Cuộc đời cống hiến và hy sinh của GS Vũ Đình Hòe là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ học tập, noi theo. Trong cuộc đời hoạt động, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc của mình, GS đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 1 và Huân chương Kháng chiến hạng 2.
Lễ viếng GS Vũ Đình Hòe, bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT), đã diễn ra tại Nhà Tang lễ TPHCM sáng qua, 10-2. Tổng Bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước… đã gửi hoa kính viếng.
Từ 8 giờ, đoàn đại biểu Ban Bí thư Trung ương Đảng do ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu; đoàn đại biểu Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu cùng các đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM… đã thành kính thắp hương tưởng niệm trước linh cữu GS Vũ Đình Hòe.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo TPHCM, ông Lê Thanh Hải chia buồn sâu sắc với gia đình GS Vũ Đình Hòe. “Cụ đã có công lao to lớn xây dựng nền giáo dục cách mạng VN và ngành tư pháp VN từ những ngày đầu còn rất nhiều khó khăn. Cụ mất đi là sự mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức yêu nước, cách mạng VN; sự mất mát không gì bù đắp được đối với gia đình”- ông Lê Thanh Hải bày tỏ.
Cùng thời gian trên, tại nhà ông Vũ Thế Khôi, con trai trưởng của GS Vũ Đình Hòe, ở Hà Nội, cũng diễn ra lễ viếng GS dành cho những người thân, người yêu mến cụ không có điều kiện vào TPHCM.
GS Vũ Đình Hòe sinh trưởng trong một gia đình Nho học. Ham học với ý muốn có kiến thức để giúp ích cho đất nước, ông đã vượt qua nhiều khó khăn, bảo vệ thành công luận án cử nhân luật khoa tại Trường ĐH Đông Dương. Sau đó, ông tham gia dạy học tại hai trường trung học Thăng Long và Gia Long – Hà Nội.
Trong quá trình dạy học, ông đã góp phần đào tạo nhiều trí thức trẻ có tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng. Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn cho ra đời tờ báo Thanh Nghị, cung cấp cho giới trí thức VN lúc đó nhiều thông tin về hiện trạng đất nước, qua đó thôi thúc họ suy nghĩ về vận mệnh dân tộc.
Tháng 3-1945, ông thoát ly lên Việt Bắc, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
Ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, GS Vũ Đình Hòe đã đưa ra chủ trương khi cách mạng thành công phải tôn trọng bằng cấp của chế độ cũ, sớm tổ chức thi sao cho giáo dục của chế độ cũ không bị đứt đoạn và tiếp thu nền giáo dục cũ, cải tạo thành nền giáo dục cách mạng. Chủ trương này của ông cùng với những chủ trương khác về nền giáo dục nước nhà được Bác Hồ ủng hộ và đã được triển khai thực hiện sau Cách mạng Tháng Tám.
Từ năm 1946-1960, GS Vũ Đình Hòe giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp và tiếp tục có nhiều cống hiến. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết: “Sự đóng góp của cụ dành cho ngành tư pháp VN là vô cùng to lớn. Tấm gương sống khiêm tốn, tận tụy vì ngành của cụ luôn là sự động viên các thế hệ cán bộ tư pháp trong việc thực hiện ý tưởng về một nhà nước pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Cuộc đời cống hiến và hy sinh của cụ Vũ Đình Hòe là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ cán bộ và thanh niên mọi miền đất nước”. PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, viết trong sổ tang: “Chúng tôi coi cụ như người thầy, người cha kính yêu”. PGS-TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, bày tỏ: “Xin kính nghiêng mình trước một nhân cách trí thức lớn, một nhà quản lý giáo dục lớn”…
Lúc 11 giờ, ngày 11-2, lễ truy điệu GS Vũ Đình Hòe sẽ diễn ra tại Nhà Tang lễ TPHCM. Linh cữu GS được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM ở quận Thủ Đức.
Một đời hoạt động, cống hiến
GS Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1913 ở làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang – Hải Dương; từ trần lúc 9 giờ ngày 29-1-2011 tại TPHCM. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN, chuyên viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội VN. Trong cuộc đời hoạt động, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc của mình, GS đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 1 và Huân chương Kháng chiến hạng 2.
Theo: (NLDO)