Liệu chúng ta có nên rửa tay với nước nóng nhất mà chúng ta có thể chịu được hay chỉ dùng nước lạnh để rửa tay cũng sẽ mang lại hiệu quả về mặt vệ sinh như bình thường?
– Chất tẩy rửa có làm giảm bệnh tật trong nhà?
Rửa tay thường xuyên là biện pháp cần thiết và hữu hiệu để giữ vệ sinh và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng: rửa tay với xà phòng và nước nóng, cũng giống như khi rửa các vật dụng khác, sẽ làm tăng khả năng diệt khuẩn. Điều đó có thật sự đúng?
Trong bài trước, Tiến sỹ Karl đã nói về tầm quan trọng của việc rửa tay liên quan đến vấn đề vệ sinh và phòng tránh những căn bệnh lây nhiễm. Ông cũng đã đưa ra các dẫn chứng chứng minh việc sử dụng xà phòng sẽ giúp quá trình vệ sinh và phòng tránh bệnh trở nên hiệu quả hơn. Cuối cùng tiến sỹ đã đề cập tới tác dụng của xà phòng trong quá trình rửa tay. Vậy nhiệt độ nước để rửa tay thì sao? Liệu chúng ta có nên rửa tay với nước có nhiệt độ cao nhất mà chúng ta có thể chịu được hay dùng nước lạnh để rửa tay cũng sẽ mang lại hiệu quả về mặt vệ sinh như bình thường?
Vào năm 1938, Tiến sỹ PB Price đã cho đăng tải một bản tóm tắt kết quả của 80 nghiên cứu mà ông đã thực hiện trong suốt 9 năm.Tiến sỹ PB Price đã tiến hành nghiên cứu việc rửa tay với nước ở nhiệt độ dao động từ 24°C tới 56°C. Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước không tạo ra sự khác biệt về mức độ tẩy trùng sau khi rửa tay. Yếu tố quan trọng nhất trong việc tẩy trùng khi rửa tay là mức độ chà xát tay mạnh hay yếu. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu của một cá nhân và cũng đã được thực hiện từ cách đây khá lâu.
Nghiên cứu mới nhất về việc rửa tay bằng nước nóng
Trong những năm tiếp theo, nhiều nghiên cứu khác về vấn đề rửa tay bằng xà phòng cũng đã được thực hiện. Các nghiên cứu này xem xét các vấn đề như loại xà phòng: loại bình thường hay loại chứa chất diệt khuẩn; xà phòng nước hay xà phòng bánh; v.v. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu số lượng xà phòng cần sử dụng khi rửa tay, việc sử dụng dụng cụ cọ móng tay hay các dung dịch rửa tay nhanh (còn gọi là dung dịch rửa tay khô). Thậm chí các phương pháp làm khô tay sau khi rửa cũng được xem xét, ví dụ như: sử dụng giấy hay khăn vải để lau tay; nên sấy khô tay bằng máy hay lau khô bằng khăn tay, v.v. Tuy nhiên, lại có rất ít các nghiên cứu y tế được thực hiện nhằm kiểm chứng tác dụng của nhiệt độ nước đối với việc rửa tay.
Và cuối cùng, vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận một cách cụ thể và chuyên sâu tại Hội nghị về Bảo vệ Lương thực được tổ chức tại Mỹ trong năm 2000. Tiếp đó, vào năm 2002, trong một nghiên cứu do Tiến sỹ Barry Michaels thực hiện, bàn tay của những người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được bôi đất bẩn có chứa khuẩn E.coli. Sau đó, họ được yêu cầu rửa tay bằng xà phòng và nước ở năm mức nhiệt độ khác nhau, dao động từ nhiệt độ khá lạnh 4.4°C, tới mức nhiệt độ hơi quá nóng 48.9°C.
Kết quả cho thấy, việc rửa tay với nước ở nhiệt độ khác nhau gần như không tạo ra nhiều khác biệt về số lượng vi khuẩn còn lại trên da, dù là vi khuẩn thường trú trên da hay loại vi khuẩn mới xâm nhập trong giai đoạn ngắn. Cần nhớ rằng những vi khuẩn ký sinh thường xuyên trên da thường là vi khuẩn có ích. Ngược lại, những vi khuẩn mới xâm nhập là loại nguy hiểm, gây bệnh cho cơ thể. Điều khác biệt rõ rệt nhất và cũng là duy nhất được phát hiện là nếu chà xát tay càng mạnh, hiệu quả tẩy trùng sẽ càng cao hơn. Việc chà xát trong khi rửa tay có tác dụng chủ yếu là loại bỏ các vi khuẩn mới xâm nhập, loại vi khuẩn gây hại, thay vì các vi khuẩn ký sinh thường xuyên trên da.
Thông thường, mọi người vẫn nghĩ rằng nước nóng sẽ giúp tạo nhiều bọt xà phòng hơn, cũng như giúp làm tan hay tẩy rửa chất nhờn trên da tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế khi rửa tay bằng nước ấm hay nước nóng, nước khi chảy qua tay sẽ nguội đi khá nhanh, xuống bằng với nhiệt độ trên da chỉ trong giây lát. (Mặt khác, nước sẽ duy trì nhiệt độ nếu được chứa trong bát.) Như vậy, nước nóng không có tác dụng tốt hơn trong việc diệt khuẩn. Ngược lại, nước nóng đôi khi làm cho một số loại xà phòng trở nên dễ kích ứng với da hơn và có thể gây viêm da do dị ứng với xà phòng.
Nước ấm hay nước nóng?
Một báo cáo nghiên cứu cho biết “…khi rửa tay, nhiệt độ nước sử dụng như thế nào chỉ nên đơn thuần là tạo ra sự thoải mái khi rửa tay, chứ không nên nhằm mục đích tăng khả năng diệt khuẩn. Nước cũng không nên quá nóng mà chỉ nên âm ấm sẽ tạo sự thoải mái khi rửa tay. Đồng thời việc sử dụng nước ấm thay cho nước nóng cũng có những lợi ích về mặt kinh tế.”Và thực tế cũng cho thấy, mọi người cũng thấy thoải mái hơn và sẽ rửa tay thường xuyên hơn nếu sử dụng nước ấm thay vì nước ở nhiệt độ quá nóng.
Tại Mỹ, bộ luật về thực phẩm được đưa ra năm 2001 đã hạ thấp tiêu chuẩn nhiệt độ nước rửa tay khuyến cáo xuống còn 37.8°C (tương đương với 100°F). Nhiệt độ này phù hợp với các loại xà phòng, mà hầu hết các loại xà phòng này được thiết kế để tạo bọt nhiều nhất ở nhiệt độ khoảng 35°C. Và dù ở nhiệt độ nào đi nữa, chắc chắn rằng sẽ không thể nào diệt vi khuẩn trên da chỉ đơn thuần bằng nhiệt độ nước nóng dùng khi rửa tay. Nhiệt độ cần thiết để diệt vi khuẩn là trên 80°C. Nếu nước đủ nóng để diệt khuẩn, nó chắc chắn cũng sẽ làm bỏng da tay.
Vậy thì nguyên nhân từ đâu người ta lại cho rằng nước nóng là điều kiện cần thiết để rửa tay một cách hiệu quả?
Con người có thể dễ dàng đo và điều chỉnh nhiệt độ nước nhưng lại rất khó để có thể điều chỉnh chính xác mức độ mạnh yếu khi chà xát, xoa tay hay lau khô tay sao cho hiệu quả. Hơn nữa, cũng về quan niệm ‘nóng là tốt’, bộ phận giặt đồ tại các bệnh viện từ lâu đã không còn sử dụng nước nóng để giặt quần áo và ga trải giường.
Vì vậy, ngày nay, các nhân viên y tế có thể đi tiên phong trong vấn đề này bằng cách rửa tay bằng nước ấm sau khi khám cho mỗi bệnh nhân và luôn giữ cho tay sạch sẽ, vô khuẩn và khi đó khả năng bị viêm da cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Theo: (Hot water hand washing – Dr Karl/Bayvut)