Khi nhắc đến công việc, điều đầu tiên bạn nhớ đến sẽ là sếp của bạn. Dựa trên kết quả khảo sát, 50% số nhân viên bỏ việc vì không chịu nổi sếp. Có lẽ việc quy mọi thứ là lỗi tại sếp sẽ dễ dàng hơn cho bạn, nhưng trong một số trường hợp, vấn đề thực sự nằm ở bạn chứ không phải họ.
Bạn cho rằng sếp có thể đọc được ý nghĩ bạn
Sếp không thể đọc được suy nghĩ của bạn, họ không có cách nào biết được bạn đang nghĩ gì, cảm thấy ra sao, vì vậy, nếu bạn muốn điều gì, bạn phải nói ra.
Mỗi chúng ta cần phải ghi nhớ kỹ điều đó, sếp của ta sẽ không rảnh rỗi mà cố gắng đoán ý nghĩa những hành động, cử chỉ của ta. Họ có trách nhiệm quản lý ta, nhưng họ vẫn còn vô vàn những việc khác phải làm.
Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy hỏi. Nếu bạn thấy áp lực, hãy nói ra. Nếu bạn thất vọng vì không được thăng chức, hãy trao đổi với sếp về điều đó. Đừng chờ đợi sếp phải đến bên hỏi bạn, sếp của bạn sẽ không có thời gian để làm việc đó và sẽ chỉ có bạn cảm thấy khó chịu bực bội. Cảm xúc tiêu cực đó sẽ ảnh hưởng đến công việc của bạn.
Bạn làm việc chưa thật sự hiệu quả
Đây là tình huống có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất kỳ lúc nào, nhưng một khi sếp bạn biết được điều đó, họ sẽ không còn quá tin tưởng giao những công việc quan trọng hay đề xuất thăng chức cho bạn, thậm chí bạn có thể còn bị trừ lương.
Khi đối mặt với những tình huống đó, có thể bạn sẽ cằn nhằn, khó chịu về việc bị sếp trù dập, về sự khắt khe “quá đáng” của ông ấy. Nhưng hãy khách quan nhìn nhận vấn đề, bạn trễ hạn chót, bạn làm qua loa cho xong công việc, bạn ngồi chơi ở công ty cả ngày – đó là lỗi của bạn, không phải của ông ấy.
Hãy nhìn lại bản thân xem có điểm nào bạn có thể khác phục để tăng hiệu quả công việc không, có điều gì có thể giúp bạn trở thành một nhân viên tốt hơn trong mắt sếp? Và hy vọng rằng bạn sẽ nhận ra bạn không ghét sếp của bạn đến thế.
Có nhiều lý do khiến bạn không thích một người – tiếng họ phát ra khi cười, cách họ nói chuyện, những việc họ làm. Nhưng chuyện sếp không phải là mẫu người bạn muốn kết bạn không có nghĩa tất cả mọi việc sếp làm là sai. Đừng để cảm xúc cá nhân xen lẫn vào công việc, nếu không, bạn sẽ chỉ tự làm giảm hiệu quả làm việc và danh tiếng của bản thân trong mắt mọi người.
Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên đôi khi có thể căng thẳng và khiến bạn mệt mỏi, tuy nhiên, chỉ cần bạn muốn, mối quan hệ đó sẽ luôn luôn có cách để cải thiện. Hãy cố gắng nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất có thể, thay đổi những việc mà bạn biết là chưa tốt, và hơn hết là hãy hiểu rằng sếp cũng là con người, họ sẽ có những điểm tốt và những điểm họ cần phải khắc phục, đừng quá khắt khe, đòi hỏi họ phải hoàn hảo chỉ vì họ là sếp của bạn.
HOÀNG ANH (theo CNBC)/(DNSGCT)