Nếu lỡ thi trượt ĐH, CĐ, thậm chí trượt tốt nghiệp phổ thông năm nay, vẫn còn nhiều cơ hội đào tạo, thậm chí, với nhiều trường hợp trượt tốt nghiệp phổ thông, có cả cơ hội học lên hệ đại học.
Hiện nay, một số ít trường có chương trình hai cộng dành cho thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp nhưng muốn học lên ĐH như Trường Trung cấp Kỹ thuật Tây Nam Á chẳng hạn.
Học sinh sẽ học ba tháng văn hóa để hoàn thành chương trình phổ thông và tiếp tục học chương trình trung cấp hai năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể được liên thông lên các bậc CĐ, ĐH để học tiếp nếu có đủ năng lực.
Có thể học như vậy là vì nhiều ngành học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng chỉ xét tuyển theo tiêu chí điểm thi của cấp trung học cơ sở (THCS).
Theo đó, các tiêu chí xét tuyển TCCN hiện nay bao gồm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương, THCS hoặc tương đương của thí sinh; điểm tổng kết các môn học ba năm THPT hoặc tương đương, bốn năm THCS hoặc tương đương của thí sinh; điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp THPT hoặc tương đương, THCS hoặc tương đương của thí sinh và điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2009 của thí sinh.
Muôn cửa liên thông
Tính đến kỳ tuyển sinh năm nay, có thể nói, số lượng các trường có tổ chức liên thông từ hệ TCCN lên hệ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) rất phong phú về số lượng. Các trường đều tích cực mở các ngành có liên thông dạng này vì đó cũng là một cách để thu hút khoảng nửa triệu thí sinh rơi rụng hàng năm qua các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong số này, 62 phần trăm thí sinh có nguyện vọng tiếp tục được đào tạo.
Một kiểu liên thông khá độc đáo được Bộ GD&ĐT thí điểm vài năm nay là liên thông thẳng từ hệ TCCN lên hệ ĐH. Một số trường ĐH, CĐ đang thí điểm liên thông theo dạng này là ĐH Mở TPHCM, ĐH DL Hồng Bàng, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công đoàn…
Tuy nhiên, dạng liên thông này gây ít nhiều khó khăn do khối lượng kiến thức quá lớn là yêu cầu bắt buộc của dạng liên thông này. Vì vậy, theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh phải cân nhắc hết sức cặn kẽ khi đăng ký theo học dạng liên thông này.
Nếu muốn học lên ĐH từ hệ TCCN, thí sinh cũng có thể lựa chọn một con đường khác là liên thông hai cấp bậc, nghĩa là thí sinh sẽ học theo từng bậc một: trung cấp – cao đẳng – đại học. Thí sinh sẽ giảm được áp lực khá nhiều về khối lượng kiến thức và cũng có một lợi thế: khi liên thông lên CĐ, thí sinh có thể nhận bằng CĐ; sau đó, có thể tùy chọn học tiếp lên ĐH hay không. Dạng liên thông hai cấp bậc tại trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM là ví dụ.
Thí sinh sẽ còn một lợi thế khác là tốt nghiệp hệ TCCN ở trường này cũng có thể nộp đơn học liên thông lên hệ CĐ hoặc ĐH của trường khác.
Học nghề
Lâu nay, học nghề công nghệ thông tin (CNTT) luôn là lựa chọn chủ yếu đối với nhiều thí sinh không đỗ ĐH, CĐ. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể được đào tạo lĩnh vực CNTT. Hai tên tuổi có thâm niên và ổn định tại Việt Nam là Aptech và NIIT. Lợi thế của ngành CNTT tại các trung tâm này là chương trình đào tạo thường được rút gọn trong khoảng hai năm.
Tại TPHCM, liên quan đến CNTT cũng có một số ngành khá đặc biệt. Đầu tiên là Trung tâm Đào tạo CNTT iSpace của Bệnh viện Máy tính iCare. Học viên được đào tạo để trở thành một bác sĩ máy tính lành nghề. Đầu vào của iSpace không hạn chế. Học viên tốt nghiệp sẽ có chứng nhận của trung tâm iSpace, chứng chỉ nghề của Tổng cục Dạy nghề có giá trị toàn quốc.
Cũng có thể tìm đến Chương trình Đào tạo Game Developer (lập trình game, lát cắt nhỏ của nghề lập trình) tại Học viện NIIT. Đây là nghề nóng nhưng ít nơi nào đào tạo chính quy. Tuy vậy, muốn vào khóa học 24 tháng này, thí sinh phải thi tuyển.
Tại TPHCM, các trường nghề được nhiều doanh nghiệp đặt hàng cung ứng lao động nhất là một số ngành đang hút hàng trên thị trường lao động như: may mặc, nhựa, tiện, hàn… Bên cạnh đó, các trường nghề do nhiều doanh nghiệp xin phép được mở ra coi như thí sinh vào học tại đây sẽ được làm việc tại doanh nghiệp đó ngay khi ra trường. Trường TH Kỹ thuật nghiệp vụ Mai Linh là ví dụ điển hình.
Theo Đăng Khoa (Tiền Phong)