Phỏng vấn xin việc – 7 điều nên biết

(hieuhoc_hieuhoc.com): Là một sinh viên sắp ra trường nên tôi cũng rất quan tâm tới việc xin việc làm sau này. Bản thân cũng đã tham gia một số cuộc phỏng vấn đối với những công việc bán thời gian. Qua đó tôi cũng đã đúc kết được ít nhiều kinh nghiệm, cũng như thông qua tìm hiểu và học hỏi những người đi trước, tôi rất muốn được chia sẻ những kinh nghiệm này đối với các bạn sinh viên sắp ra trường như tôi để bạn có thể tự tin, và đạt được thành công trong các cuộc phỏng vấn.

Bạn đã chuẩn bị rất kỹ trước khi đi phỏng và bạn nghĩ rằng sẽ chẳng có một sai sót gì xảy ra cả. Nhưng thực tế không phải điều gì cũng suôn sẻ từ đầu đến cuối.

Vì vậy, bạn hãy cẩn thận để tránh những rủi ro không đáng có đưới đây:

1. Không nên đến muộn

Nếu bạn đến muộn, điều đó sẽ thể hiện bạn là người thiếu chu đáo trong công việc và thậm chí đó còn là một hành động khiếm nhã. Vậy liệu đây có phải là ấn tượng đầu tiên bạn muốn để lại cho nhà tuyển dụng? Hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi đi phỏng vấn. Cố gắng, lên kế hoạch đi sớm ít nhất là nửa tiếng đồng hồ để tránh những rủi ro do đi nhầm đường, ách tắc giao thông hay bất cứ một điều không may nào khác có thể xảy ra với bạn. Hơn nữa, nếu tới sớm, bạn có thể có thời gian để lấy lại bình tĩnh trước khi bước vào phòng phỏng vấn.

2. Không nên nói sai tên

Nhiều ứng cử viên lo lắng đến nỗi nói sai tên người phỏng vấn. Để tránh xảy ra tai nạn không đáng có này, trước khi phỏng vấn hãy tìm hiểu xem ai sẽ là người phỏng vấn bạn. Nhớ tên của người đó (cả họ tên càng tốt). Hãy viết vào tờ giấy ghi chú ngay sau khi bạn ngồi xuống phỏng vấn. Nếu chẳng may điều này xảy ra, đừng bối rối, hãy nhanh chóng xin lỗi với một thái độ thân thiện và tiếp tục cuộc phỏng vấn.

3. Tránh hấp tấp

Chọn từ ngữ cẩn thận. Tránh trả lời hấp tấp. Những suy nghĩ đầu tiên loé ra trong đầu bạn ngay khi người phỏng vấn đặt câu hỏi chưa chắc đã phải là câu trả lời tốt nhất. Tốt hơn hết là dừng lại một chút để dành thời gian suy nghĩ. Bằng cách này, không những bạn có thể chuẩn bị kỹ câu trả lời mà còn cho thấy bạn là người suy nghĩ chín chắn trước khi nói.

4. Không nên quá căng thẳng

Cuộc phỏng vấn luôn luôn đẩy bạn vào những tình huống căng thẳng, ngay cả khi bạn là một người có kinh nghiệm. Nhiều khi sự căng thẳng này có thể làm cho bạn “đông cứng” suốt buổi phỏng vấn. Vì thế, hãy thực hành với những người bạn của bạn bằng một cuộc phỏngvấn giả để bạn có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt tâm lí.

5. Tránh những rủi ro về mặt sinh lí

Nhiều khi bạn phải đối mặt với những điều xảy ra không theo ý muốn đó là những tại nạn về mặt sinh lí. Vì thế, để tránh gặp phải những bất tiện do cái bụng gây nên, tốt hơn hết là nên ăn trước khi đi phỏng vấn cách đó vài giờ, đồng thời phải thận trọng với những thức ăn đó, không nên ăn no quá hay ăn những thức ăn để lại dư vị khó chịu như tỏi, hành…

6. Không nên quá rụt rè, quá khiêm tốn

Cuộc phỏng vấn không phải là nơi dành cho sự rụt rè, khúm núm. Bởi quá rụt rè, quá khiêm tốn có thể làm cho bạn xuất hiện một cách mờ nhạt và thiếu tự tin. Trước khi đi phỏng vấn, hãy tạo một danh sách những thành quả cả về mặt cá nhân và chuyên môn, sau đó thực hành nói về chúng với những người bạn của bạn.

7. Không nên thiếu nhiệt tình

Sẽ chẳng ai muốn làm việc với một người ù ì, chậm chạp cả. Vì thế, hãy luôn nghĩ xem bạn có thể làm gì để xuất hiện một cách tự tin và mạnh mẽ? Cười và duy trì liên lạc bằng ánh mắt. Ngồi thẳng lưng. Tránh nói bằng một giọng đều đều. Trả lời rõ ràng, chắc chắn.

Chúc các bạn thành công!

Trang Bùi

Cùng chuyên mục