Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ về công tác đề thi, thanh tra thi, phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH ngoài công lập, phương thức xác định điểm sàn và lời khuyên dành cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.
Thưa Thứ trưởng, chỉ còn ít ngày nữa là thí sinh trên cả nước bước vào đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Đến thời điểm này, công tác tổ chức thi đã sẵn sàng đến đâu?
– Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh chính qui đại học, cao đẳng năm nay đã hoàn tất. Các hội đồng thi trên cả nước đã sẵn sàng đón thí sinh đến dự thi. Các văn bản cần thiết để điều hành kỳ thi năm nay cũng đã được ban hành.
Các Bộ, Ngành và địa phương cũng đã có kế hoạch triển khai các phương án hỗ trợ cho kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Các đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã bắt đầu ra quân giúp đỡ thí sinh từ các địa phương lên thành phố dự thi. Công tác đề thi cũng đã được triển khai đúng kế hoạch… Nói chung, tất cả đã sẵn sàng cho một mùa thi tốt đẹp.
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 được xã hội đánh giá cao, đặc biệt một số đề thi được đánh giá là hay, ra đề theo hướng mở (môn Ngữ văn), gắn liền với đời sống chính trị – xã hội của đất nước (môn Địa lý). Mới đây dư luận xã hội đã phản ứng nhiều về một trung tâm luyện thi môn Ngữ văn cho thí sinh theo lối đọc chép. Vậy năm nay, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT sẽ ra đề thi theo hướng nào.
– Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh. Ban đề thi của Bộ gồm có các giảng viên ĐH, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên phạm cả nước, trong đó giáo viên phổ thông chiếm đa số.
Sự tham gia của giáo viên THPT trong soạn thảo và phản biện đề thi giúp cho đề thi bám sát chương trình, phù hợp với trình độ và thời gian làm bài của thí sinh. Sự có mặt của các giảng viên đại học cũng không thể thiếu để đề thi có tính phân loại, đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức tối thiểu của thí sinh vào học đại học, cao đẳng.
Đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh cũng sẽ được Bộ tiếp thu áp dụng. Điều này sẽ góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Cách học vẹt, học thuộc lòng… sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới.
Do tính chất và yêu cầu của đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng như vậy nên đề thí có những phần dễ để thí sinh trung bình có thể làm được, có những phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có những câu khó dành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc.
Sự sắp xếp các phần dễ, khó trong các đề thi có thể khác nhau vì vậy thí sinh khi làm bài nên lướt qua đề thi, tìm những câu dề, phù hợp với trình độ của mình làm trước rồi làm những câu khó sau nếu còn thời gian.
Các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi năm nay có gì khác so với năm 2012?
– Không có gì khác. Trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ được phổ biến những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục qui định… để phục vụ cho việc làm bài, thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, WiFi, Bluetooth…).
Qui chế nghiêm cấm thí sinh mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong quá trình làm bài thi như iWatch, Google Glass… hay các thiết bị tương tự khác. Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức nếu mang vào phòng thi những vật dụng cấm dù đã sử dụng hay chưa sử dụng. Đây là điều mà thí sinh phải đặc biệt lưu ý.
Công tác thanh tra tuyển sinh năm nay được thực hiện như thế nào?
– Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động gồm những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh. Các đoàn thanh tra này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước.
Trong quá trình chấm thi, Bộ qui định các hội đồng tự chấm kiểm tra một số lượng bài thi qui định để phát hiện sai sót và điều chỉnh. Sau đó, Bộ sẽ chấm thẩm định như mọi năm. Việc thanh tra công tác xét tuyển được thực hiện sau khi các trường đã gọi thí sinh trúng tuyển nhập học.
Song song với quá trình giao quyền tự chủ cho các trường, công tác thanh tram kiểm tra sẽ được thực hiện nghiêm túc. Những trường để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển… sẽ bị xử lý nghiêm theo qui chế tuyển sinh hiện hành.
Về việc các trường ngoài công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Bộ GD&ĐT quyết định chính thức về việc này thế nào?
– Quan điểm của Bộ GD&ĐT là những đề án tuyển sinh riêng nào có tính khả thi cao, đảm bảo được sự công bằng và chất lượng nguồn tuyển, được xã hội đồng tình thì sẽ cho áp dụng thí điểm để nhân rộng. Phương án tuyển sinh riêng cần đảm bảo các nguyên tắc: công bằng, khách quan, không để tái diễn tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm và phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Hiện nay, rất nhiều ý kiến của chuyên gia và dư luận xã hội chưa đồng tình với việc sử dụng kết quả học tập và thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông để xét tuyển vào đại học, cao đẳng do độ tin cậy còn thấp, không không đảm bảo được tiêu chí công bằng, khách quan. Mỗi phương án tuyển sinh riêng cần có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội thừa nhận; nếu sử dụng kết quả thi “3 chung” thì phải lấy điểm sàn làm ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc trực tiếp với từng trường có đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Tại các buổi làm việc này, các trường đã cùng với Bộ trao đổi rất thẳng thắn và cới mở để tìm phương án tuyển sinh riêng khả thi nhất.
Ý kiến chung nhất sau các buổi làm việc này là các trường xây dựng lại phương án tuyển sinh riêng năm 2013 theo hướng chia thành 2 đợt tuyển sinh: Đợt 1 (mùa Thu), tuyển sinh theo phương thức 3 chung với điểm sàn theo qui định; Đợt 2 (mùa Xuân), các trường chủ động tổ chức thi riêng để tuyển bổ sung nếu đợt 1 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Việc tổ chức thi đợt 2 có thể được thực hiện ở từng trường hay từng nhóm trường.
Trong đợt thi bổ sung này, các trường chủ động hoàn toàn công tác đề thi, tổ chức thi, phương án xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng nguồn tuyển. Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ thực hiện việc kiểm tra giám sát.
Hiện tại Bộ đang chờ các trường trình phương án tuyển sinh mới. Trước mắt, khi phương án tuyển sinh riêng chưa được phê duyệt, tất cả các trường tuyển sinh chung theo đúng qui chế hiện hành.
Với tinh thần đổi mới và thực sự cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo, các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên để có phương án tuyển sinh phù hợp nhất, bảo đảm tính khoa học, công bằng, khách quan, đỡ gây tốn kém trong việc tổ chức thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm tới theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học.
Ý kiến của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các trường này khó khăn trong tuyển sinh là “điểm sàn”. Vậy năm nay Bộ GD&ĐT cách thức xây dựng điểm sàn có thay đổi không, thưa Thứ trưởng?
– Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể học tập được ở bậc CĐ hay ĐH, đảm bảo được chất lượng đầu ra chấp nhận được trong điều kiện điều kiện đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế. Trong những năm qua, điểm sàn được xác định dựa vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Mặt dù hệ số dư dôi khá lớn nhưng một số trường địa phương, trường ngoài công lập cũng còn gặp khó khăn về nguồn tuyển.
Thời gian qua, báo Giáo dục và Thời đại và một số báo khác đã giúp Bộ tổ chức diễn đàn lấy ý kiến của các chuyên gia về phương thức xác định điểm sàn hợp lý. Những ý kiến này rất bổ ích, sẽ được hội đồng xác định điểm sàn của Bộ cân nhắc áp dụng nhằm tư vấn cho Bộ trưởng quyết định mức điểm sàn phù hợp với tình hình thực tiễn mùa tuyển sinh năm 2013.
Thứ trưởng có lời nhắn nhủ gì thí sinh trước ngày bước vào trường thi?
– Còn mấy hôm nữa là ngày thi, các em nên bình tâm hệ thống lại kiến thức đã học ở bậc phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Hoàn toàn không nên đi học thêm, luyện thi mà phải tự mình kiểm tra lại kiến thức đã học bằng phương pháp riêng của từng người.
Các em cần giữ gìn sức khỏe, nhất là các thí sinh từ các địa phương xa lên thành phố, điều kiện sinh hoạt thay đổi nhiều. Khi vào phòng thi, các em phải lưu ý chỉ mang những vật dụng được phép theo qui chế.
Khi làm bài các em nên tìm những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các câu dễ có thể phân bố rải rác trong đề thi vì vậy các em cần lướt qua đề thi để làm chúng trước. Để làm bài tốt các em cần bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm. Chúc các em có một mùa thi thật thành công!
(Nguồn GD&ĐT)