Từ 8 trường chủ chốt được lựa chọn để đầu tư nâng cao năng lực giáo viên, sắp tới sẽ chọn ra 2 trường trọng điểm có thể nâng cấp thành 2trường sư phạmquốc gia của cả nước.
PGS. TS. Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Giám đốc chương trình Phát triển các trường sư phạm đã cho biết như vậy tại hội thảo 70 năm ngành sư phạm diễn ra sáng 21/12.
Theo bà Hồng, Chương trình phát triển các trường sư phạm được phê duyệt ngày 30/5/2016 có mục tiêu là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.
Sẽ có khoảng 8 trường được lựa chọn để để đầu tư nâng cao năng lực cho giáo viên và xác định đây sẽ là 8 trường chủ chốt. “8 trường này sẽ là 8 trường đầu tầu cho mạng lưới các trường sư phạm sắp tới” – bà Hồng cho hay.
Theo dự kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới mạng lưới cáctrường sư phạmsẽ thu nhỏ lại, chỉ để lại trên dưới 10 trường. Tuy nhiên, 8 trường được lựa chọn trong chương trình này sẽ là 8 trường đầu tầu, mũi nhọn.
“Trong 8 trường được lựa chọn làm mũi nhọn này sẽ chọn ra 2 trường trọng điểm là 2 trường có thể nâng cấp thành 2 trường sư phạm quốc gia. Từ đó sẽ tạo ra một hệ thống có ảnh hưởng, có sự lan tỏa” – bà Hồng thông tin.
Báo cáo của bà Hồng cho biết, tính đến tháng 11/2016, cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, tạo thành một hệ thống phân bố tương đối đồng đều khắp ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, việc có nhiều cơ sở đào tạo, phân bố phạm vi rộng và quy mô đào tạo của mỗi cơ sở nhỏ dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún và dàn trải. Nhiều trường sư phạm phát triển trong tình trạng thiếu ổn định, năng lực và quy mô đào tạo của mạng lưới các trường sư phạm đã vượt quá nhu cầu về số lượng giáo viên ở một số ngành học, bậc học và nhất là ở THCS và THPT. Nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không có việc làm hoặc làm không đúng với chuyên ngành được đào tạo.
Chất lượng các trường sư phạm trên toàn quốc không đồng đều, chưa có những cơ sở đầu ngành được đầu tư để gánh vác trách nhiệm đi đầu và dẫn dắt, hỗ trợ các cơ sở khác trọng mạng lưới đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.
“Vì thế, cần quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và tập trung đầu tư có trọng điểm (không dàn đều phân tán) để có được một mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiệu quả, trong đó có vai trò của các trường sư phạm đầu ngành, đủ mạnh và đủ năng lực làm hạt nhân phát triển, dẫn dắt các trường sư phạm trong hệ thống đảm bảo chất lượng trong đào tạo” – bà Hồng nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, các nước trong khu vực có số trườngđào tạo sư phạmkhá ít và đòi hỏi rất cao đầu vào. Đối với nước ta, điều này ngược lại.
Từ đó, ông Minh cho rằng, cần phải sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc.
“Việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị của tầm vĩ mô và sự đồng thuận của các đơn vị. Không tập trung giải quyết vấn đề này thì khó nâng cao chất lượng đội ngũ và hệ quả là khó phát triển giáo dục đất nước” – ông Minh nói. “Mặt khác, nếu giải quyết được khâu này sẽ có điều kiện đầu tư tập trung, có trọng điểm, tránh dàn trải, hiệu quả chưa cao”.
Trong ngày 21/12, Bộ GD&ĐT đã có thông báo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội thảo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, khung năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm diễn ra đầu tháng 12 vừa qua.
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự cần thiết phải quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm để tạo ra một hệ thống trường sư phạm có chất lượng với vai trò đầu tầu của một số trường có tính chất trọng điểm quốc gia, các trường còn lại sẽ đóng vai trò như là vệ tinh hoặc phân hiệu của các trường trọng điểm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tự rà soát chỉ tiêu tuyển sinh, nghiên cứu đề xuất phương án giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngay từ năm 2017; đồng thời đề xuất phương án nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường đại học sư phạm nhanh chóng tiếp cận các chuẩn/tiêu chuẩn về giảng viên sư phạm, giáo viên và hiệu trưởng phổ thông, Khung trình độ quốc gia, nội dung chương trình sách giáo khoa mới để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng.
Bộ trưởng thống nhất với phương án hoàn thiện Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất 3 chuẩn và 12 tiêu chí.
Lê Văn (Giaoduc/VNN)