Public Relations – Quan Hệ Công Chúng – Nghề Giao Thiệp

(hieuhoc_hieuhoc.com): Thật là oách khi tay rút điện thoại, nói tiếng Anh như gió và xưng danh:”Tôi là một PR”. Không chỉ dành cho sinh viên ngành báo chí, dù học kinh tế hay văn hoá, tài chính hay du lịch… miễn là yêu thích thử thách và muốn khám phá sức sáng tạo của chính mình, bạn có thể là một PR.

PR – nghề tiềm năng

Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh sôi động như ngày nay, hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp phải liên tục đưa ra những chiến lược makerting nhằm năng cao thị phần trên thị trường và khảng định thương hiệu của mình. Chính vì vậy, hoạt động Marketing mà trong đó tiêu biểu là PR ngày càng được đề cao. Thậm chí, với một số ngành cần nhiều hoạt động PR mà không cần thông qua một cơ quan dịch vụ PR khác, bộ phận PR đóng một vai trò độc lập. PR còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhân viên PR giúp công ty truyền tải các thông điệp đến khách hàng mục tiêu của họ, giúp sản phẩm đi vào nhận thức của khách hàng.

Làm nghề PR, bạn được đặt mình trong một hệ thống những con người năng động, sáng tạo, luôn luôn mới mẻ với những cơ hội và đôi khi là thách thức mới. Bởi vậy, công việc này rất phù hợp với giới trẻ, mà độ tuổi lý tưởng nhất nằm trong khoảng 27-35 tuổi. Mức lương của nhân viên PR khá hấp dẫn. Khảo sát qua thu nhập của nhiều nhân viên PR cho thấy, mức của người thấp nhất cũng là 200 USD. Có những người mỗi tháng lãnh trọn trên 1.000 USD. Chuyên viên PR làm việc trong bộ phận PR, tuyên truyền, quảng cáo hoặc thông tin báo chí của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các Bộ, ban ngành v.v…

Vậy, PR là gì?

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ PR chỉ gói gọn là quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện, giải quyết khủng hoảng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đánh đồng công việc của PR với các sự vụ lặt vặt như in ấn, viết thông cáo báo chí… Hay PR chỉ là quảng cáo hoặc là giao tế nhân sự. Đó là cách nhìn nhận chưa chính xác.

PR (viết tắt của Public Relations – tạm gọi là Quan hệ công chúng) có thể hiểu là những nỗ lực một cách có kế hoạch, tổ chức của một cá nhân hoặc tập thể nhằm thiết lập và duy trì, phát triển những mối quan hệ có lợi với đông đảo công chúng của nó.

Cơ sở chủ yếu của hoạt động PR là cung cấp thông tin cho công chúng, xây dựng thông tin hai chiều giữa công chúng và tổ chức, cá nhân, tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng. Hoạt động PR gắn bó chặt chẽ với các phương tiện truyền thông đại chúng.

Công việc chính của nhân viên PR

– Lập kế hoạch, chương trình hoạt động cho tổ chức, cá nhân: đó có thể là một chiến dịch thông tin nội bộ trong tổ chức, một chiến dịch truyền thông, tài trợ, quảng bá hình ảnh v.v…

– Trên cơ sở phân tích những thách thức và cơ hội, xác định mục tiêu cụ thể, người làm PR đề xuất và lập kế hoạch hoạt động, sau đó đánh giá hiệu quả của kế hoạch ấy.

Với một kế hoạch rõ ràng và chi tiết, công việc tiếp theo của chuyên viên PR là:

– Soạn thảo và biên tập thông cáo báo chí, tài liệu báo chí, báo cáo dành cho cổ đông, báo cáo thường niên, bản tin nội bộ v.v…

– Thiết kế và sản xuất những cuốn niên giám, các bản báo cáo, phim tài liệu, các chương trình truyền thông đa phương tiện v.v…

– Quan hệ với giới truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời theo dõi và xử lý thông tin báo chí thông qua các hoạt động họp báo, phát thông cáo báo chí v.v…

– Sắp xếp những cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, chuẩn bị các bài diễn thuyết, là người phát ngôn cho tổ chức của mình v.v…

– Tổ chức các sự kiện như: các buổi hội nghị, triển lãm, những lễ kỉ niệm, cuộc thi, giải thưởng nhằm thu hút công chúng, tạo dựng hình ảnh về tổ chức.

– Nghiên cứu, đánh giá về các kế hoạch, chương trình, hoạt động sau khi thực hiện để rút kinh nghiệm.

Những tố chất để trở thành một nhân viên PR chuyên nghiệp

– Khả năng giao tiếp (gồm cả nói và viết) là một tố chất rât quan trọng của một nhân viên PR. Khả năng giao tiếp cũng đồng nghĩa với bạo dạn, tự tin. Không có chỗ cho một nhân viên PR nhút nhát, ngại giao tiếp hay mất bình tĩnh trước đám đông. Bằng tài giao thiệp này, bạn có thể tạo dưng nên những mối quan hệ tin cậy với những đối tác tiềm năng.

– Không chỉ giỏi giao tiếp, một nhân viên PR chuyên nghiệp phải có kiến thức xã hội sâu rộng. PR ngày nay không đơn thuần chỉ là các hoạt động quan hệ báo chí, tổ chức các sự kiện. PR đã trở thành một công nghệ nên đòi hỏi người làm phải có trình độ chuyên môn cao. PR là người tư vấn chiến lược, đưa ra những phương thức hoạt động cho đối tác. Tính chiến lược là yếu tố xuyên suốt mà các công ty PR phải đảm bảo. Vì thế nhân viên PR không thể không biết sáng tạo.

– Óc quan sát và phán đoán tốt, tư duy phân tích cao.

– Khéo léo, nhanh nhẹn, nhạy bén trong mọi tình huống.

– Có năng lực tổ chức, bởi vì hoạt động PR luôn gắn liền với các sự kiện có đông người tham dự.

– Vốn ngoại ngữ và tin học tốt. Đây là một lợi thế để có thể trở thành một nhân viên PR chuyên nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin và giao lưu hợp tác quốc tế mạnh mẽ ngày nay.

– Biết chăm chút cho vẻ bên ngoài của mình. Một vẻ bề ngoài lịch thiệp, trang nhã luôn tạo độ tin cậy và sức hút trong giao tiếp.

– Có khả năng chịu được áp lực của công việc.

– Có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm khi cần thiết.

PR được nhiều người theo đuổi, giờ đây nó thực sự đã trở thành một trào lưu. Những người của trào lưu này đang phải tự mò mẫm khi mà PR ở Việt Nam vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về nó. Nhưng trên hết, PR vẫn được lựa chọn là nghề thể hiện cao nhất sức sáng tạo vô biên của giới trẻ.

Học PR ở đâu?

SV ngành báo chí có nhiều cơ hội tiếp cận với PR và họ có thuận lợi cơ bản là được đào tạo về kỹ năng báo chí. Đó là điều rất quan trọng trong công việc của PR.
Các bạn có thể theo học báo chí tại các trường sau:

– Khoa Báo chí & Truyền thông – ĐH KHXH&NV – ĐH QG TP.HCM
Địa chỉ: 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM;
Tel: 08.8293828; 08.8221909 (Phòng đào tạo); Fax: 08.8221903;
Email: ussh@hcmussh.edu.vn; phongdaotao@hcmussh.edu.vn;
Website: www.hcmussh.edu.vn

Ngọc Phượng

Cùng chuyên mục