Sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa

(Hiếu học) Với niềm tin “sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa”, đất nước Việt Nam trên con đường đi tới chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bạn trẻ Việt chúng ta.

Chia “giỏ” kinh nghiệm với mọi người

Giữa năm 2010, Đoàn Thuận Hải quyết định về Việt Nam làm việc sau mười năm “cày sâu cuốc bẫm” trong lĩnh vực kiểm toán và tài chính ở Singapore.

Đoàn Thuận Hải – Ảnh: desmond

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chàng trai cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) quyết định sang Singapore học về kiểm toán và tài chính. Mười năm vừa học vừa làm cũng là thời gian Hải âm thầm lặng lẽ vẽ ra một mục tiêu khá cụ thể: khi đã có được một “giỏ” kinh nghiệm sẽ đem về Việt Nam… chia cho mọi người.

Kinh nghiệm Hải học được chủ yếu từ công ty kiểm toán có tiếng của Mỹ đặt tại Singapore: Ernst & Young Solutions LLP. Ba năm đầu Hải làm ở bộ phận kiểm toán thuộc lĩnh vực tàu biển, giao thông công chính. Năm năm sau Hải chuyển sang định giá cho việc mua – bán và sáp nhập của các công ty; định giá tài sản vô hình theo chuẩn mực kế toán quốc tế và định giá các vấn đề liên quan đến tranh chấp, bồi thường.

Sau đó Hải “đầu quân” cho Công ty Rajah & Tann – một trong bốn công ty luật hàng đầu tại Singapore, có bề dày kinh nghiệm về tư vấn ra nước ngoài, có thế mạnh tranh chấp phân giải ở tòa án quốc tế, am hiểu phong tục tập quán người châu Á. Với chức danh giám đốc phát triển thị trường, phụ trách thị trường Việt Nam, Hải nói đây là thời cơ để anh được phục vụ quê hương.

Trước nay có khá nhiều công ty ở Việt Nam thường phải nhờ tòa án Singapore xử tranh chấp các hợp đồng mua bán với nước ngoài. Công ty Rajah & Tann đặt mục tiêu khi có mặt ở Việt Nam là làm đối tác cho các công ty trong nước có tranh chấp giảm được rất nhiều chi phí (như chi phí đi lại, thuê luật sư nước ngoài…) khi cần đến tòa án quốc tế xét xử, thay vì phải thuê công ty luật của Mỹ, châu Âu hoặc phải bay sang Singapore. “Quan trọng hơn, làm đại diện cho Rajah & Tann nhưng tôi luôn tâm niệm đó là công ty của Việt Nam” – chàng trai 33 tuổi khẳng định.

Trở về Việt Nam làm việc, Hải còn ôm ấp giấc mơ được giảng dạy tại các lớp đào tạo về kiểm toán và tài chính. Kế hoạch của mười năm trước, bây giờ mới là lúc để Hải thực hiện chia cái “giỏ” kinh nghiệm cho những bạn trẻ nào cần để có thêm nhiều giám đốc trẻ khác cho Việt Nam. Viết sách cũng là cách để truyền tải kinh nghiệm.

Hải và những người bạn đang trong giai đoạn hoàn tất quyển sách Định giá – từ lý thuyết đến thực tế mà Hải là người nhận phần thực tế. Chuyến hành trình xa xứ của Hải nay ngoặt trở về quê hương, anh nói chưa bao giờ hạnh phúc như lúc này khi được sống gần gia đình và tin sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa trên chính quê hương mình.

Những hạt giống khác biệt

Lương Phương Thảo hiện sống và làm việc tại TP.HCM – Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi nghĩ rằng đất nước nào cũng có những cá nhân thật tài giỏi và xuất sắc. Nhưng không hẳn chỉ có những người tài giỏi mới đóng góp xây dựng cho đất nước. Với tôi, không phải nhất định ở một nơi cụ thể và làm những điều to tát mới gọi là đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tại sao không nghĩ rằng phát triển cá nhân, sống tốt và hạnh phúc cũng là một cách đóng góp cụ thể?

Tôi đã từng tự đặt câu hỏi thế nào là nhân tài? Phải chăng mỗi bạn trẻ ngày nay đều là một nhân tài, mang trong mình một sức mạnh ghê gớm mà chúng ta chưa khai thác hết? Tôi cho rằng còn rất nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau về nhân tài. Nhưng hãy khuyến khích sự khác biệt, đừng sợ hãi những gì khác với số đông, chấp nhận cái mới để mở rộng tầm nhìn.

Một cô bạn thích vẽ truyện tranh trong lớp học, một cậu bé thích tạo ra những trò chơi điện tử mới… cũng đáng quý và tài giỏi như bất kỳ một học sinh đoạt huy chương vàng Olympic toán học quốc tế nào khác. Với tôi, đó là cách tốt nhất và hay nhất để có thể tạo nên những “hạt giống” khác biệt về tri thức ngày nay.

Với bản thân mình, ngay sau khi đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 3 là phần học bổng tại Đại học Monash (thành phố Melbourne, Úc), tôi đã quyết định chọn ngành học là kinh doanh quốc tế và marketing.

Thật ra du học cũng là một trong những cơ hội lớn trong cuộc sống, nhưng nó chỉ có giá trị ngang bằng như các cơ hội khác. Ví dụ như học tập tại Việt Nam cũng là một cơ hội. Tôi nghĩ rằng quan trọng là bản thân mình thích ứng với những điều mình chọn lựa như thế nào. Hiện tại tôi đang làm tại một công ty quảng cáo. Tôi tập trung vào công việc và chuyên ngành mình theo học, và đó là hạnh phúc của tôi.

Giảng viên 8X ở ĐH Kinh tế TPHCM

Đó là thạc sĩ Đỗ Kiên Trung, sinh năm 1984. Dạy Triết – môn học được coi là khá “xương” đối với sinh viên, thầy giáo trẻ này đang được rất nhiều sinh viên yêu mến.

Tình cờ trở thành giảng viên (Hình:Thầy Trung đứng giữa, hàng trên cùng các thành viên CLB CYM Group)

ThS Đỗ Kiên Trung tốt nghiệp khoa Triết, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM). Khi ra trường, thầy làm ở Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM, mức lương cộng tác viên chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Một lần, đọc tờ báo ngày, thầy thấy góc trang có đăng tin tuyển dụng giảng viên dạy Triết của Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Thầy kể: “Mình đăng ký thi tuyển, qua các vòng gắt gao như thi tiếng Anh, Luật, Tin học, giảng mẫu trước Hội đồng nhà trường và được chọn. Mình luôn kể câu chuyện tình cờ này để chia sẻ với sinh viên rằng: Sự thay đổi của cuộc đời bạn tốt hay xấu đi, đôi khi chỉ bằng một sự tình cờ”.

Trên Facebook, thầy Trung được rất nhiều học trò ủng hộ. Sau những tiết học, thầy Trung nhận được rất nhiều câu hỏi của sinh viên xin tư vấn về các vấn đề… tình cảm. Thầy cho biết, chủ đề “hot” nhất vẫn là sống thử và đồng tính. “Tôi luôn hướng các bạn rằng, dù hoàn cảnh nào cũng phải biết nghĩ những điều có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội trước. Sau đó, phân tích cặn kẽ để thuyết phục các bạn hiểu điều đúng, các bạn sẽtự quyết định làm theo hay không” – thầy Trung nói.

Thầy Trung cũng có cách phá sự “ù lì” cố hữu của lớp học thông qua “3 điều khuyên” sinh viên nên làm: Nên đọc báo cập nhật tin tức thường xuyên. Nên chủ động đặt câu hỏi. Nên hoài nghi một cách khoa học những điều thầy giảng. Thầy chia sẻ: “Mình thích hai câu trong Triết học Mỹ: Nghĩ lớn hơn và Hãy làm đi! Mình truyền tinh thần đó cho các bạn sinh viên. Không ít lần, mình thừa nhận với sinh viên về vấn đề mình không biết. Thậm chí, mình nhận sai. Khi mình thành thật và cởi mở, tạo được sự tin cậy, các bạn siêng phát biểu ý kiến hơn”.

Đề tài nghiên cứu mà thầy Đỗ Kiên Trung hứng thứ theo đuổi từ thời sinh viên đến nay là “Triết học tân thực dụng”. Thầy cho biết, đây là học thuyết triết học của Mỹ, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, pháp luật… của nước Mỹ. Người ta hay nói “Thực dụng như người Mỹ” vì người Mỹ luôn nhìn nhận vấn đề theo tính hiệu quả của nó. Việc ứng dụng “chủ nghĩa thực dụng” giúp người Mỹ xây dựng một đất nước hùng mạnh bậc nhất thế giới. Vậy, thực dụng là một học thuyết tốt. Nhưng giới trẻ, sinh viên vẫn hiểu lầm thực dụng là… lối sống tiêu cực.

Thầy Trung chia sẻ: “Mình rất buồn khi nghe thấy các bạn sinh viên, nhất là các bạn 9X luôn đặt câu hỏi tham gia một diễn đàn học hỏi kỹ năng, tham gia một câu lạc bộ là vì cái gì. Các bạn cho rằng, các bạn đang thực dụng. Thực dụng là tạo ra tiền? Sự thực không phải vậy. Có những cái giá trị như kỹ năng, kinh nghiệm… không tạo ra tiền ngay nhưng nó giá trị hơn tiền rất nhiều”.

Để làm được nhiều điều có ý nghĩa, chúc các bạn ngày càng trưởng thành hơn, xuất sắc hơn, không chỉ trong học tập mà còn nỗ lực tiến bộ trong nhiều hoạt động khác.

Theo: Tài trí Việt (XuânTTO/SVVN)

Bài liên quan

Tìm học ý nghĩa: Hy vọng, sợ hãi và thời gian.

(Hiếu học). Tất cả mọi người đều tìm học, hy vọng sẽ có được nhiều hiểu biết. Nhưng: “Điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn cuộc sống với cặp mắt của trẻ thơ, cái gì cũng mới lạ với nó và đều có thể làm cho nó phải ngạc nhiên”. (Aristot).    

Khó khăn cuộc sống thời sinh viên

(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhiều sinh viên không thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong quãng đời sinh viên. Nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ mắc chứng trầm cảm là do các vấn đề về tài chính, áp lực học hành và chuyện tình cảm.  

Năm mới, cơ hội mới

(hieuhoc_hieuhoc.com) Năm mới là cơ hội để cho chúng ta bắt đầu lại mọi thứ như mới. Chúng ta có nhiều hy vọng và sẵn sàng cho các cơ hội. Điều quan trọng là chúng ta cần biết rõ hơn mình muốn gì và bắt đầu bước những bước đầu tiên cho năm mới! 

Cùng chuyên mục