lượng testosterone ở đàn ông bắt đầu giảm từ từ. Các cuộc nghiên cứu trước đó đã chứng minh mối quan hệ rõ rệt giữa lượng testosterone cao với tính “hiếu chiến”, “hiếu thắng” ở nam giới.

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Canađa khởi nguồn từ cuộc thử nghiệm năm 2007 ở Trường Đại học Harvard (Mỹ). Các cặp sinh viên nam được gợi ý nhận 40 USD với điều kiện một người phải chia cho người kia 5 USD hoặc 25 USD, anh này có thể đồng ý làm như thế hoặc từ chối nhưng nếu khước từ thì chẳng ai được hưởng đồng nào. Sau đó các sinh viên được thử nước bọt để xác định mức testosterone.

Kết quả là 45% chàng trai có lượng testosterone cao chẳng chịu chia 5 USD cho bạn dù rằng vì thế mà mình cũng trắng tay. Còn ở nhóm những thanh niên có mức testosterone thấp hơn bình thường thì chỉ 7% từ chối san sẻ tiền cho bạn. Các nhà khoa học ở Trường Đại học Harvard kết luận rằng đàn ông có lượng testosterone “tràn trề” cảm thấy bị xúc phạm mạnh hơn những người khác nếu nhận được lời đề nghị không có lợi hoặc thiếu sòng phẳng. Đến mức họ sẵn sàng “đi không về không” còn hơn là bị “làm nhục”.

Bình luận về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canađa, Semen Dukach (một doanh nhân Mỹ rất thành đạt) cho biết: “Tôi đã từng thất bại mà nguyên nhân chính là do “dúng mũi” vào mọi việc, kiểm soát mọi thứ, thích tự mình làm tất cả, chẳng dám tin ai, làm việc như trâu và thử nghiệm nhiều. Không ít người lúc trẻ cũng thế. Nhưng sau mấy năm, do mọi người khuyên bảo và nhờ đọc sách mà tôi hiểu rằng chẳng thể từ doanh nghiệp nhỏ tiến lên nếu tự mình kiểm soát tất cả. Bây giờ tôi có phong cách làm việckhác hẳn.Tôi chọn nhân viên là những người có sự hiểu biết nhất định và hoàn toàn tin tưởng họ, cho phép họ có thể sai lầm. Tôi dạy họ cách tìm người trợ lý và giao một phần trách nhiệm cho trợ lý.

Ý tưởng của tôi bây giờ là nhìn xem nhân viên của mình đi theo hướng nào chứ không tìm cách kiểm soát chi li công việc của anh ta. Hãy để cho mọi người tự tỏa sáng. Họ sẽ làm việc tốt hơn khi được giao trách nhiệm. Họ sẽ lớn lên cùng trách nhiệm. Hoặc là không lớn lên được. Tôi rất thích sa thải những người không tự chịu trách nhiệm và chỉ làm theo những gì được chỉ bảo.

Thêm nữa, khi còn trẻ tôi rất hung hăng trong các cuộc thương lượng, cố tối ưu hóa mọi điều kiện, còn bây giờ tôi thường chỉ chọn một điều cốt lõi đối với bản thân. Bây giờ tôi biết chịu đựng hơn. Tôi cố gắng sử dụng thời gian làm đòn bẩy đàm phán, nghĩa là giãn nhịp độ đàm phán để xem phản ứng của đối tác”.

Còn Igor Pisarsky, chuyên gia về ý tưởng PR và quảng cáo nổi tiếng ở Nga, tâm sự: “20 năm trước tôi có thư ký riêng và vớ được cơ hội làm sếp. Có thể gói gọn những sai lầm của tôi trong quá khứ vào hai phần. Thứ nhất, bây giờ tôi hiểu rằng kinh doanh không phải là khi anh làm việc mà khi anh biết cách buộc người khác làm việc hiệu quả cho anh. Nhưng lúc trước tôi không hiểu ra. Thứ hai, phải biết nói “không”.

Egor Altman, “thần đồng quảng cáo” Nga, đồng sáng lập và đồng sở hữu công ty “Truyền thông thống nhất”, Phó tổng giám đốc hãng Business FM, nhận xét: “Tôi đồng tình với công trình nghiên cứu nói trên, nhưng tôi cho rằng cả người lãnh đạo trẻ lẫn sếp lớn tuổi đều có ưu thế riêng, tùy vào thị trường mà họ nhắm vào. Sếp trẻ giỏi hơn trong lĩnh vực đầu tư bởi do còn ít tuổi hay do thiếu hiểu biết mà chấp nhận những rủi ro mà người trừng trải hơn không chấp nhận. Mặt khác, trong các lĩnh vực “bảo thủ” như ngân hàng thì người giàu kinh nghiệm sẽ vừng vàng hơn. Các doanh nhân khác nhau thì bán những mặt hàng khác nhau – người này bán niềm hy vọng, người kia bán dự án sáng tạo… Điều này xác định tuổi tác của các ông chủ”.

Theo: (Snob.ru/Tamnhin)

Cùng chuyên mục