(Hiếu học). Vai trò của người sếp là lãnh đạo nhân viên đạt được những mục tiêu đã đề ra. Muốn làm được điều này, người lãnh đạo phải biết cách khích lệ, truyền cảm hứng giúp nhân viên có thêm động lực làm tốt công việc của mình.
Nếu bạn muốn thành công trong dài hạn như một nhà lảnh đạo, bạn cần phải gây dựng nên một năng lực và sức mạnh uy tín cho bạn như một nhà lãnh đạo. Sau đây là 10 bí quyết có thể giúp bạn “khích lệ” các nhân viên:
1. Nắm bắt và quan tâm tới những vấn đề của nhân viên.
Liệu nhân viên của bạn có hài lòng với công việc và môi trường làm việc hiện tại? Liệu họ có cảm thấy được đánh giá và lắng nghe? Hãy tìm hiểu, dành thời gian để nói chuyện và thảo luận những ưu tiên cũng như mong muốn của họ. Các cuộc nói chuyện cởi mở thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu nhân viên của mình hơn, từ đó sẽ có biện pháp thích hợp để thúc đẩy họ. Chắc chắn, nhân viên sẽ làm việc với nguồn năng lượng và cảm xúc mạnh mẽ hơn cho công việc.
2. Phổ biến rõ ràng và thuyết phục về mục tiêu của công ty
Mọi người sẽ thấy phấn chấn, có động lực hơn khi hứng thú với mục tiêu của công ty và cố gắng đóng góp để đạt được chúng. Mỗi nhân viên cần hiểu phần công việc của mình đóng góp ra sao cho thành công của công ty. Nếu bạn truyền đạt tầm nhìn một cách rõ ràng bằng cảm xúc nhiệt tình và sự trung thực của mình, đặc biệt hãy nhấn mạnh tới sự khác biệt của từng người, bạn sẽ lôi cuốn và thuyết phục được nhân viên.
3. Công khai các nhóm làm việc không hiệu quả
Nêu gương những nhóm làm việc hiệu quả có thể tăng cường thêm động lực cho cả nhóm. Và điều ngược lại, công khai các nhóm chưa tốt sẽ giúp họ cải thiện tinh thần làm việc cũng như hiệu quả công việc. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của sếp vì nếu chỉ trích quá mạnh mẽ, thậm chí hạ thấp họ, có thể dẫn tới kết quả tiêu cực.
4. Sức mạnh từ uy tín của lãnh đạo.
Thái độ và cách cư xử của người lãnh đạo tạo nên tinh thần chung của cả tổ chức. Nhân viên thường xuyên để ý tới bạn và sẽ tuân theo sự lãnh đạo của bạn nếu bạn chứng tỏ được phẩm chất của một người sếp. Hãy ghi điểm với mọi người bằng sự nhiệt tình và thực tế về những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Hãy cố gắng trở thành hình mẫu lí tưởng để nhân viên có thêm động lực tiến lên phía trước.
5. Cư xử với mọi người bằng sự tôn trọng.
Những lời đe dọa, mắng mỏ có thể khiến nhân viên phải cố gắng để hành động nhưng đôi khi không theo hướng tích cực. Bất cứ mối quan hệ nào cũng phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và trong công việc cũng vậy. Hãy cho nhân viên sự tự do để là chính họ và tìm cách đạt được sự tán đồng dựa trên thảo luận và lời lẽ thuyết phục, thay vì sử dụng những lời lẽ mang tính áp đặt.
6. Tạo cơ hội sáng tạo cho nhân viên.
Mọi người sẽ cảm thấy có nhiều động lực hơn nếu họ làm việc trong một môi trường, nơi mà họ được thử thách và có cơ hội để đổi mới. Là một người lãnh đạo, hãy cho mọi người cơ hội vận dụng sự sáng tạo của họ. Ngoài ra, hãy nhiệt tình giúp đỡ nếu nhân viên cần tới bạn.
7. Đầu tư phát triển nhân viên
Hãy thể hiện rằng bạn quan tâm và tin tưởng vào sự thành công của nhân viên bằng cách cung cấp thông tin để họ phát triển một cách chuyên nghiệp. Bạn có thể dành thời gian để đưa ra những phản hồi hiệu quả cho sự tiến bộ của nhân viên, giới thiệu sách và bài báo bổ ích, giới thiệu người cố vấn chuyên nghiệp… Ngoài ra, nếu có thể, hãy lập một ngân sách đào tạo thích hợp cho những nhân viên có tiềm năng. Thêm nữa, nhân viên chắc chắn sẽ rất cảm kích và thêm quyết tâm với công việc nếu bạn cho phép họ dành một chút thời gian vào những dự án họ quan tâm kể cả khi họ nằm ngoài trách nhiệm tiêu chuẩn.
8. Công nhận và trao thưởng thường xuyên cho sự nỗ lực, kết quả tốt
Nhân viên cần sự ca tụng và công nhận. Hãy đưa ra những phản hồi rộng lượng và công nhận bất cứ khi nào có thể. Quan tâm tới thành công của nhân viên, dù là nhỏ, nhưng nếu kết quả đó là do họ đã nổ lực, hãy tổ chức chúc mừng. Hãy cụ thể trong lời ca tụng của bạn để họ biết rằng các hành động nào đóng góp vào thành công chung của tổ chức.
9. Đảm bảo sự bồi thường, những phần thưởng và các lợi ích khác một cách công bằng.
Có những phần thưởng ngoài luồng ảnh hưởng ngắn hạn tới động lực của nhân viên. Tăng lương, cổ phần công ty, thưởng, ngày nghỉ hoặc sự nâng cấp môi trường làm việc sẽ được nhân viên đánh giá cao. Tuy nhiên, tất cả những công cụ thúc đẩy nhân viên có thể phản tác dụng nếu chúng không được sử dụng một cách công bằng. Nhân viên thường so sánh khoản mình nhận được với những người khác và sẽ chán nản nếu không thấy tương xứng. Do đó, hãy đảm bảo sự công bằng đối với tất cả nhân viên.
10. Đúng người, đúng việc và không yêu cầu quá cao.
Việc này đòi hỏi bạn phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên. Từ đó, giao việc cho nhân viên một cách thích hợp và đảm bảo rằng họ nắm vững trách nhiệm của mình một cách rõ ràng.
Cuối cùng, hãy giúp nhân viên cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc, bằng cách cung cấp những lợi ích để nhân viên có điều kiện quan tâm đến bản thân của họ. Bạn sẽ giúp họ thể hiện tốt hơn nhiều khía cạnh, cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân đời thường. Như thời gian làm việc linh hoạt, thẻ thành viên câu lạc bộ thể dục, chương trình hỗ trợ nhân viên… chẳng hạn.
Theo: (Ezinearticle)/Nghi Quân(hieuhoc_hieuhoc.com).